Đường dẫn truy cập

Hội nghị Á Âu bàn thảo về kinh tế


Quốc kỳ các nước thuộc Liên Hiệp châu Âu
Quốc kỳ các nước thuộc Liên Hiệp châu Âu

Giới lãnh đạo châu Âu và châu Á đã bắt đầu hội nghị thượng đỉnh 2 ngày tại Bruxelles vào thứ Hai. Đề tài thảo luận sẽ chú trọng đến thương mại, tài chính, tình trạng tăng nhiệt toàn cầu và ngoại giao. Từ Paris, thông tín viên Lisa Bryant tường trình rằng bầu không khí hội nghị u ám vì cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Được tổ chức tại cung điện hoàng gia ở Bruxelles, hội nghị thượng đỉnh Á-Âu diễn ra vào một thời điểm chiến lược cho cả hai khu vực, trước khi các cuộc thảo luận quốc tế về khí hậu biến đổi và cuộc họp của 20 cường quốc tài chính hàng đầu diễn ra trong tháng 11. Châu Á và châu Âu tính gộp lại chiếm hơn phân nửa dân số thế giới và sản lượng kinh tế. Ngoài ra hai châu lục còn chiếm đến 60% tổng số thương mại toàn cầu.

Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Liên Hiệp châu Âu, ông Heman van Rumpoy nói rằng khối 27 nước thành viên của Liên Hiệp châu Âu sẽ chú trọng mạnh hơn nữa đến châu Á, một quyết định được sự hỗ trợ bằng sự kiện mới đây Liên Hiệp châu Âu trợ giúp cho Pakistan bị lụt lội tàn phá và bằng bản hiệp định tự do mậu dịch đầu tiên của châu Âu với các quốc gia châu Á, đáng chú ý nhất là với Nam Triều Tiên. Ông nói: "Hiệp định này sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo được việc làm cho cả hai khu vực. Vì các nền kinh tế của châu Á ngày càng hội nhập nhiều hơn, nó sẽ giúp gia tăng các quan hệ kinh tế giữa Liên Hiệp châu Âu và các quốc gia châu Á, cũng như sẽ dọn đường để tiến tới những hiệp định khác."

Mặc dù Hội nghị thượng đỉnh này đã được chuẩn bị từ lâu nay, các nhà phân tích tình hình cho rằng hội nghị này giúp gia tăng hình ảnh của châu Âu trên chính trường thế giới sau khi châu lục này đi xuống vì gặp những khó khăn, rắc rối về chính trị và kinh tế.

Ông Shada Islam, chuyên gia về châu Á tại Trung tâm Chính sách châu Âu ở Bruxelles, dự đoán các vấn đề chính trị sẽ có ưu tiên cao trên nghị trình.

Ông giải thích: "Theo tôi nghĩ thì điều quan trọng là người châu Âu sẽ có được những kinh nghiệm trực tiếp từ chính các nước châu Á về tình trạng căng thẳng trong khu vực. Họ cần biết về những gì thực sự xảy ra ở bên trong Bắc Triều Tiên, và còn nước nào ở vị thế tốt để bàn thảo về chuyện đó hơn là Nhật Bản, Trung Quốc và Nam Triều Tiên? Tất cả đều có mặt ở đây."

Theo ông Islam, những đề tài quan trọng khác là Miến Điện và vụ đối đầu hạt nhân của Iran. Không khí hội nghị thượng đỉnh cũng bị u ám vì vụ tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Người ta chưa rõ là hai quốc gia sẽ có thảo luận trực tiếp với nhau hay không, nhưng ông Islam nói rằng ngay cả những nghĩa cử nhỏ nhặt cũng quan trọng.

Ông nói: "Nếu như họ gặp nhau, bắt tay và cười nói chào hỏi thì đó cũng là một dấu hiệu quan trọng khi xét tới mối quan hệ căng thẳng trong những tuần lễ mới đây."

Vào thứ Tư, châu Âu mở hội nghị thượng đỉnh song phương với Trung Quốc và Nam Triều Tiên; vào lúc đó hiệp định thương mại với Liên Hiệp châu Âu sẽ được ký kết.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG