Đường dẫn truy cập

Cựu thuyền nhân Việt chờ trục xuất may khẩu trang để ‘trả nợ cộng đồng’


Anh Huỳnh Văn Phụ, một cựu thuyền nhân Việt chờ lệnh trục xuất, may khẩu trang, trong garage để xe của nhà bố mẹ anh ở nam California, để phân phát cho những cộng đồng cần đến thiết bị bảo hộ trong dịch COVID-19. (Photo courtesy of Huynh Van Phu)
Anh Huỳnh Văn Phụ, một cựu thuyền nhân Việt chờ lệnh trục xuất, may khẩu trang, trong garage để xe của nhà bố mẹ anh ở nam California, để phân phát cho những cộng đồng cần đến thiết bị bảo hộ trong dịch COVID-19. (Photo courtesy of Huynh Van Phu)

Sau khi được ra khỏi trại giam của cơ quan thực thi di trú và hải quan Hoa Kỳ (ICE), Huỳnh Văn Phụ, người cùng gia đình tới Mỹ cách đây gần 4 thập kỷ, đang làm những điều có ý nghĩa cho cộng đồng: may khẩu trang cho những “người cần đến nó.”

Sau hàng chục năm thụ án tù và giờ đây đang chờ lệnh trục xuất, cựu thuyền nhân Việt này không bỏ phí những ngày mà “có thể là cuối cùng” trên đất Mỹ của anh. Thông qua nhóm Auntie Sewing Squad, anh Phụ đóng góp hàng trăm chiếc khẩu trang mà anh tự may mỗi tuần để gửi đến những người như người lao động nhập cư hay những người vừa ra khỏi trại như anh.

“Nó giúp tôi có cơ hội và cũng là thực hiện nghĩa vụ của mình được làm những gì có thể để giúp đỡ những người xung quanh mình,” anh Phụ nói với VOA giữa những lần may khẩu trang từ garage để xe của gia đình bố mẹ anh ở Nam California.

Quá khứ ngục tù

Tới Mỹ năm 1982 lúc 4 tuổi, anh Phụ lớn lên trên đất Mỹ và trở nên quen thuộc với các băng đảng khi thường ra đường bán "tỏi" cùng em trai sau các giờ học trên đường phố San Francisco để phụ giúp thêm thu nhập cho gia đình.

“Rất khó cho tôi khi trở về nhà bởi vì trong đầu tôi, với tất cả những thứ đó, tôi cảm thấy mình là một người ngoài,” anh Phụ nói. “Tôi không biết tôi sẽ hợp với nơi nào.”

Việc gia đình phải chuyển nhiều lần trong thời gian trưởng thành từ một đứa trẻ sang vị thành niên, “khoảng 9 lần trước khi tôi 13 tuổi”, theo anh Huỳnh cho biết, đã ảnh hưởng nhiều tới mối quan hệ của anh với họ hàng.

“Tôi cảm thấy bị cô lập,” anh Phụ nói về tâm trạng của mình lúc bước vào tuổi dậy thì mà không có được sự kết nối về mặt tinh thần với gia đình.

Anh Phụ bỏ học khi mới bước vào lớp 9 và trong một lần cùng bạn tham gia một vụ cướp, anh bị cảnh sát bắt khi một trong những người bạn trong nhóm cướp “chẳng may bắn chết một trong những con tin.”

“Lúc đó tôi không biết rằng đó là phạm tội,” anh Phụ nói về việc anh tham gia cùng bạn bè trong vụ cướp. “Khi tôi tới đó, tôi không nghĩ có ai đó sẽ bị thương tích. Tôi không nghĩ gì về tiền hay bất cứ thứ gì mà tôi sẽ lấy. Chỉ là tôi muốn đi cùng với những người bạn mà tôi rất quan tâm tới thôi.”

Vào ngày sinh nhật thứ 18, anh bị kết án và bắt đầu thụ hai bản án tù chung thân.

“Khi tôi bước vào tù, tôi nhớ rằng mình nghĩ là ‘vậy là hết.’ Đây sẽ là cuộc đời tôi. Tôi sẽ chết ở đây,” anh Phụ nói sau khi nhớ lại những ngày gia đình anh lênh đênh trên biển cùng những người tị nạn Việt Nam trên 1 chiếc thuyền trước khi cập bờ và ở trong 1 trại tị nạn ở Nhật Bản. Anh Phụ cùng mẹ và em gái được đưa tới Florida năm 1982 để đoàn tụ với cha và em trai anh ở bến bờ tự do trên đấy Mỹ.

Nhưng anh Phụ đã không phải thụ án tù chung thân nhờ “những người lạ mặt chu đáo và những người năng nổ” khi họ thúc đẩy thông qua những điều luật mà nhờ đó những người bị kết án tù chung thân từ khi còn là vị thành niên như anh được có “một cơ hội lần thứ hai.”

Anh Phụ được ra khỏi tù sau 25 năm thụ án, nhưng với anh, nó không giống như hình ảnh những người tù được trả tự do trong các bộ phim của Hollywood.

“Tôi không bước ra khỏi cánh cổng và chạy tới gia đình mình,” anh Phụ nói. “Mà họ chỉ thay chiếc còng tay của tiểu bang sang chiếc còng tay của liên bang và đưa tôi đến trung tâm giam giữ của ICE.”

Giống như nhiều người tị nạn gốc Việt tới Mỹ nhưng có hồ sơ tội phạm, anh Phụ nhận lệnh trục xuất khỏi nước Mỹ sau khi chính quyền Tổng thống Trump tìm cách diễn giải lại hiệp định ký kết giữa Mỹ và Việt Nam, trong đó bảo vệ những người tị nạn Việt tới Mỹ trước năm 1995 khỏi bị trục xuất trở về Việt Nam.

Sau 6 tháng bị giam giữ trong trại của cơ quan thực thi di trú, anh Phụ được thả sau ra ngoài sau khi đệ thỉnh nguyện thư. Anh vẫn phải thường xuyên báo cáo về việc phóng thích khỏi tù tiểu bang và những cam kết giữ tư cách đạo đức của mình.

Trả nợ cộng đồng

Anh Huỳnh Văn Phụ tham gia vào một cuộc biểu tình kêu gọi chính phủ hành động chống biến đổi khí hậu hôm 15/3/2019 ở California. (Photo courtesy of Huynh Van Phu)
Anh Huỳnh Văn Phụ tham gia vào một cuộc biểu tình kêu gọi chính phủ hành động chống biến đổi khí hậu hôm 15/3/2019 ở California. (Photo courtesy of Huynh Van Phu)

Hơn một năm sau khi anh Phụ ra khỏi trại giam của ICE và chờ trục xuất, nước Mỹ chứng kiến sự bùng phát dịch virus corona với nhiều cộng đồng người yếu thế không có được sự bảo vệ đầy đủ trước đại dịch.

Thông qua nhóm Auntie Sewing Squad, một mạng lưới những tình nguyện viên trên khắp nước Mỹ may khẩu trang miễn phí cho những người đang cần đến công cụ bảo vệ khỏi COVID-19, anh Phụ, một trong số ít những người đàn ông tham gia nhóm do nghệ sỹ Kristina Wong khởi xướng qua mạng Facebook, đã đóng góp hàng nghìn khẩu trang do chính anh làm ra.

“Gia đình tôi từng làm may để kiếm thêm thu nhập khi mới tới Mỹ, và tôi phụ giúp may khi còn là một đứa trẻ,” anh Phụ nói và cho biết lần cuối cùng anh dùng máy khâu là cách đây gần 30 năm khi anh 14 tuổi.

Những ngày tham gia nhóm Auntie Sewing Squad với trải nghiệm may khẩu trang cùng mẹ, người đã đưa anh Phụ và em gái anh qua hành trình vượt biển và những tháng ngày tị nạn ở Nhật để tới Mỹ, anh Phụ có được một sự gắn kết hơn với người mẹ mà anh không được ở bên trong 25 năm.

Không chỉ là sự gắn kết trở lại với gia đình, anh Phụ còn tìm được sự kết nối với những người mà anh không quen biết, nhưng những thành viên mà anh chưa bao giờ gặp trước đây của nhóm Auntie Sewing Squad, để cùng làm ra những chiếc khẩu trang có ý nghĩa.

Anh Phụ có thể may đến 200 khẩu trang mỗi tuần và những chiếc khẩu trang đó, thông qua nhóm Auntie Sewing Squad, thời gian đầu được gửi đến những nhân viên làm việc ở tuyến đầu chống dịch sau đó tới các cộng đồng thiếu nguồn cung bảo hộ, gồm những người thổ dân Mỹ, những người lao động nhập cư, những người mới ra khỏi trại giam của ICE.

Anh Phụ đã học được nhiều điều từ việc tham gia may khẩu trang cho nhóm Auntie Sewing Squad, những điều dù rất cơ bản nhưng anh không thể trải nghiệm trong không gian nhà tù.

“Tôi học được cách giao tiếp, học cách tin tưởng, những thứ mà tôi không quen,” anh Phụ nói và cho biết anh phải khiêm tốn trong một môi trường mà anh cảm thấy mình là một người khách, vì sau 25 năm trong tù, anh cảm thấy nhà tù là môi trường quen thuộc của anh.

Do đó anh Phụ cảm thấy hơi bị “choáng ngợp” khi hoà nhập lại với cộng đồng nhưng cùng tham gia may khẩu trang với nhóm Auntie Sewing Squad, nơi cũng có các thành viên gốc Việt, giúp anh có được chỗ dựa và vượt qua được những tổn thương của chính mình. Kristina Wong, người khởi xướng Auntie Sewing Squad, cho biết cô đã viết một bức thư gửi tới Thống đốc California, Gavin Newsom, yêu cầu ân xá cho anh Phụ.

Dù chưa biết liệu có được ở lại nước Mỹ hay không, nhưng giờ đây anh Phụ không bỏ phí những tháng ngày “tự do” để tham gia các hoạt động ủng hộ cho công bằng xã hội và cải cách nhà tù kể từ khi anh được ra khỏi trại giam của ICE từ tháng 2 năm ngoái. Anh Phụ đã tham gia những cuộc biểu tình của phong trào Black Lives Matter tại Los Angeles giữa những lúc may khẩu trang cách đây vài tháng. Và đối với anh, may khẩu trang cùng nhóm Auntie Sewing Squd là một trong những công việc đóng góp cho bình đẳng xã hội.

“Đã không ai nói với tôi rằng may cũng là một cách đấu tranh (cho bình đẳng xã hội,” anh Phụ nói. “Tôi chỉ có thể được tự do ngoài này là bởi vì những người lạ mặt chu đáo đã đấu tranh cho sự thay đổi, do đó thật tuyệt với khi tôi có thể đóng góp và là những điều tương tự cho người khác (dù bằng bất cứ cách nào có thể).”

VOA Express

XS
SM
MD
LG