Đường dẫn truy cập

Các nước Tây phương tìm cách ổn định tình hình Ukraina


Lãnh đạo đối lập Ukraina Oleg Tjagnibok (trái), Chủ tịch đảng đối lập Ukraina Udar, cựu vô địch quyền anh hạng nặng WBC Vitali Klitschko (thứ hai từ bên trái) trong cuộc hội đàm với trưởng ban chính sách đối ngoại EU Catherine Ashton tại Kiev, ngày 24/2/2014.
Lãnh đạo đối lập Ukraina Oleg Tjagnibok (trái), Chủ tịch đảng đối lập Ukraina Udar, cựu vô địch quyền anh hạng nặng WBC Vitali Klitschko (thứ hai từ bên trái) trong cuộc hội đàm với trưởng ban chính sách đối ngoại EU Catherine Ashton tại Kiev, ngày 24/2/2014.
Các nước Tây phương đang chung sức để cung cấp một kế hoạch viện trợ tài chánh nhằm giúp Ukraina thoát khỏi vụ khủng hoảng chính trị và kinh tế. Nỗ lực này được thực hiện sau khi Nga tạm ngưng kế hoạch cho Ukraina vay 15 tỉ đô la sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ. Theo tường thuật của thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA, Hoa Kỳ nằm trong số các nước hứa cung cấp viện trợ khẩn cấp cho Ukraina.

Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev hôm thứ hai nói rằng khoản tiền 2 tỉ đô la trong kế hoạch cứu nguy Ukraina đang ở trong “tình trạng sẵn sàng” và Moscow sẽ quyết định về việc có giải ngân hay không sau khi Ukraina có chính phủ mới.

"Điều này sẽ tùy thuộc vào việc những người nào là những nhân vật chịu trách nhiệm, bởi vì đây là một khoản tiền rất lớn. Khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế hoặc những định chế có trách nhiệm khác cung cấp sự hỗ trợ, họ đặt ra những điều kiện và đòi biết về các đối tác của họ. Chúng tôi cũng vậy."

Đại sứ Ukraina tại Liên hiệp quốc Yuriy Sergeyev hôm qua nói rằng tình trạng của nước ông trên thực tế xấu hơn tình trạng mà chính phủ trước đây đã thừa nhận, và bên cạnh khoản cho vay của Nga, Ukraina còn cần tới sự viện trợ tài chánh của Liên hiệp Châu Âu.

"Trước tiên, để phục hồi ngay sau vụ khủng hoảng này chúng tôi phải làm hết sức mình để xây dựng một môi trường nhằm khuyến khích các nhà đầu tư quốc tế và các nhà đầu tư quốc nội quay lại đầu tư. Việc thứ nhì là chúng tôi phải thực hiện lại cuộc điều đình với Quỹ Tiền tệ Quốc tế mà chính phủ trước đã quyết định đình chỉ."

Các nhà lãnh đạo lâm thời Ukraina cho biết nước họ cần 35 tỉ đô la trong hai năm tới để tránh bị vỡ nợ. Cộng đồng quốc tế e rằng quốc gia thiếu thốn tiền bạc này có thể bị tan rã nếu không có sự trợ giúp khẩn cấp. Ngoại trưởng Anh William Hague đã đề cập tới vấn đề này trong phiên họp của quốc hội hôm thứ hai.

"Tình hình tài chánh của Ukraina rất đỗi nghiêm trọng, và có thể sẽ không duy trì được nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Một vụ khủng hoảng kinh tế ở Ukraina sẽ là một mối đe dọa cực kỳ nghiêm trọng đối với sự ổn định của nước này và sẽ có những hậu quả tai hại trên một phạm vi rộng lớn hơn."

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết các nước đang bàn thảo về việc tổ chức một hộïi nghị của các quốc gia và tổ chức cấp viện.

Tại Washington, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jay Carney nói rằng Hoa Kỳ sẽ làm việc với các đối tác quốc tế để giúp ổn định nền kinh tế Ukraina.

"Sự hỗ trợ này có thể tiếp sức cho một chương trình của Quỹ Tiền tệ Quốc tế qua việc giúp cho các biện pháp cải cách dễ thực hiện hơn và bằng cách làm cho Ukraina có thể đầu tư nhiều hơn vào y tế và giáo dục để góp phần phát triển nguồn vốn nhân lực của Ukraina và tăng cường hệ thống an sinh xã hội của họ. Vì vậy, chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác quốc tế để hỗ trợ cho một chương trình của Quỹ Tiền tệ Quốc tế."

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên hiệp Châu Âu, bà Catherine Ashton, hôm thứ hai đã tới Kyiv để thảo luận về những biện pháp khẩn cấp nhằm vực dậy nền kinh tế Ukraina. Liên hiệp Châu Âu hô hào cho việc thành lập một tân chính phủ bao gồm nhiều thành phần và tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ tại Ukraina.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG