Đường dẫn truy cập

'Bắc Triều Tiên phải nhượng bộ trước khi mở lại đàm phán'


Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton (giữa), Ngoại trưởng Nam Triều Tiên Kim Sung Hwan (phải) và Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara (trái) họp tại Washington, ngày 6/12/2010
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton (giữa), Ngoại trưởng Nam Triều Tiên Kim Sung Hwan (phải) và Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara (trái) họp tại Washington, ngày 6/12/2010

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, Ngoại trưởng Nam Triều Tiên Kim Sung Hwan và Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara yêu cầu Bắc Triều Tiên nhượng bộ trước khi mở lại cuộc đàm phán 6 bên với Bình Nhưỡng. Ba nhà ngoại giao này đã họp tại Washington hôm thứ Hai sau khi Bắc Triều Tiên pháo kích vào một hòn đảo của Nam Triều Tiên hồi tháng trước. Từ trụ sở bộ ngoại giao ở Washington, thông tín viên David Gollust của đài VOA có bài tường thuật sau đây.

Vụ pháo kích của Bắc Triều Tiên vào một hòn đảo của Nam Triều Tiên hôm 23 tháng 11 đã khiến Trung Quốc đề nghị mở một cuộc họp khẩn trong khuôn khổ của cuộc đàm phán 6 bên để giảm bớt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Đó là vụ tấn công đầu tiên của Bắc Triều Tiên nhắm vào địa điểm cư trú của thường dân Nam Triều Tiên kể từ khi cuộc chiến Triều Tiên kết thúc năm 1953.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton cùng với hai vị ngoại trưởng của Nhật Bản và Nam Triều Tiên đã tỏ ý hoan nghênh đề nghị của Trung Quốc, nhưng họ nói rằng không nên có phần thưởng ngoại giao nào cho những hành động sai trái của Bắc Triều Tiên.

Bà Clinton nói: "Tối qua, Tổng thống Obama đã nói chuyện với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Họ đã tái khẳng định tầm quan trọng của bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Chúng tôi cảm kích trước việc Trung Quốc đề nghị mở cuộc họp khẩn của 6 nước. Nhưng trước hết chúng ta cần có một cơ sở thỏa đáng cho việc mở lại cuộc đàm phán. Dĩ nhiên là bất cứ nỗ lực nào cũng phải bắt đầu với việc Bắc Triều Tiên ngưng chỉ mọi hành vi gây hấn và khiêu chiến."

Bà Clinton nói rằng Bắc Triều Tiên phải hành động để cải thiện quan hệ với Nam Triều Tiên, tuân hành các nghĩa vụ quốc tế, và áp dụng những biện pháp cụ thể để thực thi tuyên cáo chung của hộïi nghị 6 bên hồi tháng 9 năm 2005.

Lúc đó Bình Nhưỡng đồng ý trên nguyên tắc là sẽ tháo dỡ chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ và những biện pháp khích lệ ngoại giao từ Nam Triều Tiên, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc.

Cuộc đàm phán 6 bên, do Trung Quốc đứng ra tổ chức, đã bị đổ vỡ vào năm 2008. Gần đây hơn, Nam Triều Tiên tố cáo Bắc Triều Tiên đánh chìm một chiến hạm của họ hồi tháng 3, và sau đó là xảy ra vụ pháo kích hồi tháng trước.

Ngoại trưởng Clinton nói rằng Trung Quốc, đối tác thương mại và là nước cấp viện chính của Bắc Triều Tiên, có một “vai trò thiết yếu” trong các hoạt động ngoại giao với Bình Nhưỡng.

Bà Clinton nói tiếp: "Trung Quốc có một mối quan hệ đặc thù với Bắc Triều Tiên. Và chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ làm việc với chúng tôi để đưa ra một thông điệp rõ ràng và không thể nhầm lẫn cho Bắc Triều Tiên là họ phải chứng tỏ rằng họ thật tâm muốn ngưng các hành động khiêu khích. Có rất nhiều cách để làm việc này và chúng tôi sẽ tập trung nỗ lực vào việc cộng tác với các nước đồng minh và các đối tác trong cuộc đàm phán 6 bên để đưa ra thông điệp này."

Bà Clinton cho biết một toán nhân viên ngoại giao cấp cao của Hoa Kỳ sẽ đến khu vực Đông Bắc Á vào tuần sau. Trong khi đó, Chủ tịch ban tham mưu liên quân Hoa Kỳ, Đô Đốc Mike Mullen, đã lên đường đi Á châu hồi tối thứ hai để dự các cuộc thảo luận về an ninh ở Seoul và Tokyo.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG