Đường dẫn truy cập

Sứ giả Y tế Thế giới


Các thành viên của Tổ chức Sứ giả Y tế Thế giới trong chuyến thiện nguyện đến Cần Thơ hồi tháng 3 năm 2007
Các thành viên của Tổ chức Sứ giả Y tế Thế giới trong chuyến thiện nguyện đến Cần Thơ hồi tháng 3 năm 2007

Quý vị và các bạn thân mến, trong chương trình Tạp chí Thanh Niên của đài VOA hôm nay, chúng ta sẽ làm quen với một số người bạn mới. Đó là những 'sứ giả y tế thế giới' trong tổ chức cùng tên để cùng tìm hiểu về các sứ mạng thường niên của họ trong việc chăm sóc sức khỏe cho người nghèo tại những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Tổ chức Sứ giả Y tế Thế giới World Health Ambassador, viết tắt là WHA, là một tổ chức phi chính phủ (NGO) thiện nguyện, do bác sĩ trẻ Đỗ Minh Thiện, chuyên khoa tim mạch, hiện đang hành nghề tại bang Virginia, (Hoa Kỳ) thành lập từ năm 2005. Với hơn 280 hội viên hiện tại ở nhiều nơi trên thế giới, nhiệm vụ chính của WHA là chăm sóc y tế và cứu trợ khẩn cấp miễn phí cho người nghèo tại các nước, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển ở Châu Á. Hằng năm, WHA đều đặn tổ chức các chuyến đi nhân đạo, mỗi chuyến dài 2 tuần, với sự tham gia của hàng chục y-bác sĩ và tình nguyện viên người nước ngoài và người Việt tại Mỹ, đa phần là giới trẻ. Sau chuyến thiện nguyện đến Cần Thơ hồi tháng 3 năm 2007 để chăm sóc và chữa trị cho gần 2 ngàn bệnh nhân, năm nay, các sứ giả y tế thế giới sẽ trở lại Việt Nam từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 11. Và điểm đến trong hành trình nhân đạo lần này sẽ là Ban Mê Thuột.

Bây giờ, Trà Mi mời quý vị và các bạn cùng gặp gỡ người khai sáng cùng với 2 thành viên của tổ chức Sứ giả Y tế Thế giới có trụ sở tại Hoa Kỳ:

Sứ giả Y tế Thế giới
Sứ giả Y tế Thế giới

Thạch Thảo: Em là Thạch Thảo Đỗ, ngành của em là luật sư.

Trà Mi: Chị đến với tổ chức Sứ giả Y tế Thế giới được bao lâu rồi?

Thạch Thảo: Được gần 1 năm.

Nha sĩ Phạm Thăng:
Tôi là nha sĩ Phạm Thăng, đang hành nghề tại Hoa Thịnh Đốn. Tôi biết tổ chức WHA được 3-4 năm nay.

Bác sĩ Thiện Đỗ:
Tôi là bác sĩ Đỗ Minh Thiện, chuyên môn của tôi về tim. Tôi với bác sĩ Nguyễn Đông Quang là hai người bắt đầu chương trình World Health Ambassador. Chương trình này được thành lập với ý định thứ nhất là vì mình là người Việt quốc tịch Mỹ, hồi đó giờ mình được nhiều nước giúp mình, giờ mình khá hơn, mình muốn giúp lại những người ở nhiều nước khác không được may mắn như mình về phương diện y tế. Thường mỗi năm mình đi một nước. Mình đã đến Việt Nam, Campuchea, Lào, và Philippines. Lúc nào cũng vậy, trước mỗi chuyến đi chữa bệnh, mình có một nhóm đến đó trước để thảo luận với với các trường học, với chính phủ để xin phép trước. Việc này diễn ra trước các chuyến y tế nhân đạo từ 6-8 tháng. Tháng 11 tới đây, mình đang sửa soạn để đi về Ban Mê Thuột, Daklak.

Trà Mi:
Trà Mi mời các anh chị chia sẻ thêm về những công tác của các chuyến đi đó.

Nha sĩ Phạm Thăng: Lần đi Việt Nam cách đây 3 năm, chúng tôi tới Cần Thơ. Chúng tôi đến trường đại học y-nha-dược của Cần Thơ để trao đổi kiến thức, và một số bác sĩ y khoa đến Bệnh viện Cần Thơ để trao đổi thủ thuật giải phẫu với các bác sĩ tại bệnh viện. Một nhóm khác đi tới từng xã, mỗi ngày một nơi khác nhau, để cung cấp các dịch vụ y và nha khoa cho dân chúng. Thường mỗi chuyến đi hằng năm trong hai tuần, với 2-3 chục anh chị em tham gia, không chỉ những bác sĩ y khoa, nha khoa, và dược sĩ trong ngành y, mà còn có các anh chị em trong các ngành nghề khác.

Sứ giả Y tế Thế giới
Sứ giả Y tế Thế giới

Trà Mi: Những anh chị khác không thuộc ngành y tham gia với đoàn thiện nguyện WHA có thể giúp những khâu việc nào, thưa chị Thảo, một người trong ngành luật?

Thạch Thảo:
Mình tham gia vào công tác gây quỹ.

Bác sĩ Thiện Đỗ:
Mỗi chuyến đi của WHA có nhiều bác sĩ trong nhiều ngành như tim, phổi, nhiễm trùng..v..v.. Trong chuyến đi Cần Thơ 2007, có bốn đứa bé bị tim rất nặng, chỉ có thể sống thêm vài năm nữa thôi. Chúng tôi bảo trợ đưa các em và gia đình các em lên Sài Gòn đến bệnh viện Nhi đồng 1. Chúng tôi sử dụng nhờ các phương tiện ở đó để xem thêm về bệnh tình của các em. Bệnh viện Nhi Đồng nói họ không đủ phương tiện để chữa trị cho các em vì tình trạng của các em rất nặng. Chương trình WHA chúng tôi sau đó đã trình bày trường hợp của các em này với một bác sĩ chuyên môn về tim ở bang California, Hoa Kỳ. Sáu tháng sau, họ đưa một toán chuyên môn mổ tim qua Việt Nam và phẫu thuật cho các em.

Trà Mi:
Nghĩa là có nhiều cách để WHA giúp các bệnh nhân nghèo tại Việt Nam?

Bác sĩ Thiện Đỗ: Có bệnh thì chữa được nhanh chóng. Có bệnh phải chữa trị lâu dài thì mình giúp chẩn đoán và khuyên họ nên uống những thuốc gì.

Trà Mi:
Năm nay WHA sẽ đi Daklak, Ban Mê Thuột. Hiện tổ chức đã có kế hoạch cụ thể ra sao?

Sứ giả Y tế Thế giới
Sứ giả Y tế Thế giới

Bác sĩ Thiện Đỗ: Thứ nhất là chúng tôi muốn làm việc chung với các bác sĩ của trường y-nha-dược tại Daklak. Thứ hai, chúng tôi sẽ tiến hành chữa bệnh cho những người dân địa phương không có phương tiện nhiều. Chuyến đi Lào vừa rồi của WHA, có một nhóm nha sĩ của Việt Nam đi theo, làm việc chung với chúng tôi.

Trà Mi: Bác sĩ có những kỷ niệm nào muốn chia sẻ về những chuyến đi thiện nguyện đó?

Bác sĩ Thiện Đỗ: Những gì mà tôi nhớ nhiều nhất là được sinh hoạt và làm việc chung với người dân tại những nước đó. Dù họ nghèo, thiếu thốn phương tiện, nhưng họ rất niềm nở. Sau giờ chữa bệnh cho họ, chúng tôi có ở lại sinh hoạt với họ nữa. Chúng tôi thấy rằng đời sống của họ dù không có gì nhưng tinh thần rất thoải mái. Mỗi chuyến đi mình không đến thành phố mà thường đi xa về vùng nông thôn.

Nha sĩ Phạm Thăng:
Có những vùng có những cái rất cơ bản mà ở đây mình thấy như chuyện đương nhiên như việc mỗi đứa trẻ sáng dậy có bàn chải và kem đánh răng, thì ở nhiều vùng tại Việt Nam hay Lào, điều đó là cả một mơ ước. Họ không biết những việc này. Nhiều đứa trẻ không biết tuýp kem đánh răng là gì. Chúng tôi đi vào những vùng xa, vùng sâu tận miền núi hoặc miền sông nước ở tít bên trong, nơi mà các điều kiện vật chất rất thiếu thốn. Người dân ở đây không có các điều kiện y tế rất cơ bản. Chúng tôi phân phát bàn chải, kem đánh răng, và chỉ dẫn cho phụ huynh và các em cách sử dụng. Hầu như ngày nào chúng tôi cũng làm việc, không chỉ ngày thường.

Trà Mi:
Ngay khi đến Việt Nam, các anh chị làm việc suốt 7 ngày/tuần, ngày nào cũng khám-chữa bệnh hết?

Nha sĩ Phạm Thăng: Vâng.

Trà Mi: Mỗi ngày mình tiếp nhận và chữa trị được cho bao nhiêu bệnh nhân?

Nha sĩ Phạm Thăng: Phải nói là hàng trăm người một ngày.

Trà Mi: Ngoài việc khám chữa bệnh, mình có cung cấp thuốc men miễn phí cho người nghèo không?

Nha sĩ Phạm Thăng:
Người nào cần thuốc men thì chúng tôi cung cấp để họ về tiếp tục uống.

Sứ giả Y tế Thế giới
Sứ giả Y tế Thế giới

Bác sĩ Thiện Đỗ: Lúc đi, chúng tôi mang theo cả thuốc men. Chúng tôi cấp thuốc và ghi toa cho họ nữa. Trong chương trình có mấy dược sĩ, nhiệm vụ chính là chỉ dẫn bệnh nhân cách uống thuốc. Trước đó, các dược sĩ phải đến thăm các nhà thuốc ở khu vực để xem trong vùng có các loại thuốc gì để khi bác sĩ viết toa cho bệnh nhân thì kê những thuốc mà địa phương đó có.

Trà Mi: Nãy giờ chị Thảo hơi ít tiếng. Xin hỏi thăm chị một chút. Không thuộc ngành y, vì sao chị lại đến với tổ chức nhân đạo về y tế này?

Thạch Thảo:
Dù em ở Mỹ từ nhỏ, nhưng em vẫn là người Việt Nam. Cho nên, em muốn giúp những người ở Việt Nam không may mắn bằng em.

Trà Mi:
Chị đã từng về Việt Nam bao nhiêu lần rồi?

Thạch Thảo:
Em về một lần hồi năm ngoái. Em rất mến những người ở Việt Nam. Họ không có đầy đủ về vật chất bằng mình bên Mỹ nhưng trái tim của họ rất cởi mở, có tình có nghĩa.

Trà Mi: Lần đầu chị trở về năm ngoái là cách bao lâu kể từ ngày chị xa quê hương?

Thạch Thảo:
Em qua đây hồi 3 tuổi. Em đã xa quê hương 27 năm rồi. Sau 27 năm về lại, em cảm thấy rất gần gũi.

Trà Mi: Được biết về Việt Nam như thế và bây giờ tham gia chương trình có ý nghĩa giúp đỡ cho người dân Việt Nam, chị có ý định sẽ truyền tai nhiều người hơn nữa về những chuyến đi nhân đạo này, về đất nước, con người Việt Nam, và về những nghĩa cử có ích cho người Việt Nam không?

Thạch Thảo:
Vâng, em rất thích. Lúc nào em cũng nói chuyện về các tổ chức này với bạn bè của em, những người em làm việc chung để giúp họ hiểu thêm về các tổ chức này.

Trà Mi:
Lúc nãy anh Thiện có cho biết sự đón tiếp của dân địa phương đối với đoàn thiện nguyện WHA rất nồng ấm. Còn sự đón tiếp và tạo điều kiện của chính quyền đối với những công tác của đoàn có gì làm các anh chị quan tâm không?

Bác sĩ Thiện Đỗ:
Chuyến đi đầu tiên tại Cần Thơ, chính quyền họ chưa quen biết mình lắm, họ còn nghi ngờ, nên đi theo mình rất chặt chẽ.

Sứ giả Y tế Thế giới
Sứ giả Y tế Thế giới

Trà Mi: Với những người chưa biết đến tổ chức Sứ giả Y tế Thế giới, những người trẻ, đặc biệt là các bạn trẻ người Việt ở nước ngoài chưa biết nhiều về đất nước, con người Việt Nam, về điều kiện sinh sống của những người nghèo ở những vùng nông thôn xa xôi, cũng như chưa biết tới những hoạt động của các tổ chức như WHA, là những người đã tham gia các sứ mạng nhân đạo thiện nguyện, các anh chị có thông điệp nào muốn gửi tới họ hay không? Mời anh Thăng.

Nha sĩ Phạm Thăng:
Nếu có cơ hội, các anh em trẻ hãy tham gia vào các chương trình như chúng tôi, để về Việt Nam đi thực tế, tìm hiểu về đất nước và con người ở Việt Nam. Nếu các bạn có dịp đi một lần thì sẽ hiểu biết hay hơn và thực tế hơn.

Trà Mi: Là người đề xướng ra chương trình này, anh Thiện có gì muốn nhắn gửi tới những bạn trẻ xa quê hương?

Bác sĩ Thiện Đỗ: Có nhiều lần mình đọc báo, coi TV, nghe radio thấy dân chỗ này chỗ kia bị khổ, bị thiên tai. Mình ngồi nghe, muốn giúp mà không có phương tiện để đi. Chương trình này tạo điều kiện cho mình qua đến đó tận tay giúp đỡ họ. Đó là một phần rất quý.

Trà Mi:
Những chuyến đi này dĩ nhiên mang lại nhiều lợi ích cho những người nghèo khó tại các vùng nông thôn xa xôi ở những nước nghèo. Nhưng qua các chuyến đi này, chính những người tham gia chắc cũng rút tỉa được cho mình một số điều có lợi cho bản thân, phải không ạ?

Bác sĩ Thiện Đỗ:
Chị nói rất đúng. Mấy người đã tham gia nói với Thiện rằng đây là một trong những chuyến đi mà họ sẽ nhớ mãi mãi. Lúc về đây rồi, nhìn lại xung quanh, họ cảm thấy đời sống của họ thoải mái hơn. Họ không đòi hỏi như trước đây vì thấy rằng những người khác ít điều kiện hơn họ mà còn sống vui vẻ, mà đời sống vật chất đôi khi còn làm cho mình nhức đầu hơn nữa. Cho nên, khi đi về rồi, những gì hồi xưa họ xem trọng giờ đối với họ không còn quan trọng như trước nữa. Đó là những gì họ mang về với họ như là những món quà.

Trà Mi:
Và dĩ nhiên là khi đem niềm vui đến cho người khác thì đó cũng chính là một món quà rất lớn, một niềm vui cho chính mình. Những bạn trẻ muốn cùng tham gia với tổ chức WHA, họ phải làm sao? Họ cần tìm tới đâu và liên lạc như thế nào để đăng ký với chương trình?

Thạch Thảo: Những ai có lòng muốn giúp, có thể vào website ở địa chỉ www.whausa.org.

Trà Mi:
Sau những chuyến đi trong 5 năm qua, sắp tới đây WHA có dự định như thế nào cho chương trình này mới mẻ hơn, rộng rãi hơn, và phát triển hơn?

Bác sĩ Thiện Đỗ:
Một trong những ước muốn của mình là mỗi lần đi chữa bệnh mình sẽ được phối hợp với các ngành y-nha-dược ở các nước nữa cơ. Thứ nhì, mình muốn sau này sẽ có đủ phương tiện để đi chữa bệnh tại các nước bị thiên tai. Thứ ba, mình muốn mở mang các chương trình phối hợp giảng dạy về y-nha-dược tại các nước mình tới. Đó là ba dự định trong tương lai của mình.

Trà Mi:
Xin cảm ơn các anh chị rất nhiều đã dành thời gian cho chương trình này.

Tạp chí Thanh Niên xin chia tay với quý vị và các bạn tại đây. Giờ này, tối thứ ba tuần sau, mời quý vị và các bạn cùng trở lại với Tạp chí Thanh Niên của đài VOA để cùng gặp gỡ những người bạn mới trên làn sóng này, các bạn nhé. Trà Mi xin chào tạm biệt quý vị.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG