Đường dẫn truy cập

Phụ nữ miền quê Ấn Độ khai thác công nghệ năng lượng mặt trời


Hoàng tử Anh Andrew cầm chiếc đèn năng lượng mặt trời trong chuyến thăm Đại học Thương mại và Kinh tế tại Mumbai, Ấn Độ, 9/3/2010
Hoàng tử Anh Andrew cầm chiếc đèn năng lượng mặt trời trong chuyến thăm Đại học Thương mại và Kinh tế tại Mumbai, Ấn Độ, 9/3/2010

Ấn Độ dường như có sở trường chế tạo các sản phẩm nhỏ và rẻ tiền hơn. Như chiếc xe hơi với giá bán chỉ có 2500 đôla, và chiếc máy vi tính 35 đôla. Đó là 2 sáng kiến mới nhất của Ấn Độ; giờ đây, nước này ngày càng tập trung hơn vào công nghệ năng lượng mặt trời với tổn phí thấp. Thông tín viên Raymond Thibodeaux của Đài VOA tường trình từ Tiloniya, một ngôi làng nhỏ bé thuộc bang Rajasthan, tuyến đầu của nỗ lực này.

Trong một cơ xưởng chan hòa ánh nắng, bà Tenzing Chonzom đang hàn để gắn các bộ phận rời vào một thiết bị điều hòa các dòng điện. Thiết bị này sau đó sẽ được gắn vào một tấm thu năng lượng mặt trời, sẽ được dùng để thắp sáng đủ mọi thiết bị, từ đèn điện cho tới các máy tính xách tay.

Bà Chonzom cho hay bà đã được cộng đồng chọn đưa đến đây để học hỏi về công nghệ mặt trời. Bà cho biết sẽ mang những kiến thức thu thập được ở đây về làng mạc nơi bà sinh sống. Bà nói rất nhiều người trong khu vực của bà, nằm tại chân dãy núi Hy mã lạp sơn, vẫn chưa có điện để dùng.

Bà Chonzom, năm nay 50 tuổi, là một trong nhóm vài chục người đang được huấn luyện tại nơi này để trở thành kỹ thuật viên về năng lượng mặt trời. Đa số không hề được theo học tại một trường chính thức nào.

Đây là một phần nằm trong một chương trình nhằm giúp thành phần nghèo ở các vùng nông thôn Ấn Độ, bằng cách huấn luyện họ để chế tạo và lắp đặt các tấm pin mặt trời ít tốn kém. Những người được chọn, sẽ dạy lại cho những người khác để làm công việc này.

Ngôi trường được mệnh danh là “Barefoot College”, xin tạm dịch là “Trường Cao Đẳng Chân Đất”, cho tới nay đã huấn luyện hàng ngàn người. Ông Sanjit Bunker Roy là người khởi xướng chương trình này cách đây 25 năm.

Ông cho biết: “Điều cần phải làm là xoá tan những khó khăn bí ẩn mà người ta nghĩ về công nghệ này, và đưa nó xuống cấp cộng đồng để họ có thể tự quản lý, kiểm soát và sở hữu công nghệ đó.”

Ông Sanjit Roy đã được tạp chí Time chọn đưa vào danh sách 100 nhân vật hàng đầu có ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2010. Ông nói công nghệ mặt trời ở cấp quần chúng, là điều thiết yếu đối với Ấn độ.

Gần phân nửa cư dân sống tại các vùng thôn quê Ấn, tổng cộng hơn 300 triệu người, hoặc không có điện, hoặc chỉ có điện vài tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Tình trạng đó hạn chế những gì mà người ta có thể làm trong một ngày, cho dù là làm bài vở ở nhà, hay sản xuất các sản phẩm tiểu công nghệ.

Để giúp họ, ông Roy cho biết ông đã thực hiện những dự án hỗ trợ mà Ngân hàng Thế giới và Liên hiệp quốc thường không làm, đó là khai thác tài khéo của người dân quê, mà ông được chứng kiến mỗi ngày. Ông giải thích:

“Tài khéo đó, chúng ta có thể thấy ở khắp mọi nơi ở Ấn Độ, đó là khả năng hầu như vô giới hạn để tự xoay sở và sửa chữa những vật dụng, trong khi đương sự chưa bao giờ được đào tạo từ trường lớp. Họ có sẵn những kỹ năng lạ thường mà ta chưa thể định nghĩa, chưa đánh giá và chưa tôn trọng đúng mức.”

Như để minh họa tài khéo léo bản năng đó, ông Roy đơn cử chiếc lò điện mặt trời mà một số phụ nữ tại Trường Cao Đẳng Chân Đất đã giúp thiết kế và chế tạo.

Tại trung tâm lò bếp này là một thiết bị theo dõi ánh nắng mặt trời được chế tạo từ răng đĩa xích của các chiếc xe đạp cũ, lò xo và đá.

Thiết bị này cho phép gắn một gương lõm cũng tự chế, có kích thước của một đĩa vệ tinh, để thu ánh sáng mặt trời, tập trung những tia nắng vào một lò bếp bằng nhôm.

Tất cả các bữa ăn tại Trường Cao Đẳng Chân Đất đều được nấu nướng trên cái lò bếp tự chế này.

Một trong những người đóng góp vào việc thiết kế lò bếp là bà Devi, 30 tuổi, một bà mẹ có hai đứa con, và chỉ có trình độ lớp 3 tiểu học.

Bà Devi nói bà muốn chế ra một lò nấu bằng năng lượng mặt trời với những vật liệu dễ kiếm được, ngay cả ở những ngôi làng xa xôi hẻo lánh. Bà nói chiếc lò này giúp cho người sử dụng tiết kiệm thời giờ, và có lợi cho môi trường, vì nhờ cái lò bếp này, phụ nữ có thể tiết kiệm thì giờ phải bỏ ra để ra khỏi làng đi kiếm củi mang về đun.

Trong 1 bài hát, bà Devi và các phụ nữ khác của Trường Chân Đất ca tụng những lợi ích của những chiếc lò nấu và đèn dùng năng lượng mặt trời.

Ông Roy nói chương trình của ông chỉ cung cấp một không gian để cho các phụ nữ này phát triển lòng tự tin.

Ông nói chính niềm tự tin đó là động cơ đưa đến sự thành công của đội ngũ Chân Đất, đưa điện tới hơn 450 ngôi làng ở vùng thôn quê Ấn Độ.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG