Đường dẫn truy cập

Hơn 30 người bị giết và bị đốt thi thể ở Myanmar


Dân quân Myanmar huấn luyện ở một trại trong rừng để đương đầu với quân đội cai trị Myanmar
Dân quân Myanmar huấn luyện ở một trại trong rừng để đương đầu với quân đội cai trị Myanmar

Hơn 30 người, trong đó có phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng và thi thể bị đốt ở bang Kayah đang bị xung đột tơi tả ở Myanmar hôm 24/12, theo một người dân địa phương, tin tức trên truyền thông và một tổ chức nhân quyền địa phương.

Tổ chức Nhân quyền Karenni cho biết họ đã tìm thấy thi thể bị đốt cháy của những người chạy loạn trong nước, bao gồm cả người già, phụ nữ và trẻ em bị quân đội đang cai trị Myanmar giết chết, gần làng Mo So ở thị trấn Hpruso hôm 25/12.

“Chúng tôi lên án mạnh mẽ vụ sát hại vô nhân đạo và tàn bạo vốn vi phạm nhân quyền,” tổ chức này tuyên bố trên Facebook.

Quân đội Myanmar cho biết họ đã bắn chết một số ‘kẻ khủng bố có vũ khí chưa rõ danh tính’ thuộc lực lượng vũ trang đối lập trong làng, truyền thông nhà nước cho biết. Những người này ở trong bảy chiếc xe và không dừng khi bị quân đội chặn lại.

Những bức ảnh được nhóm nhân quyền này và truyền thông địa phương chia sẻ cho thấy các thi thể bị cháy đen trên các thùng xe tải cháy trơ trọi.

Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Karenni, một trong những nhóm dân quân lớn nhất trong nhiều nhóm chống đối các tướng lĩnh cầm đầu cuộc đảo chính ngày 1/2, cho biết những người thiệt mạng không phải là người của họ mà là thường dân đang tìm nơi lẩn trốn tránh xung đột.

“Chúng tôi bàng hoàng thấy tất cả các thi thể đều có kích cỡ khác nhau, trong đó có trẻ em, phụ nữ và người già,” một tư lệnh của lực lượng này nói với Reuters.

Một dân làng giấu tên vì lý do an ninh nói ông đã biết về vụ hỏa hoạn vào tối ngày 24/12 nhưng không thể đến hiện trường vì có bắn nhau.

“Sáng nay tôi đi xem. Tôi nhìn thấy những xác chết bị đốt cháy, và quần áo của trẻ em và phụ nữ vương vãi khắp nơi,” ông nói với Reuters qua điện thoại.

Myanmar đã rơi vào loạn lạc kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử của người đoạt giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi gần 11 tháng trước, do cho rằng có gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11 mà khi đó đảng của bà giành chiến thắng. Các nhà quan sát quốc tế cho rằng cuộc bầu cử là công bằng.

Những người thường dân phẫn nộ với đảo chính và các cuộc trấn áp biểu tình sau đó đã cầm lấy vũ khí. Nhiều lực lượng kháng chiến địa phương đã nổi lên khắp cả nước.

Quân đội đã đưa ra ngoài vòng pháp luật nhiều đối thủ, chụp mũ họ là quân phản bội hay kẻ khủng bố, bao gồm cả chính phủ đoàn kết dân tộc tự xưng đang tìm cách vận động cộng đồng quốc tế và ngăn chặn phe quân phiệt củng cố quyền lực.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG