Đường dẫn truy cập

Dân Pháp nêu nghi vấn về những chuyến nghỉ hè của các chính khách


Các chính khách đối lập đòi cả Ngoại trưởng Alliot- Marie (phải) lẫn Thủ tướng Fillon (trái) đều phải từ chức
Các chính khách đối lập đòi cả Ngoại trưởng Alliot- Marie (phải) lẫn Thủ tướng Fillon (trái) đều phải từ chức

Những chuyến nghỉ hè ở Tunisia và Ai Cập của các chính khách hàng đầu của Pháp và những mối liên hệ cá nhân của họ với những gia tộc cầm quyền đã trở thành một khối thuốc nổ chính trị ở Pháp, một năm trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống. Từ Paris, thông tín viên Lisa Bryant của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Tối nay, khi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy xuất hiện trên truyền hình trong một cuộc gặp gỡ chuyện trò với dân chúng, có phần chắc là ông sẽ được hỏi về vấn đề mới nhất đang gây bối rối cho chính phủ trung tả của ông: đó là vấn đề các chuyến đi nghỉ hè.

Các chính khách đối lập đã đòi Ngoại trưởng Michele Alliot-Marie từ chức sau khi có tin cho biết bà đã nhận những chuyến du hành bằng máy bay từ một thương gia có liên hệ mật thiết với gia đình của ông Zine El Abidine Ben Ali, cựu tổng thống độc tài vừa bị lật đổ ở Tunisia. Bà Alliot-Marie nói rằng bà đã không làm điều gì sai trái trong chuyến nghỉ hè mà bà thực hiện ở Tunisia giữa lúc quốc gia Phi châu này xảy ra những cuộc biểu tình chống chính phủ rốt cuộc đã buộc Tổng thống Ben Ali bỏ nước ra đi.

Giờ đây, Thủ tướng Fracois Fillon dường như đã tìm cách ngăn chận một vụ tai tiếng mới qua việc đưa ra một thông cáo để thừa nhận là ông đã được Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak cho đi máy bay và ăn ở miễn phí khi ông đi nghỉ lễ Giáng Sinh ở Ai Cập.

Tổng thống Nicolas Sarkozy mới đây đã yêu cầu các vị bộ trưởng trong nội các nghỉ hè ở Pháp. Nhưng điều đó không làm im tiếng những người chỉ trích, như dân biểu Noel Mamere của Đảng Xanh.

Ông Mamare nói trên Đài phát thanh Pháp rằng cả Ngoại trưởng Alliot- Marie lẫn Thủ tướng Fillon đều phải từ chức.

Cựu ứng cử viên Tổng thống Francois Bayrou, thuộc đảng UDF có lập trường trung tả, nói rằng các chính khách nhận quà cáp, biếu xén từ các chính phủ nước ngoài có thể sẽ phải tìm cách đền đáp. Ông cho biết thêm như sau.

Ông Bayrou nói rằng trong cả hai vụ tai tiếng này, các chính khách Pháp đã nhận quà từ những nước rất nghèo, và điều đó tự nó cũng là một vấn đề đáng quan tâm.

Trong các cuộc thăm dò mới nhất, tỉ lệ dân chúng ủng hộ Tổng thống Sarkozy chỉ nằm ở mức 38% và những vụ tai tiếng mới đây có thể sẽ làm cho tỉ lệ này sút giảm thêm nữa, trong lúc chỉ còn khoảng 1 năm là tới ngày bầu cử tổng thống. Trong một dấu hiệu khác cho thấy sự bất mãn của người dân, các vị thẩm phán, luật sư và cảnh sát hôm nay thực hiện những vụ biểu tình trên cả nước trong lúc các giáo chức đình công.

Trong khi đó, Tòa Đô chánh Paris, dưới sự lãnh đạo của Đô trưởng Bertrand Delanoe của Đảng Xã hội, cũng đang thu hút sự chú ý của giới truyền thông vì vấn đề Tunisia: Họ định đặt tên một con đường theo tên ông Mohammad Bouaziz, người thanh niên đã tự thiêu và làm bùng ra cuộc nổi dậy được gọi là cuộc Cách mạng hoa Lài.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG