Đường dẫn truy cập

Catalonia đòi độc lập: Khủng hoảng chính trị lớn ở Tây Ban Nha


Thủ Tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đọc diễn văn tại Cung Điện Moncloa ở Madrid, ngày 11/10/2017. (AP Photo/Paul White)
Thủ Tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đọc diễn văn tại Cung Điện Moncloa ở Madrid, ngày 11/10/2017. (AP Photo/Paul White)

Thủ Tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy hôm 11/10 đưa ra bước đầu tiên để đình chỉ quy chế tự trị chính trị cho Catalonia, để áp đặt quyền cai trị trực tiếp tại đây hầu phá vỡ phong trào đòi độc lập cho Catalonia, tách ra khỏi Tây Ban Nha.

Ông Rajoy đòi chính quyền khu vực xác đinh liệu Catalonia có đơn phương tuyên bố độc lập hay không, sau bài diễn văn của Thủ Hiến Carles Puigdemont vào đêm hôm trước, thứ Ba 10/10.

Lời yêu cầu chính thức của Thủ Tướng Rajoy là bước cần thiết trước khi khởi động Điều 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha, cho phép Madrid đình chỉ quy chế tự trị chính trị của khu vực.

Động thái này có thể đào sâu hơn nữa sự đối đầu giữa Madrid và Catalonia, nhưng cũng là một tín hiệu chỉ ra một lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị được đánh giá là nghiêm trọng nhất ở Tây Ban Nha, kể từ sau cuộc đảo chính quân sự bất thành năm 1981.

Điều có khả năng xảy ra nhất là Thủ Tướng Rajoy sẽ kêu gọi một cuộc bầu cử sớm bất thường trong khu vực, sau khi khởi động cơ chế hiến pháp cho phép ông làm như vậy.

Trong một động thái có tính biểu tượng, Thủ Hiến Catalonia Carles Puigdemont tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha vào đêm thứ Ba, tuy nhiên ông đình chỉ tuyên bố này ngay lập tức và kêu gọi đàm phán với chính phủ ở Madrid.

Trong một bài diễn văn phát đi trên đài truyền hình ngay sau buổi họp để cân nhắc cách đáp ứng của chính phủ, Thủ Tướng Mariano Rajoy nói:

“Sáng hôm nay, nội các đã đồng ý chính thức yêu cầu chính quyền khu vực Catalonia hãy xác nhận liệu họ đã tuyên bố độc lập hay chưa, bất chấp những sự hoang mang có chủ ý về cách thi hành tuyên bố đó.”

Trong khi không đưa ra một thời hạn chót để chính quyền Catalonia phải hồi đáp, ông Rajoy nói: “Câu trả lời của Thủ Hiến Puigdemont sẽ quyết định những sự kiện xảy ra trong những ngày sắp tới.”

Hiện chưa rõ liệu và khi nào thì chính quyền Catalonia sẽ hồi đáp yêu cầu chính thức của Thủ Tướng Rajoy, tuy nhiên lãnh đạo Catalonia giờ đang đứng trước tình trạng tiến thoái lưỡng nan, theo các nhà phân tích chính trị.

Nếu ông Puigdemont xác nhận đã tuyên bố độc lập, chính phủ Tây Ban Nha sẽ khởi động Điều 155 Hiến pháp. Nếu ông nói ông không tuyên bố độc lập, thì đảng cực tả CUP có phần chắc sẽ rút lại sự ủng hộ dành cho chính phủ thiểu số của ông.

Antonio Barroso, Phó Giám Đốc công ty nghiên cứu Teneo Intelligence có trụ sở đặt ở London, nói:

“Ông Rajoy có hai mục tiêu: nếu Thủ Hiến Puigdemont vẫn lửng lơ mập mờ, thì phong trào ủng hộ độc lập sẽ càng lúc càng bị chia rẽ hơn. Nếu ông Puigdemont nhất quyết bảo vệ giải pháp độc lập, thì ông Rajoy sẽ khởi động Điều 155. Đàng nào thì các cuộc bầu cử sớm khu vực cũng sẽ diễn ra tại một thời điểm nào đó.”

Bác bỏ đàm phán

Trước đó nhiều người trông đợi Thủ Hiến Catalonia Carles Puigdemont đơn phương tuyên bố độc lập cho Catalonia hôm thứ Ba 10/10, sau khi chính quyền Catalonia nói 90% cư dân đã biểu quyết ủng hộ giải pháp tách ra khỏi Tây Ban Nha trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 1/10. Chính phủ Tây Ban Nha đã tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý này là bất hợp pháp giữa lúc đa số thành phần chống đối, tẩy chay không tham gia.

Madrid phản ứng giận dữ sau bài diễn văn của ông Puigdemont, nói rằng chính quyền Catalonia không thể hành động dựa trên kết quả cuộc biểu quyết đó.

“Không một ai, dù là ông Puigdemont hay bất cứ người nào khác, có thể thương thuyết, nếu không quay lại với nguyên tắc hợp pháp và dân chủ… Đàm phán phải diễn ra giữa những nhà dân chủ và chỉ trong khuôn khổ của luật pháp.”

Khởi động Điều 155 để giải tỏa cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất ở Tây Ban Nha trong 4 thập niên qua, có thể phá hoại triển vọng đạt được một giải pháp cho cuộc khủng hoảng, và khiến cho giải pháp này càng thêm xa vời.

Sáng thứ Tư 11/10, một người phát ngôn của chính quyền Catalonia nói nếu Madrid xúc tiến ý định đó, thì Catalonia sẽ tiến hành giải pháp đòi độc lập.

Thủ lãnh Đảng Xã hội Pedro Sanchez cho biết sẽ ủng hộ Thủ Tướng Rajoy nếu ông này khởi động Điều 155, ông còn cho biết đã thỏa thuận với Thủ Tướng Rajoy để khởi sự một chương trình cải cách hiến pháp nội trong 6 tháng để thảo luận làm cách nào Catalonia có thể thích ứng hơn như một phần thuộc lãnh thổ Tây Ban Nha.

Thị trường chứng khoán thở phào

Bài diễn văn của ông Puigdemont đã gây thất vọng cho giới ủng hộ giải pháp độc lập, hàng ngàn người theo dõi các diễn biến trên màn ảnh lớn bên ngoài tòa nhà quốc hội buồn bã ra về.

Tuy nhiên các thị trường tài chính thở phào nhẹ nhõm vì Catalonia đã tránh, không lập tức tuyên bố độc lập.

Ngay sau bài diễn văn của ông Puigdemont, chỉ số IBEX của Tây Ban Nha tăng tới 1,6%, vượt mức tăng của chỉ số STOXX 600 trên toàn Châu Âu, và lần lượt đẩy cao các chỉ số chứng khoán chủ yếu trên thế giới. Chỉ số ‘All-World’ gồm 47 nước của MSCI tăng cao kỷ lục.

Tại Bruxelles, nhiều người cũng thở phào nhẹ nhõm bởi vì nền kinh tế lớn thứ 4 của EU ít ra đã có thêm một chút thì giờ để mà ứng phó với cuộc khủng hoảng, dù cho một giải pháp chung cuộc hãy còn xa vời.

Cuộc khủng hoảng Catalonia đã gây những chia rẽ sâu xa trong khu vực cũng như trên toàn quốc. Các cuộc thăm dò thực hiện trước cuộc biểu quyết cho thấy một thiểu số khoảng 40% ủng hộ giải pháp độc lập.

Kết quả chung cuộc sẽ có những hậu quả rất lớn. Để mất Catalonia, một khu vực có ngôn ngữ và văn hóa riêng, có thể khiến Tây Ban Nha mất đi 1/5 tổng sản lượng kinh tế.

Một số tập đoàn công ty lớn đã dời trụ sở chính ra khỏi khu vục, và một số sẽ theo chân, trong trường hợp Catalonia tuyên bố độc lập.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG