Đường dẫn truy cập

Thanh niên Mỹ gốc Việt với dự án VIET2010 giúp đỡ nạn nhân da cam


Các em khuyết tật về chất da cam dioxin
Các em khuyết tật về chất da cam dioxin

Chất da cam và nạn nhân da cam tại Việt Nam là đề tài không xa lạ với chúng ta, đặc biệt được nhắc tới rất nhiều trong năm nay, nhân kỷ niệm 15 năm bình thường hóa bang giao Việt-Mỹ. Tạp chí Thanh Niên hôm nay sẽ đề cập tới đề tài quen thuộc ấy, nhưng với một câu chuyện thú vị để chia sẻ với các bạn trẻ khắp nơi. Đó là hành trình vượt ngàn dặm xa của các bạn thanh niên người Mỹ gốc Việt từ Hoa Kỳ tình nguyện về Việt Nam cộng tác, trao đổi kinh nghiệm với các trung tâm hỗ trợ nạn nhân dioxin cũng như đi thăm hỏi trực tiếp các gia đình nạn nhân da cam tại nhiều địa phương. Chương trình mà các bạn đang tham gia có tên gọi dự án VIET2010 được khởi xướng bởi hội AIPIP, một tổ chức của người Á Châu Thái Bình Dương tại Mỹ, chuyên các công tác thiện nguyện xã hội từ hơn 20 năm nay, đặt trụ sở ở San Francisco, bang California, Hoa Kỳ.

Chị Nguyễn Thanh Xuân, giám đốc chương trình VIET2010 tại Việt Nam, nói về dự án VIET2010 của AIPIP:

“Đây là lần đầu tiên AIPIP ra nước ngoài và Việt Nam là nước đầu tiên AIPIP làm việc. Dự án VIET2010 là chương trình thông tin và giáo dục được Quỹ Ford tài trợ. Mục đích của dự án nhằm tạo nhịp cầu giữa các cộng đồng ở Mỹ và Việt Nam trong vấn đề chất da cam. Dự án đưa một số người trẻ Mỹ gốc Việt, tất cả là tình nguyện viên, về Việt Nam làm việc với một số cơ quan ở Việt Nam từ 1-4 tháng, nâng cao năng lực của các cơ quan đó, giúp cải thiện các dịch vụ mà các cơ quan đó cung cấp cho người khuyết tật, giúp các gia đình có người khuyết tật, trong đó có người khuyết tật về chất da cam dioxin. Đây là năm đầu tiên của dự án, chương trình đi Việt Nam bắt đầu từ đầu tháng 6. Dự án hy vọng nâng cao nhận thức của mọi người về tác động của chất da cam và thúc đẩy những giải pháp cho vấn đề này.”

Để tìm hiểu thêm về hoạt động của các bạn trẻ từ Mỹ về Việt Nam tham gia dự án VIET2010, Trà Mi đã mời 4 tình nguyện viên hiện đang có mặt tại Việt Nam tham gia chương trình hôm nay. Đó là Phạm Vân Hà ở bang California, vừa tốt nghiệp đại học và đang công tác trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, bạn Thái Thị Thảo Vân từ bang North Carolina, tốt nghiệp ngành xã hội học năm ngoái, hiện đang làm cho một cơ quan quản lý các bệnh viện, bạn Nguyễn Ánh Tâm, thạc sĩ ngành công tác xã hội, làm việc trong một tổ chức NGO cũng liên quan đến sức khỏe cộng đồng, và bạn Trần Phương Quỳnh, từ bang Connecticut, mới tốt nghiệp đại học ngành bang giao quốc tế.

Mở đầu câu chuyện, bạn Vân Hà giới thiệu về công tác của mình trong chuyến đi tình nguyện này:

Thanh niên Mỹ gốc Việt với dự án VIET2010 giúp đỡ nạn nhân da cam
Thanh niên Mỹ gốc Việt với dự án VIET2010 giúp đỡ nạn nhân da cam

Vân Hà: Hiện giờ em đang ở trung tâm SDRC tại Biên Hòa. Dự án của em ở Biên Hòa là giúp đỡ những người khuyết tật trong độ tuổi lao động từ 18-45, giúp họ tìm việc làm. Tụi em đi khảo sát, phỏng vấn những gia đình bị ảnh hưởng, những người cần trợ giúp việc làm. Bước đầu tiên, tụi em gửi các bản khảo sát cho các phường xã, để họ điền thông tin giúp mình hiểu biết về số dân bị khuyết tật. Bước kế tiếp là đến từng gia đình đó để phỏng vấn, tư vấn, tìm việc làm phù hợp để giới thiệu cho họ. Nếu sự khuyết tật của họ dính líu tới chất da cam thì em sẽ thống kê. Sau khi về Mỹ, tụi em sẽ ngồi lại với nhau chuẩn bị cho các buổi trình bày trên khắp nước Mỹ. Tụi em chia nhau đi trình bày tại nhiều nơi khác nhau cho tới tháng 12.

Trà Mi: Quỳnh đang ở trung tâm nào, địa điểm nào?

Phương Quỳnh: Em cùng với Thảo Vân làm việc ở chương trình khuyết tật và phát triển Sài Gòn, cũng tới thăm các gia đình. Tụi em ở đây làm nhiều việc khác nhau, tùy theo nhu cầu của văn phòng, ví dụ dịch báo cáo từ tiếng Việt ra tiếng Anh hay giúp trong việc tập huấn, xin việc làm.

Ánh Tâm: Tâm đang ở Đà Nẵng, làm với Cơ quan Trẻ em Việt Nam COV, phụ giúp chương trình công tác xã hội của cơ quan này.

Trà Mi: Cơ duyên nào khiến các bạn biết và quan tâm tới dự án VIET2010?

Vân Hà: Dự án này do một người bạn giới thiệu cho em, em thấy thích thú.

Trà Mi: Vì sao bạn thích thú với dự án này và quan tâm đến những nạn nhân chất da cam tại Việt Nam?

Vân Hà: Từ lâu em muốn về Việt Nam, mà không phải về để chơi thôi mà để làm việc, nếu được thì mình giúp người khác. Em thấy dự án này là một cơ hội tốt.

Trà Mi: Về Việt Nam trong một chuyến đi hữu ích cho mọi người cũng có nhiều lĩnh vực mình có thể đóng góp. Một số bạn trẻ khi nhắc tới lĩnh vực da cam họ rất sợ hãi vì họ đã nhìn thấy những hình ảnh của các nạn nhân da cam, những hình ảnh đó không mấy đẹp mắt. Cũng có nhiều bạn trẻ không dám tiếp xúc với những nạn nhân đó. Là thế hệ sinh sau chiến tranh, ở Mỹ, vì sao các bạn lại quan tâm đến nạn nhân chất da cam tại Việt Nam?

Ánh Tâm: Em sinh ra ở Mỹ. Về lĩnh vực da cam, em thấy rằng đã 3 thế hệ rồi, người Việt Nam bị nhiễm độc nặng lắm. Cho nên em quan tâm.

Phương Quỳnh: Mặc dù mình lớn lên ở Mỹ, nhưng nguồn gốc mình vẫn là gốc Việt. Gia đình mình có cơ hội qua Mỹ để xây dựng cuộc đời mới. Mình được may mắn vậy, nếu có cơ hội sao mình không về quê hương giúp đỡ người khác?

Trà Mi: Trước khi đến Việt Nam, các bạn hiểu biết thế nào về chất da cam?

Thảo Vân: Trước khi em về Việt Nam, trước khi xin gia nhập chương trình VIET2010, em cũng không biết nhiều về chất da cam. Em có lên mạng xem các báo cáo và xem hình về nạn nhân da cam mới biết. Sau khi em hiểu biết hơn, em thấy chương trình VIET2010 có ý nghĩa, nên em muốn đóng góp vì em nghĩ cũng còn nhiều người khác cần biết đến việc này.

Trà Mi: Tận mắt chứng kiến những nạn nhân da cam khi tham gia dự án này tới Việt Nam, suy nghĩ của bạn về vấn đề da cam và nạn nhân da cam tại Việt Nam có gì thay đổi không?

Thảo Vân: Ở Việt Nam cũng khó biết được ai là nạn nhân chất da cam. Tụi em làm việc với các anh chị em bị khuyết tật, chứ em cũng không xác định được người nào thật sự bị chất độc da cam.

Thanh niên Mỹ gốc Việt với dự án VIET2010 giúp đỡ nạn nhân da cam
Thanh niên Mỹ gốc Việt với dự án VIET2010 giúp đỡ nạn nhân da cam

Vân Hà: Em có dịp đi thăm các gia đình có con bị chất da cam ảnh hưởng. Mỗi gia đình đều có hoàn cảnh khác nhau. Sau khi thăm họ, sự hiểu biết của em về vấn đề này cũng thay đổi một chút. Có người bị nhiễm độc rất nặng, không thể đi đứng, nói năng được, hoàn toàn phải nhờ người thân hỗ trợ. Cũng có những người cũng bị nhưng đầu óc của họ nhiều khi còn sáng hơn người bình thường nữa, mà họ rất thích kinh doanh. Họ chỉ cần cơ hội thôi. Chính mắt em tiếp xúc với họ, em nhìn thấy như vậy.

Trà Mi: Trải qua vài tuần ở Việt Nam, tiếp xúc với các nạn nhân da cam tại đây đã để lại cho các bạn những ấn tượng như thế nào? Khi trở về Mỹ, nếu có người hỏi bạn điều gì làm bạn cảm thấy nhớ nhất trong chuyến đi này, bạn sẽ nói gì?

Ánh Tâm: Trẻ em bị khuyết tật, gia đình khó khăn lắm, nhưng khi gặp thấy các em vui vẻ lắm.

Trà Mi: Về nước thấy những người tàn tật, thế nhưng khi các bạn ở Mỹ có bao giờ chứng kiến những cảnh tương tự vậy không? Các bạn có sự so sánh nào không? Những điều so sánh đó có đọng lại trong bạn suy nghĩ gì về đất nước và con người Việt Nam không?

Vân Hà: Những người, mình tạm gọi là nạn nhân da cam, ở đâu cũng có. Em nhận ra điều khác biệt là ở những người trợ giúp những người đó. Ở Việt Nam, em thấy có nhiều người có lòng hảo tâm, muốn giúp những người khuyết tật, nhưng họ không có nguồn lực và cũng không nối kết được với nhau. Hiện giờ em đang ở Biên Hòa, em có dịp gặp rất nhiều người trợ giúp cho người khuyết tật nhưng cái khó là để cho họ nối kết lại với nhau.

Trà Mi: Theo bạn, việc phải nối kết lại mang lại lợi ích như thế nào?

Vân Hà: Nếu nối kết được có thể chia sẻ kinh nghiệm với nhau, giúp nhóm hoạt động mạnh hơn. Nhưng ở Việt Nam này, mỗi người đều hoạt động riêng biệt, làm việc riêng của mình.

Trà Mi: Sau chuyến công tác thiện nguyện này, các bạn có dự định trở lại Việt Nam trong những chuyến đi tương tự không, hay sẽ có những hoạt động gì liên quan đến lĩnh vực này trong tương lai?

Phương Quỳnh:
Ngành học của em là về bang giao quốc tế. Cho nên, từ hồi nào tới giờ, em vẫn luôn quan tâm đến các vấn đề ảnh hưởng thế giới và các phương cách giải quyết, hay ít nhất là tìm cách nào làm vấn đề đỡ hơn. Nếu sau này có cơ hội, em cũng mong được trở lại Việt Nam làm những công việc này.

Trà Mi: Trước những người bạn trạc tuổi người Việt hay người nước ngoài, nhất là các bạn ở Mỹ, các bạn sẽ nói gì về chất da cam và nạn nhân da cam tại Việt Nam?

Vân Hà: Em sẽ nói rằng những người bị chất da cam ảnh hưởng hay những người khuyết tật ở Việt Nam có nhiều khả năng và rất quật cường, mạnh mẽ. Họ chỉ cần cơ hội. Họ cần sự giúp đỡ không phải về tiền bạc mà về cơ hội để họ tự vươn lên.

Trà Mi: Giả sử có một người bạn ở Việt Nam hỏi các bạn rằng trong cuộc chiến, Mỹ đã dùng chất da cam rải lên đất nước Việt Nam gây ra những tổn hại mà sau 35 năm vẫn còn, các bạn sẽ làm gì để giúp đỡ quê hương của mình? Câu trả lời của các bạn như thế nào?

Thanh niên Mỹ gốc Việt với dự án VIET2010 giúp đỡ nạn nhân da cam
Thanh niên Mỹ gốc Việt với dự án VIET2010 giúp đỡ nạn nhân da cam

Thảo Vân: Mục tiêu của em đến với dự án này là hiểu biết về cuộc sống của những người bị ảnh hưởng bởi chất da cam để về Mỹ chia sẻ những câu chuyện đó. Nếu được, mình góp phần nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng người Việt tại Mỹ để họ biết cuộc sống của nạn nhân da cam ra sao.

Ánh Tâm: 35 năm sau chiến tranh, nước Việt Nam vẫn còn sống với chất da cam, thì bên Mỹ, Việt kiều hoặc là người sinh sống tại Mỹ nên hỗ trợ những nạn nhân này tại Việt Nam.

Trà Mi: Các bạn có nghe tới các tranh cãi liên quan tới vấn đề da cam không? Việt Nam nói đây là những nạn nhân da cam, nhưng phía Mỹ đòi có bằng chứng thuyết phục họ mới đền bù. Các bạn có suy nghĩ như thế nào về sự tranh cãi này?

Phương Quỳnh: Việc đó em cũng biết tới, nhưng điều quan trọng với em không phải là mình tìm ai để đổ trách nhiệm cho người đó. Quan trọng là làm sao để có thể giúp những người cần sự giúp đỡ của mình một cách thực tế.

Thảo Vân: Em cộng tác cho chương trình khuyết tật và phát triển DRD. Em thấy một điều hay của chương trình này là nỗ lực làm việc, tạo điều kiện cho tất cả người khuyết tật chứ không riêng cho người bị ảnh hưởng chất da cam thôi. Vì thật ra, tại Việt Nam mình cũng không biết rõ ai bị ảnh hưởng vì chất da cam.

Vân Hà: Em cũng vậy, em không quan tâm ai đúng ai sai, đã 35 năm trôi qua rồi. Em chỉ quan tâm là mình sẽ làm sao để giúp đỡ họ thực tế hơn.

Trà Mi: Là những người Việt trẻ may mắn sinh sau chiến tranh, lại sinh trưởng ở Hoa Kỳ, không bị ảnh hưởng về chiến tranh gì cả. Các bạn sẽ nói gì với quốc tế về vấn đề da cam tại Việt Nam?

Ánh Tâm:
Em nói rằng chuyện chất da cam không phải là lần đầu tiên, cũng không phải là lần sau cùng xảy ra chất độc trong thời chiếntranh, và mình cần phải hiểu biết thêm về vấn đề da cam tại Việt Nam.

Trà Mi:
Các bạn có đề nghị thế nào hay có nguyện vọng gì đối với chính phủ hai nước Việt-Mỹ liên quan vấn đề da cam?

Thảo Vân: Em có nguyện vọng hai chính phủ có thể hợp tác với nhau để giúp đỡ người khuyết tật và những người bị ảnh hưởng chất da cam.

Phương Quỳnh: Em muốn những người bị ảnh hưởng da cam tại Việt Nam được trợ giúp thêm về mặt kinh tế. Trò chuyện với nhiều người em biết là những gia đình nạn nhân da cam mà có lập công với nhà nước thì mỗi tháng mới được trợ giúp 120 ngàn đồng. Số tiền đó rất ít, họ không dùng được gì hết.

Quý thính giả muốn biết thêm về dự án VIET2010 và xem những hình ảnh mà các bạn trẻ trong dự án này ghi lại từ Việt Nam, xin mời truy cập vào địa chỉ: http://viet2010.org/

Tạp chí Thanh Niên hẹn trở lại trong một chủ đề mới vào tuần sau. Trà Mi thân chào tạm biệt quý vị và các bạn.

Đường dẫn liên quan

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG