Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Đức mưu tìm sự hỗ trợ của Trung Quốc về vấn đề Iran


Thủ tướng Ðức Angela Merkel và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo trước cuộc họp báo tại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 2/2/2012
Thủ tướng Ðức Angela Merkel và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo trước cuộc họp báo tại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 2/2/2012

Thủ tướng Đức Angela Merkel đang hối thúc Trung Quốc giúp cộng đồng quốc tế thuyết phục Iran từ bỏ bất kỳ tham vọng nào có thể có về vũ khí hạt nhân. Bà Merkel đưa ra nhận định vào lúc khởi đầu chuyến công du Trung Quốc. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Stephanie Ho gửi về bài tường thuật sau đây.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo chào mừng Thủ tướng Merkel đến Đại sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm nay. Một số vấn đề dự kiến sẽ đứng đầu nghị trình thảo luận gồm Iran và vụ khủng hoảng nợ trong khu vực sử dụng đồng Euro.

Trước đó trong ngày, Thủ tướng Merkel nói với các phóng viên rằng bà đã mở các cuộc thảo luận mà bà mô tả là “rất lâu” với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo về Iran.

Thủ tướng Đức thừa nhận rằng Trung Quốc không ủng hộ những lời kêu gọi áp dụng các biện pháp chế tài mới nhắm vào Iran, nhưng bà hối thúc Iran “vận dụng ảnh hưởng của mình” – theo nguyên văn lời bà - để nhấn mạnh với Iran rằng thế giới không nên có thêm một cường quốc hạt nhân nữa.

Liên hiệp châu Âu đã áp đặt một lệnh cấm vận dầu đối với Iran vào tuần trước. Trung Quốc là nước mua nhiều dầu nhất của Iran, nhưng đã giảm bớt số mua trong 2 tháng vừa qua vào lúc có tin hai bên tranh cãi về các điều kiện của hợp đồng cho năm 2012.

Bà Trương Lệ Hoa, một giáo sư chuyên nghiên cứu về châu Âu của trường Đại học Thanh Hoa, nói rằng Trung Quốc chống đối điều mà họ coi là sự can thiệp của các nước khác vào nội bộ Iran.

Bà Trương nói bà tin rằng nhà lãnh đạo Đức sẽ cố gắng tìm hiểu các quan điểm mới nhất của Trung Quốc về Iran, nhưng rằng Bắc Kinh sẽ không thay đổi lập trường “chỉ vì EU.”

Cuộc khủng hoảng trong khu vực Euro là một vấn đề cấp bách khác. Trong một bài phát biểu tại một cơ quan nghiên cứu của nhà nước, nhà lãnh đạo Đức tuyên bố Trung Quốc có thể góp phần giúp giải quyết các vấn đề về nợ nần cao ở châu Âu, nhưng không cho biết chi tiết cụ thể.

Bà Trương của trường Đại học Thanh Hoa nói bà không hiểu vì sao mà phía châu Âu lại có thể trông đợi Trung Quốc là người cứu vớt tài chính cho họ.

Bà nói nhiều nước trong khối sử dụng đồng Euro là các nước đã phát triển, và Trung Quốc chỉ là một được còn đang phát triển. Bà nói thêm vì sao một nước đang phát triển lại đi cứu vớt một khu vực đã phát triển.

Đồng thời, châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, và bà Trương nói Bắc Kinh biết rõ rằng cuộc khủng hoảng nợ châu Âu có thể gây nguy hại cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc ở đó. Bà không trông đợi Trung Quốc sẽ tham gia vào bất cứ “vụ can thiệp ồ ạt hay ở quy mô lớn” nào tại châu Âu, nhưng sẽ tiếp tục mua điều mà bà mô tả là “một khối lượng tương xứng” khối nợ châu Âu phù hợp với tình hình quốc gia của chính họ.

Ngày mai, bà Merkel sẽ hội kiến Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và đến Quảng Châu, một thành phố thương mại miền nam, để dự một diễn đàn kinh doanh Đức-Trung.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG