Đường dẫn truy cập

Cô Aline Rebeaud tường trình sinh hoạt của Nhà May Mắn ở thủ đô Washington


Nhà May Mắn ở Việt Nam
Nhà May Mắn ở Việt Nam

Nhà May Mắn do cô Aline Rebeaud, một họa sĩ trẻ người Thụy Sĩ, thành lập vào năm 1993 để giúp đỡ các trẻ mồ côi và những người tàn tật tại Việt Nam. Tháng 6 năm 1996, Hội Nhà May Mắn trở thành một tổ chức phi chính phủ được chính quyền Việt Nam công nhận và được phép chính thức hoạt động. Ngày 8 tháng 10 vừa qua, cô Aline Rebeaud hay thường được gọi là Tim Aline Rebeaud đến vùng Washington để cám ơn sự đóng góp của các nhà hảo tâm trong vùng và phúc trình về hoạt động của Nhà May Mắn trong thời gian vừa qua. Hà Vũ đã đến dự cuộc họp tại Trung tâm Chính quyền quận Fairfax và ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau.

Tại phòng họp, cô Tim Aline Rebeaud và một số nhân viên ban chấp hành Hội Nhà May Mắn tại Mỹ cùng một số người tình nguyện hướng dẫn khách tham dự xem các bức tranh và các mẫu hình thú nhồi bông, các túi xách do các người khuyết tật và các trẻ em mồ côi thuộc Nhà May Mắn tại thành phố Hồ Chí Minh làm ra. Những sản phẩm này được bày bán để giúp cho Làng May Mắn đang được xây dựng. Bằng tiếng Việt rất trôi chảy, Cô Tim cho biết:

“Đây là lần thứ hai Tim đến Washington D.C. Lần đầu tiên 2 năm trước Tim đến Bắc Mỹ trình bày một dự án mới của tổ chức chúng tôi. Đồng bào Việt Nam giúp rất nhiều để hỗ trợ cho kế hoạch đó. Lần này Tim đến đây không phải để gây quỹ nhưng để thông báo kết quả đi đến đâu và cũng cám ơn mọi người đã tham gia việc này.”

Bán hàng do các em và các người khuyết tật Nhà may mắn Việt Nam làm ra
Bán hàng do các em và các người khuyết tật Nhà may mắn Việt Nam làm ra

Ý tưởng thành lập nhà may mắn đến vơí cô Tim trong một chuyến đi đến Việt Nam vào năm 1992. Trong chuyến đi này cô đã gặp một em bé mồ côi đứng khóc một mình ở một góc phố trong đêm tối tại thành phố Hồ Chí Minh. Cô nhanh chóng cảm nhận được tình trạng tuyệt vọng các trẻ mồ côi phải chịu đựng khi phải sinh sống trên đường phố. Sau đó khi đi thăm một trại tâm thần, cô gặp em Thanh 12 tuổi bị xiềng vào sàn nhà. Em trong tình trạng sức khỏe thật tồi tệ và mọi người tin rằng em không sống được bao lâu. Cô Tim không tin như vậy, cô đưa em vào bệnh viện để được chữa trị về gan, phổi và tim. Theo lời cô, bệnh viện tại Việt Nam chỉ làm những việc căn bản, việc chăm sóc bệnh nhân, thức ăn của bệnh nhân người nhà phải đảm nhận. Cô Tim làm tất cả công việc này trong thời gian 3 tháng em Thanh nằm bệnh viện. Để có tiền chữa trị cho em Thanh cô Tim bán những bức tranh của cô. Khi cô và em Thanh ra khỏi bệnh viện, các bệnh nhân khác gọi cô Aline Rebeaud là cô Tim, chữ đầu của bệnh viện Tim Mạch nơi em Thanh được chữa trị.

Khi đến thăm một số bệnh viện khác trong thành phố, cô Tim gặp rất nhiều bệnh nhân bị tê liệt vì tai nạn, sống trong những tình cảnh tuyệt vọng, nhiều người bị gia đình bạn bè bỏ rơi. Cô nẩy ra ý nghĩ giúp đở những trẻ mồ côi lẫn những người tàn tật. Nhà May Mắn được thành lập từ đó.

Cô Tim chụp hình lưu niệm với khách mua hàng
Cô Tim chụp hình lưu niệm với khách mua hàng

“Công việc của mình cũng khiêm tốn, lúc đầu tiên có một tổ ấm nhỏ để đón nhận khoảng 50 con người-trẻ em mồ côi trên đường phố và số anh em khuyết tật bị tai nạn lao động. Những người này sau khi bị bệnh sống như vậy, bà con cũng rất nghèo không có khả năng giúp đỡ cho nên bắt buộc phải có một quyết định rất khó khăn là bỏ rơi người thân của mình. Nhà May Mắn trở thành gia đình thứ nhì của họ. Đầu tiên chỉ là một tổ ấm nho nhỏ, chỉ có 700 mét vuông thôi.”

Dần dần, với sự giúp đỡ của Hội Nhà May Mắn tại Lyon- Pháp, Hội Nhà May Mắn Lausane -Thụy Sĩ, được thành lập vào năm 1996, và Hội Nhà May Mắn Bỉ thành lập năm 2006, Trung Tâm Chấp Cánh được xây dựng nhằm giúp cho những người kém may mắn này có cơ hội sinh sống bằng chính những nỗ lực của mình.

Cô Tim cho biết thêm: “Trung tâm thứ hai mang tên Trung Tâm Chấp Cánh là nơi dạy chữ cấp 1 cho trẻ em mồ côi của tổ ấm của mình nhưng cũng đón nhận những trẻ em cộng đồng tức là những trẻ em nghèo địa phương và cũng có mở 4 phòng dạy nghề cho mấy người khuyết tật ngồi xe lăn. Hàng ngày trung tâm này lo cho khoảng 300 con người học chữ và học nghề.”

Kết quả là một số anh chị em khuyết tật đã kiếm được công ăn việc làm tự nuôi sống mình và gia đình. Tuy nhiên những sinh hoạt hàng ngày của những người này vẫn tùy thuộc vào Nhà May Mắn và Trung Tâm Chấp Cánh.

Cô Tim và anh Hiệp, Hội đồng quản trị hội Nhà may mắn
Cô Tim và anh Hiệp, Hội đồng quản trị hội Nhà may mắn

Cô Tim giải thích: “Có một vấn đề làm cho cho họ phải lệ thuộc chúng tôi là phòng trọ ở ngoài không thiết kế cho những người khuyết tật như vậy cho nên khi phải tắm rửa giặt giũ thì bắt buộc họ phải quay về chỗ của mình vì mình thiết kế phòng tắm phù hợp cho họ.”

Để giải quyết những khó khăn này và mở rộng hoạt động của Hội Nhà May Mắn, Làng May Mắn được thành lập và đã khởi công xây dựng vào cuối năm 2009, dự trù sẽ hoàn tất đầu năm 2011. Theo thiết kế Làng May Mắn có khả năng thu nhận 130 người khuyết tật cư ngụ và 180 học sinh theo học một trường học trong Làng. Làng cũng có một bệnh xá, một hồ nước để phục hồi chức năng của người khuyết tật và một quán ăn. Cô Tim giải thích về quán ăn này:

“Về lâu về dài mình nên có một số cách nào đó để có thu nhập từ địa phương và không phải xin tài trợ từ bên nước ngoài nên cũng có ý định mở ra một quán ăn và hiện giờ đã có một số em mồ côi đang theo học dịch vụ nhà hàng và khách sạn để sau này phục vụ quán ăn này.”

Anh Hiệp Cao, Chủ tịch Tổng giám đốc công ty viễn thông 3-DO có trụ sở tại McLean, Virginia và Montreal, Canada, hiện là một thành viên trong Hội đồng Quản trị Hội Nhà May Mắn tại Mỹ cho biết cách thức kiểm soát hoạt động của Hội nhất là về phương diện tài chánh.

“Hội cũng có một liên hội mục đích để làm sáng tỏ các vấn đề tiền nong, vấn đề cơ cấu, tất cả những vấn đề hoạt động chung với nhau để có một đường lối. Liên hội Nhà May Mắn được thành lập vào tháng Tư năm 2009. Năm 2010 sẽ thông báo về tất cả tiền nong của tất cả các hội trên quốc tế để đồng bào có thể biết rõ tiền từ đâu tới và tiền gởi đi đâu.”

Em Lê Thị Bích Trâm, 1 cô nhi của Nhà may mắn hiện theo học tại đại học ở Houston
Em Lê Thị Bích Trâm, 1 cô nhi của Nhà may mắn hiện theo học tại đại học ở Houston

Trong dịp này ban tổ chức đã giới thiệu em Lê Thị Bích Trâm, một em mồ côi đã được Nhà May Mắn nuôi dạy và hiện được gởi theo học trường đại học Cộng đồng tại Houston Texas năm thứ nhất. Em cho biết sẽ theo học về Quản trị Doanh Nghiệp và Nhân Lực và sẽ trở về Việt Nam sau khi tốt nghiệp để giúp các em còn lại tại Làng May Mắn sau này. Em cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với cô Tim và tất cả mọi người đã giúp em trong thời gian qua.

“Con cám ơn Mẹ, nhờ Mẹ con mới trưởng thành ngày hôm nay. Không có mẹ con không biết phải làm gì. Bên cạnh đó con cũng cám ơn các cô chú, các bác đã giúp đỡ tận tình.”

Kết thúc chương trình, cô Tim cho trình chiếu và giải thích một bộ phim về các em mồ côi và những người khuyết tật sống trong Nhà May Mắn cùng với tiến trình xây dựng Làng May Mắn dự trù sẽ được khánh thành đầu năm 2011.

Chuyên mục Sinh hoạt Cộng đồng vùng Washington xin được kết thúc nơi đây. Chúng tôi ước mong được đón nhận những tin tức về sinh hoạt cộng đồng từ những hội đoàn, những tổ chức kinh tế, xã hội, văn hóa và từ thiện cũng như những cá nhân thuộc Washington D.C và vùng phụ cận. Xin gởi e-mail về địa chỉ vietnamese@voanews.com với tiêu đề gởi Chuyên mục Sinh hoạt Cộng đồng vùng Washington. Hà Vũ sẽ liên hệ với quý vị. Xin chân thành cám ơn quý vị và hẹn gặp lại trong chương trình tuần sau.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG