Đường dẫn truy cập

Ukraina chuẩn bị bầu cử để chọn người thay tổng thống bị lật đổ


Một người biểu tình cầm cờ Liên hiệp châu Âu trước nhà của Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych ở Mazhyhirya cách thủ đô Kyiv khoảng 20 kilomet về hướng bắc
Một người biểu tình cầm cờ Liên hiệp châu Âu trước nhà của Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych ở Mazhyhirya cách thủ đô Kyiv khoảng 20 kilomet về hướng bắc

Diễn biến quan trọng ở Ukraina từ tháng 11 năm 2013

Diễn biến quan trọng ở Ukraina từ tháng 11 năm 2013

2013

21-11: Ukraina đình chỉ kế hoạch ký hiệp định gia nhập Liên Hiệp Châu Âu
30-11: Cảnh sát chống bạo loạn trấn áp những người biểu tình chống chính phủ tại Kyiv
17-12: Nga đề nghị cung cấp 15 tỉ đô la trong các khoản cho vay và hạ giá khí đốt

2014

16-01: Quốc hội Ukraina thông qua dự luất chống biểu tình
22-01: Các cuộc biểu tình lan rộng, hai người biểu tình bị bắn chết trong các vụ đụng độ tại Kyiv
29-01: Quốc hội chấp thuận dự luật ân xá những người biểu tình bị bắt nếu người biểu tình dời khỏi các tòa nhà bị chiếm.
16- 02: Những người biểu tình dời khỏi các tòa nhà chính phủ bị chiếm sau hai tháng
18-02: Cảnh sát tấn công các trại biểu tình, 18 người biểu tình và cảnh sát bị giết
20-02: Giao tranh nổ ra mặc dầu có việc loan báo đình chiến một ngày trước đó. Ít nhất 39 người thiệt mạng
21-02: Tổng thống Yanukovych loan báo bầu cử sớm sau các cuộc hội đàm do các nhà ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu đứng làm trung gian dàn xếp
22-02: Lãnh tụ đối lập Yulia Tymoshenko được trả tự do
23-02: Oleksandr Turchynov được chỉ định làm tổng thống lâm thời, chưa rõ ông Viktor Yanukovych ở đâu
24-02: Ukraina ban lệnh bắt giữ Tổng thống bị lật đổ Yanukovych
Chính phủ lâm thời Ukraina đã ra lệnh bắt giữ Tổng Thống bị lật đổ Viktor Yanukovych hôm thứ Hai, giữa lúc nước này chuẩn bị cho các cuộc bầu cử để thay thế ông.

Dường như không có ai biết ông Yanukovych bây giờ đang ở đâu, nhưng chính phủ lâm thời đang truy lùng ông. Vị Tổng Thống bị lật đổ xuất hiện lần chót trước công chúng hôm thứ Bảy tại một đài truyền hình ở Đông Ukraina, cứ địa chính trị của ông, và có tin tường thuật rằng ông đã tìm cách trốn ra khỏi nước.

Tuy nhiên trong khi một số người tại khu vực vừa kể của Ukraina xuống đường để bày tỏ sự ủng hộ của họ, không một ai ở thủ đô Kyiv trông đợi ông Yanukovych sẽ quay trở lại nơi này.

Từ hôm thứ Sáu, hàng chục dân biểu quốc hội thuộc chính đảng của ông Yanukovych đã bỏ phiếu với phe đối lập khi quốc hội biểu quyết lật đổ ông ra khỏi vị thế cầm quyền.

Quốc hội Ukraina đã bầu một Tổng Thống lâm thời, ông này muốn thành lập tân chính phủ trễ nhất là vào ngày thứ Ba, để cai trị đất nước cho tới khi diễn ra một cuộc bầu cử Tổng Thống mới, đã được ấn định cho tháng Năm.

Nhà nghiên cứu các vấn đề Ukraina và cũng là nhà phân tích chính trị Valerii Pekar, nói những gì xảy ra mới đây tượng trưng cho động thái của Ukraina rốt cuộc sẽ cắt đứt quan hệ với quá khứ Xô-viết của mình. Bà nói:

“Chúng tôi gọi đây là một chính phủ tín nhiệm quốc gia”, bởi vì một chính phủ chuyển tiếp sẽ duy trì sự tồn tại của quốc gia trong thời gian dẫn tới các cuộc bầu cử tự do, minh bạch, là điều mà chúng tôi cần có.”

Chính phủ lâm thời và chính phủ kế nhiệm sau này sẽ có rất nhiều việc phải làm để giải quyết những vấn đề tồn đọng đã từ lâu. Rất nhiều người muốn truy tố Tổng Thống Yanukovych về những cái chết hồi tuần trước trong một chiến dịch đàn áp thất bại do cảnh sát thực hiện chống những người biểu tình.

Họ muốn nhiều người hơn phải chịu trách nhiệm về các vụ đàn áp, nạn tham nhũng và những sai phạm khác.

Tại Hội Ân xá Quốc Tế ở London, nhà nghiên cứu về Ukraina, bà Heather McGill nói rằng đó là một số trong những vấn đề dẫn tới nỗi bất mãn đã sôi sục trong 3 tháng biểu tình phản đối, lên tới đỉnh điểm hồi tuần trước. Bà nói:

“Đó là một vấn đề đã không được giải quyết bởi nhiều chính phủ liên tiếp, vấn đề nằm ở chỗ cảnh sát vi phạm các quyền con người đã không bị truy tố, đơn khiếu nại do các nạn nhân đệ lên không được điều tra đầy đủ theo các chuẩn mực quốc tế.”

Trong cùng ngày, khía cạnh địa chính trị trong tiến trình chuyển tiếp tại Ukraina cũng được nêu bật.

Nga triệu hồi Đại sứ nước này ra khỏi Kyiv để tham khảo ý kiến, Moscow miêu tả những thay đổi tại Ukraina là một cuộc tiếm quyền, sử dụng “các phương pháp khủng bố.” Thủ Tướng Nga Dmitry Medvedev gọi những sự thay đổi ở Ukraina là “một cuộc nổi loạn có vũ trang”, và bày tỏ nghi vấn về tính chính đáng của chính quyền chuyển tiếp.

Trong khi đó, Liên hiệp Âu Châu gửi nhân vật đứng đầu chính sách đối ngoại của khối này tới thăm Kyiv, và nhiều quốc gia khác đã ra dấu hiệu cho thấy họ có thể cung cấp viện trợ tài chính cho Ukraina, một người phát ngôn của EU nói khối này sẽ thảo luận một hiệp định thương mại và đầu tư đã bị nhà lãnh đạo Ukraina bị lật đổ hủy bỏ, sau khi Tổng Thống mới được bầu lên vào tháng Năm.

Ngoài ra, một tướng lãnh hàng đầu của Nga và vị tướng lãnh đối nhiệm thuộc lực lượng NATO cũng thảo luận vấn đề Ukraina trong một cuộc điện đàm, tuy nhiên chưa có chi tiết nào được cung cấp.

Hiện đang có nhiều lo ngại rằng Nga có thể can thiệp quân sự để duy trì ảnh hưởng truyền thống của họ ở Ukraina, một điều có khả năng xảy ra mà các giới chức Tây phương đã khuyến cáo chớ nên để xảy ra.

Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ cũng tới Kyiv hôm nay để tham gia các cuộc thảo luân vào ngày mai, Thứ Ba. Các giới chức nói Hoa Kỳ muốn tình hình ổn định trở lại và muốn thấy một chính quyền lâm thời ổn định, bao gồm nhiều thành phần, một chính quyền kỹ trị tại Ukraina, tiếp theo sau là các cuộc bầu cử tự do sẽ không khơi dậy một cuộc xung đột kiểu Chiến tranh Lạnh giữa Nga với các nước phương Tây.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG