Đường dẫn truy cập

Hy Lạp trong cơn sóng gió


Cảnh sát chống bạo động bắt giữ 1 người biểu tình ở Athens, 29/6/2011
Cảnh sát chống bạo động bắt giữ 1 người biểu tình ở Athens, 29/6/2011

Nhân dân Hy Lạp tiếp tục biểu tình sau khi Quốc hội biểu quyết áp dụng chính sách khắc khổ để được quốc tế cứu nguy khỏi chuyện vỡ nợ. Nhiều người đặt câu hỏi Hy Lạp nói riêng và EU nói chung phải làm gì để giải quyết cơn sóng gió hiện nay.

Khái niệm dân chủ xuất phát từ Hy Lạp và nhiều người vẫn xem Hy Lạp là cái nôi của văn minh phương Tây.

Nhưng năm nay, Quốc hội, nền tảng dân chủ của Hy Lạp, phải được lực lượng an ninh bảo vệ trước hàng vạn người dân biểu tình vì cho rằng tiếng nói của họ đã bị bỏ quên.

Căn nguyên của cuộc khủng hoảng là tiền bạc.

Sau nhiều năm vay mượn, Hy Lạp bây giờ mắc nợ. Đứng trước thâm hụt khổng lồ và áp lực của cộng đồng quốc tế, chính phủ Hy Lạp phải tăng thuế và bớt công chi.

Đó là một tin xấu cho người dân. Mức lời của doanh nghiệp thấp và số người nghèo cao. Nhiều người dân cho rằng chính sách khắc khổ phá hoại cuộc sống.

Nhà báo Babis Papadimitriou của tờ Kathimerini phát biểu:

“Nhiều người Hy Lạp cho rằng nên để cho đất nước bị vỡ nợ và ra khỏi khu vực sử dụng euro để khỏi phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng.”

Nhiều người chỉ trích chính phủ không coi trong quyền lợi và hạnh phúc của người dân khi áp dụng chính sách này. Họ cho rằng chính phủ đã quyết định nhằm phục vụ lợi ích của các nước giàu có trên thế giới, rút cục người dân Hy lạp phải lãnh đủ."

Một người biểu tình nói với VOA:

“Đây là một trò chơi của các thế lực tài chính quốc tế. Họ muốn chúng tôi phải khuất phục, không được chống cự gì cả. Vì thế chúng tôi phải tranh đấu.”

Một người biểu tình khác nói:

“Chính sách khắc khổ là bước đầu đúng đắn để đi tìm mẫu số chung với EU. Thời buổi này không một quốc gia nào có quyền sống cô lập, nhất là một quốc gia cỡ như Hy Lạp.”

Nhà phân tích Vanessa Rossi cho biết:

“Chủ yếu đây là một vấn đề nội bộ, chúng ta thấy thiếu giao tiếp giữa người dân và những người làm chính trị, vì thiếu giao tiếp nên không có các giải pháp để Hy Lạp tiến về phía trước. Các nhà làm chính trị cần phải dung hòa giữa nhu cầu của nhân dân và đòi hỏi của quốc tế.”

Trước tình hình các cuộc xô xát trên đường phố thủ đô vẫn còn, nếu không có thỏa hiệp, rất khó để chính phủ tiếp tục nắm quyền.

Và nếu chính phủ đổ, Hy Lạp có thể bị buộc phải giã từ khu vực sử dụng euro, dù có muốn hay không.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG