Đường dẫn truy cập

Hỗn loạn ở Trung Đông: Trung Quốc ‘giữ khoảng cách’ dù đề nghị làm trung gian hòa giải


Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) bắt tay Ngoai trưởng Ả rập Xê-út Hoàng tử Faisal bin Farhan Al-Saud tại một hội nghị Ngoại trưởng các nước Ả Rập và các nước có đa số dân theo Hồi Giáo tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, ngày 20/11/2023.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) bắt tay Ngoai trưởng Ả rập Xê-út Hoàng tử Faisal bin Farhan Al-Saud tại một hội nghị Ngoại trưởng các nước Ả Rập và các nước có đa số dân theo Hồi Giáo tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, ngày 20/11/2023.

Trong nhiều năm, Trung Quốc đã tìm cách nâng cao vị thế của mình bằng cách đề nghị làm trung gian hòa giải các xung đột và tranh chấp ở Trung Đông, nhưng các nhà phân tích cho rằng sự can dự hạn chế của Bắc Kinh vào cuộc chiến ở Gaza cho thấy Trung Quốc tiếp tục đặt lợi ích của mình lên hàng đầu.

Trong một bài báo gần đây trên tạp chí Foreign Policy, bà Yun Sun, Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington, nói rằng vai trò của Trung Quốc trong việc môi giới nối lại quan hệ giữa Saudi-Iran vào năm ngoái đã làm dấy lên hy vọng nước này có thể tìm ra cách giảm căng thẳng ở Trung Đông. Thế nhưng, bà nói: “Trung Quốc đã không triển khai thành công đó”.

Bà Sun và các nhà phân tích khác chỉ ra nền kinh tế của Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào dầu thô vùng Vịnh và với 53% nhu cầu năng lượng của nước này đến từ khu vực này, Bắc Kinh coi sự ổn định ở Trung Đông là điều tối quan trọng. Bà Sun nói: “Trung Quốc từ lâu đã định vị mình là người tiêu thụ và khách hàng của dầu mỏ Trung Đông,” một vai trò mang lại quyền lực cho nước này mà “Trung Quốc không cần phải mang gánh nặng trong việc mang lại hòa bình”.

Ông Hesham Alghannam là người đứng đầu Chương trình Nghiên cứu Chiến lược và An ninh Quốc gia tại Đại học Khoa học An ninh Naif Arab ở Riyadh, Ả Rập Xê Út. Phát biểu gần đây tại hội thảo trực tuyến của Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, ông ca ngợi quan điểm chung của Trung Quốc với các quốc gia Ả Rập, bao gồm cả việc thúc đẩy lệnh ngừng bắn sớm trong cuộc xung đột ở Gaza. Tuy nhiên, ông Alghannam nói thêm rằng sự can dự chính trị của Trung Quốc vào Trung Đông “vẫn còn hạn chế”.

Ông nói: “Trung Đông không phải là lợi ích cơ bản của Trung Quốc, và tôi nghĩ không ai nên phóng đại sức mạnh và vai trò của Trung Quốc ở Trung Đông”. “Tương tự như Hoa Kỳ, Trung Quốc thiếu một chiến lược an ninh toàn diện để giải quyết những thách thức an ninh chính trong khu vực, chẳng hạn như chấm dứt xung đột ở Gaza. Chúng ta đã không nhìn thấy từ Trung Quốc những gì chúng ta mong đợi. Cho đến nay, Trung Quốc chưa thực hiện bất kỳ hành động nào có thể chấm dứt chiến tranh một cách thực sự nghiêm túc ở Gaza”.

Ông Ahmed Aboudouh, một cộng sự của chương trình Trung Đông tại Trung tâm nghiên cứu Chatham HouseLondon (Anh), cho biết trong một phúc trình rằng Trung Quốc gây áp lực với Iran về các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ “nhưng chỉ để bảo vệ tàu của chính họ”. Ông nói thêm rằng “Bắc Kinh sẽ không sử dụng ảnh hưởng hạn chế của mình để hỗ trợ chương trình nghị sự của Hoa Kỳ” trong việc tìm cách bảo vệ vận tải thương mại toàn cầu trong khu vực.

“Những nỗ lực của Trung Quốc chỉ tập trung vào việc giành được những đảm bảo để bảo vệ lợi ích trực tiếp của Trung Quốc. Không có bằng chứng nào cho thấy Bắc Kinh quan tâm đến việc đặt uy tín của mình lên hàng đầu để thúc đẩy giảm leo thang hoàn toàn ở Biển Đỏ”, ông Aboudouh viết.

Ông chỉ ra rằng các mối đe dọa của Trung Quốc đã dẫn đến việc lực lượng Houthi cấp quyền miễn trừ cho các tàu Trung Quốc và Nga. Ông Aboudouh nói, Trung Quốc đã áp dụng “cách tiếp cận ‘chờ xem’, rủi ro thấp vì nước này không có đủ khả năng lựa chọn khác”. “Họ không muốn bị buộc phải thực hiện một sự thay đổi chính sách mạnh mẽ và lao vào cuộc tấn công chỉ vì một tàu Trung Quốc bị đánh chìm hoặc hư hỏng nghiêm trọng”.

Giáo sư Degang Sun chỉ đạo nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Phục Đán của Trung Quốc ở Thượng Hải. Ông nói với một hội thảo trực tuyến của Chatham House rằng Trung Quốc coi sự nổi lên của các chủ thể phi nhà nước [như Houthis] là mối đe dọa trực tiếp đối với lợi ích của họ ở Trung Đông vì đây là đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của họ.

“Vì vậy, Trung Quốc nói rằng Mỹ không thể rời khỏi Trung Đông. Trung Đông cần Mỹ vì nước này có thể là lực lượng ổn định cho Trung Quốc và phần còn lại của thế giới”, ông nói.

Ông nói thêm rằng Bắc Kinh “muốn gửi tín hiệu tới Mỹ rằng Trung Quốc không phải là đối thủ của Mỹ mà là đối tác của Mỹ trong quản lý Trung Đông” và rằng sự gia tăng của các chủ thể phi nhà nước ở khu vực Trung Đông “là kết quả của sự thiếu hụt quản trị”.

Ông Sun tin rằng Mỹ và Trung Quốc có thể lấp đầy sự khiếm khuyết này thông qua hợp tác trong các vấn đề an ninh Trung Đông.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG