Đường dẫn truy cập

Đức, Thổ Nhĩ Kỳ bất đồng về vấn đề người tị nạn


Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu trong buổi lễ chào đón tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 8/2/2016.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu trong buổi lễ chào đón tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 8/2/2016.

Thủ tướng Đức Angela Merkel họp với các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara hôm 8/2 về cuộc khủng hoảng người tị nạn đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn – từ những người bị kẹt ở Syria đến những người đang tìm đường đến châu Âu đang bị kẹt ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thông tín viên Dorian Jones của đài VOA tường trình từ Istanbul rằng cuộc họp diễn ra giữa lúc sự mất niềm tin giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hiệp Châu Âu đang gia tăng.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói chiến dịch oanh kích ồ ạt của Nga tại miền bắc Syria thật là kinh hoàng, và bà hứa sẽ làm việc với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu để đảm bảo rằng Moscow tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Trước chuyến thăm của bà Merkel, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã hối thúc các nhà lãnh đạo Châu Âu tăng áp lực để đòi Moscow chấm dứt các cuộc hành quân của họ nếu Liên hiệp Châu Âu muốn được giúp đỡ để ngăn chận làn sóng người tị nạn tràn vào châu Âu.

Tiếp theo các cuộc họp hôm 8/2, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmed Davutoglu cho biết ông và Thủ tướng Merkel đã đồng ý với nhau về một số biện pháp.

Ông Davuloglu nói: "Các cơ quan của Đức và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt đầu phối hợp với nhau chống những kẻ đưa lậu người vượt biên, và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng cường các nỗ lực phối hợp giữa cảnh sát và các lực lượng an ninh để ngăn chặn di dân bất hợp pháp."

Thủ tướng Merkel loan báo rằng NATO cũng có thể hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ an ninh biên giới Liên hiệp châu Âu, gọi tắt là Frontex.

Tuần trước, Bộ trưởng Nội vụ Đức và Pháp đã lên tiếng tỏ ý thất vọng trước việc Ankara không ngăn chặn được làn sóng di dân bất hợp pháp, bất chấp những gì họ đã hứa sẽ thực hiện. Hồi tháng trước, hơn 60.000 di dân đã từ Thổ Nhĩ Kỳ vượt biên sang Hy Lạp, tăng 32 lần so với cùng thời gian này của năm trước.

Bình luận gia chính trị Semih Idiz nói rằng bất chấp việc bà Merkel tuyên bố sẽ chia sẻ gánh nặng người tị nạn và cam kết của ông Davutoglu sẽ ngăn chặn di dân bất hợp pháp, có nhiều ngờ vực đối với những cam kết của cả hai bên.

Trước chuyến thăm của bà Merkel, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) đã hối thúc các nhà lãnh đạo Âu Châu tăng áp lực để đòi Moscow chấm dứt các cuộc hành quân của họ.
Trước chuyến thăm của bà Merkel, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) đã hối thúc các nhà lãnh đạo Âu Châu tăng áp lực để đòi Moscow chấm dứt các cuộc hành quân của họ.

Ông Idiz cho biết: "Về phía Châu Âu, chúng tôi đã có các tuyên bố trong đó có đề nghị rõ ràng là những người tị nạn này nên được giữ lại ở Thổ Nhĩ Kỳ. Không rõ liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thực tâm muốn giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn theo đúng nghĩa của nó hay không, hay họ tìm cách lợi dụng cuộc khủng hoảng này cho những mối quan hệ với Liên hiệp Châu Âu."

Mặc dù các nhà lãnh đạo Đức và Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng họ đang đi cùng hướng với nhau, các nhà quan sát nói hình như có những bất đồng tồn tại trong việc kiểm soát và sử dụng ngân khoản 3,5 tỉ đôla mà Liên hiệp Châu Âu hứa cung cấp để giúp Ankara giải quyết gánh nặng của hơn 2,5 triệu người tị nạn đang ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa biên giới, không cho hàng vạn người tản cư tránh chiến dịch oanh kích của Nga tại thành phố Aleppo của Syria dường như chỉ làm cho vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn. Liên hiệp Châu Âu nói rằng mở cửa biên giới là một nghĩa vụ đạo đức, nhưng truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ chỉ ra rằng châu Âu đang khép kín biên giới của họ đối với người tị nạn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG