Đường dẫn truy cập

Chiến thuật Biển Đông của Trung Quốc khiến Manila quyết đoán hơn


Tàu đánh cá Philippines neo đậu gần bãi cạn Scarborough do Trung Quốc kiểm soát tại vùng Biển Đông tranh chấp, ngày 21/9/2023.
Tàu đánh cá Philippines neo đậu gần bãi cạn Scarborough do Trung Quốc kiểm soát tại vùng Biển Đông tranh chấp, ngày 21/9/2023.

Động thái táo bạo của lực lượng tuần duyên Philippines trong tuần này công khai cắt bỏ hàng rào phao do Trung Quốc giăng ra gần một đầm phá có tranh chấp ở Biển Đông cho thấy hành động của Bắc Kinh đang thúc đẩy những phản ứng mạnh mẽ như thế nào, theo giới phân tích. Nó cũng có thể giúp tập hợp các quốc gia khác trong khu vực đứng lên chống lại Bắc Kinh.

Ông Joshua Espeña, thuộc Cơ quan Hợp tác An ninh và Phát triển Quốc tế, một viện nghiên cứu có trụ sở tại Philippines, nói: “Chính phủ [Philippines] hiện tại hiểu sự cần thiết phải thúc đẩy sự răn đe tập thể từ chối và trừng phạt với các đối tác sẵn sàng như một chiến lược thích hợp để áp đặt ranh giới đỏ cho Trung Quốc”.

Trung Quốc nói họ đã thả hàng rào phao dài 300 mét gần lối vào Bãi cạn Scarborough để ngăn các tàu cá Philippines tránh xa. Khu vực đánh cá màu mỡ và rạn san hô đang tranh chấp nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines nhưng chịu sự kiểm soát thực tế của Trung Quốc kể từ năm 2012. Vùng đặc quyền kinh tế là khu vực cách bờ biển của bất kỳ quốc gia nào 200 hải lý.

Hàng rào phao được giăng ra vào cuối tuần trước nhưng đến ngày 26/9, Philippines thông báo chúng đã được dỡ bỏ. Ngay sau đó, lực lượng tuần duyên Philippines đã tung ra một video trên X, trước đây gọi là Twitter, cho thấy một thợ lặn dùng dao cắt đứt hàng rào phao.

Tập hợp ủng hộ

Đây không phải là lần đầu tiên Philippines công bố video nêu bật điều mà các chuyên gia gọi là hoạt động vùng xám của Trung Quốc ở Biển Đông. Vào tháng 8 vừa qua, lực lượng tuần duyên Philippines đã chia sẻ đoạn phim ghi lại cảnh một tàu hải cảnh Trung Quốc bắn vòi rồng vào một tàu Philippines đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho chiếc tàu chiến thời Thế chiến thứ hai, Sierra Madre, mà Manila cố tình neo đậu tại Bãi Cỏ Mây như một tiền đồn quân sự nhằm bảo vệ yêu sách lãnh thổ của mình.

Một số nhà phân tích cho rằng, các hoạt động vùng xám ám chỉ việc sử dụng các chiến thuật tấn công quân sự và phi quân sự để đe dọa hoặc ép buộc, và quyết định của Manila công khai các hành động của Trung Quốc có thể giúp huy động sự ủng hộ từ công chúng Philippines và các đồng minh quốc tế.

“Để đẩy lùi Trung Quốc,” ông Ray Powell, giám đốc SeaLight tại Trung tâm Đổi mới An ninh Quốc gia Gordian Knot tại Đại học Stanford, nói với VOA qua điện thoại, Manila “cần có người dân đứng sau và họ phải xây dựng một căn cứ ủng hộ quốc tế.”

Những nỗ lực của Manila nhằm bảo vệ khu kinh tế của mình cũng bao gồm việc sử dụng các tàu hải quân lớn hơn cho các nhiệm vụ tiếp tế quanh Bãi Cỏ Mây và tiến hành các cuộc tập trận thường xuyên hoặc tuần tra hàng hải với các quốc gia có cùng quan điểm, trong đó có Mỹ và Australia. Một số nhà quan sát cho rằng những biện pháp này sẽ buộc Bắc Kinh phải xem lại chiến thuật cưỡng ép chống lại Philippines.

Ông Collin Koh, học giả quốc phòng tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Có một sự gia tăng rõ ràng trong việc lôi kéo các cường quốc thân thiện để xây dựng sức mạnh tập thể”. “Nó dường như có tác dụng buộc Trung Quốc phải tính toán lại và điều chỉnh lại các động thái của họ trong tương lai”.

Tuy nhiên, ông Espeña nói ông tin rằng căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Manila sẽ không dừng lại cho đến khi một bên đầu hàng.

“Tôi không nghĩ Trung Quốc đủ nhu mì để tự đặt ra ranh giới đỏ cho chính mình,” ông nói với đài VOA và cho biết ông dự kiến Bắc Kinh sẽ tiếp tục sử dụng các công cụ kinh tế, ngoại giao, thông tin và quân sự để răn đe các đối tác Philippines.

Trong cuộc họp báo hàng ngày hôm 27/9, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh sẽ tiếp tục bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như các quyền và lợi ích hàng hải đối với rạn san hô đang tranh chấp mà Trung Quốc gọi là “Hoàng Nham Đảo”.

Cùng ngày, Cục An toàn Hàng hải Quảng Đông đưa ra cảnh báo về các cuộc tập trận theo kế hoạch ở các khu vực trên Biển Đông dự kiến vào ngày 28/9. Trong một tuyên bố, chính quyền cho biết cuộc tập trận sẽ diễn ra vào buổi sáng và buổi tối. Không có thông tin chi tiết nào được công bố về địa điểm của cuộc tập trận.

Để chống lại cam kết của Bắc Kinh trong việc bảo vệ lợi ích lãnh thổ xung quanh rạn san hô đang tranh chấp, lực lượng tuần duyên Philippines kêu gọi ngư dân Philippines tiếp tục hoạt động trong khu vực.

“Chúng tôi sẽ tăng cường tuần tra ở Bajo de Masinloc và các khu vực khác có sự hiện diện của ngư dân Philippines”, phát ngôn viên lực lượng tuần duyên Philippines, Phó Đề Đốc Jay Tarriela, nói với một đài phát thanh địa phương hôm 27/9, theo Reuters.

Hiệu ứng

Trong lúc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Philippines có thể tiếp tục kéo dài, các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cũng đã đưa ra khiếu nại về việc Bắc Kinh liên tục bành trướng.

Bloomberg đưa tin hôm 27/9 rằng Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối việc Bắc Kinh lắp đặt hai trạm nhận dạng tàu tự động ở quần đảo Hoàng Sa, một chuỗi đảo tranh chấp ở Biển Đông mà Việt Nam và Đài Loan tuyên bố chủ quyền nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng từ lâu.

Mặc dù còn một số quốc gia Đông Nam Á khác cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng ông Koh tại Singapore cho biết các nước như Malaysia và Indonesia không sẵn sàng đối đầu quyết liệt với Trung Quốc như Manila đã và đang làm.

Ông nói với đài VOA: “Họ dường như không muốn gây hấn với Trung Quốc”.

Nếu Philippines đẩy lùi thành công các hoạt động vùng xám của Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông có thể học theo chiến thuật của Manila trong tương lai.

Ông Koh nói: “Nếu người Trung Quốc không thành công trong việc định hình cách hành xử của Philippines thì có thể xảy ra hiệu ứng domino ở Đông Nam Á”. “Các nước Đông Nam Á khác có thể lấy cảm hứng từ những gì Manila đang làm và họ có thể làm điều tương tự chống lại Trung Quốc ở Biển Đông. Điều đó sẽ trở thành vấn đề rất lớn đối với Bắc Kinh.”

Ngày 28/9, tại phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, Phó Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách khu vực Nam và Đông Nam Á, Lindsey Ford, nói việc Philippines dỡ bỏ hàng rào phao của Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough là “một bước đi táo bạo trong việc bảo vệ chủ quyền của chính họ”.

Diễn đàn

Liên quan

XS
SM
MD
LG