Đường dẫn truy cập

Hồ sơ Bin Laden và cuộc chiến chống khủng bố


Osama bin Laden.
Osama bin Laden.

Osama Bin Laden chủ mưu toàn bộ cuộc tấn công của nhóm khủng bố al-Qaeda vào nước Mỹ ngày 11 tháng 9 năm 2001, cách đây gần đúng 20 năm. Hai tháng sau đó, chính quyền Taliban bị Mỹ và đồng minh lật đổ tháng 12 năm 2001. Gần 10 năm sau, Bin Laden bị biệt kích SEALs của Mỹ vào tận nhà giết chết. Mười năm sau nữa, Taliban trở lại Kabul cầm quyền.

Lịch sử thế giới có những khúc quanh, ngã rẽ (twist and turn) không thể nào ngờ được.

Cũng xin nhắc lại rằng gần 10 năm sau khi lật đổ Taliban tại Afghanistan, cuộc truy lùng tung tích của Bin Laden vẫn chưa đạt kết quả. Công lý cho nước Mỹ, nhất là 2,977 nạn nhân trực tiếp, và gia đình của họ, vẫn chưa hoàn thành. Nhưng vào ngày 1 tháng 5 năm 2011, cựu Tổng thống Barrack Obama chính thức công bố “công lý đã hoàn tất” (justice has been done) sau khi “Operation Neptune Spear” do biệt kích SEALs của Mỹ đột nhập và tiêu diệt Bin Laden.

Ngoài việc lấy xác của Bin Laden, toán SEALs của Mỹ đã đem về toàn bộ những tài liệu có thể lấy được từ căn nhà Bin Laden ở những năm cuối đời tại thành phố Abbottabad tại Pakistan. Những năm sau đó, chính quyền Mỹ đã giải mật một số tài liệu, nhưng phần lớn còn lại vẫn nằm trong tầm kiểm soát độc quyền của cộng đồng tình báo Mỹ.

Nelly Lahoud, một thành viên cao cấp của Chương trình An ninh Quốc tế tại New America, cho biết rằng vào tháng 11 năm 2017, cơ quan tình báo CIA đã giải mật thêm 470.000 hồ sơ kỹ thuật số, bao gồm âm thanh, hình ảnh, video và văn bản. Với sự giúp đỡ của hai trợ lý nghiên cứu, Lahoud đã nghiên cứu hơn 96.000 tập trong số đó, bao gồm gần 6.000 trang văn bản tiếng Ả Rập. Đây là hồ sơ liên lạc nội bộ của al-Qaeda từ năm 2000 đến năm 2011, mà Lahoud đã dành ba năm qua để phân tích. Lahoud đặc biệt chú ý đến tập hồ sơ dầy 220 trang, chứa đựng những trao đổi giữa những người thân quen nhất trong gia đình Bin Laden trong căn nhà đó trong hai tháng cuối đời của Bin Laden.

Bài viết “Thành công thảm khốc của Bin Laden” (Bin Laden’s Catastrophic Success) của Lahoud trên tạp chí Foreign Affairs, số tháng 9/10 sắp tới, chia sẻ thật nhiều điều vô cùng lạ lùng về con người Bin Laden, từ cuộc nghiên cứu những tài liệu gốc nói trên, đặc biệt từ những thư từ mà Bin Laden trao đổi với thuộc cấp và các nhóm khác. Lahoud biện luận al-Qaeda đã thay đổi thế giới, nhưng không theo cách mà họ mong đợi.

Xin tóm lược ba điều chính trong bài viết của Lahoud: Một, về con người Bin Laden; Hai, về mối quan hệ giữa al-Qaeda với Iran; Ba, về al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo.

Về con người Bin Laden

Những thư từ trao đổi mật giữa Bin Laden và các lãnh đạo hàng đầu của al-Qaeda cho thấy được nhiều khía cạnh về con người này. Lắm khi khá lý tưởng, nói đúng hơn là, ảo tưởng. Chẳng hạn, Bin Laden đã có ý tưởng tấn công Mỹ trong nhiều thập niên. Mãi về sau, Bin Laden mới cho gia đình mình biết ý tưởng đó nhen nhúm từ năm 1986, rằng lúc đó Bin Laden đề nghị những người chiến đấu vì đạo Hồi, những kẻ thánh chiến (jihadis), “phải tấn công bên trong nước Mỹ” để giải quyết hoàn cảnh của người Palestine, vì Bin Laden nghĩ rằng chính sự hỗ trợ của Mỹ đã cho phép thành lập nhà nước Israel trên đất Palestine. Rộng hơn, trong cái nhìn của Bin Laden, cộng đồng Hồi giáo khắp nơi đều là “những nạn nhân tập thể của sự chiếm đóng và áp bức của thế lực bên ngoài”, chủ yếu bởi người Do Thái và người Mỹ. Bin Laden hy vọng rằng cuộc chiến tập thể này sẽ là bước đầu để xây dựng lại toàn thể cộng đồng Hồi giáo (the umma). Những niềm tin và ý đồ này đã biến thành hành động cụ thể bằng những cuộc tấn công của al-Qaeda vào Mỹ kể từ năm 1998 trở đi, cho đến điểm đỉnh là biến cố 11 tháng 9.

Về sự kiện 11 tháng 9, trong tập tài liệu Abbottabad (Abbottabad papers), bao gồm cả tài liệu do chính Bin Laden viết vào năm 2002, cho thấy Bin Laden đã nghĩ đến kế hoạch này vào cuối tháng 10 năm 2000. Bin Laden tin tưởng, vào lúc đó, rằng toàn bộ thế giới Hồi giáo phải chịu sự thống trị của các chế độ bôi nhọ [đạo Hồi] và sự bá quyền của Mỹ, cho nên mục tiêu của vụ tấn công 11/9 là nhằm ‘phá vỡ nỗi sợ hãi về thượng đế giả này và phá hủy huyền thoại về sự bất khả chiến bại của người Mỹ.’

Nhưng khi đọc kỹ tập tài liệu này, Lahoud khám phá rằng ‘tên khủng bố khét tiếng nhất thế giới không biết gì về giới hạn của chính mình’. Lahoud nhận định mặc dầu Bin Laden chứng tỏ hiểu biết về lịch sử Hồi giáo, đặc biệt là các chiến dịch quân sự vào thế kỷ thứ bảy của Nhà tiên tri Muhammad, Bin Laden chỉ hiểu một cách chiếu lệ về các mối quan hệ quốc tế hiện đại. Điều này thể hiện qua tầm nhìn cho kế hoạch tấn công Mỹ vào 11 tháng 9. Bin Laden tin rằng sau cuộc tấn công này, người dân Mỹ sẽ đổ xô xuống đường, giống như từng xảy ra trong suốt chiến tranh Việt Nam, để kêu gọi chính quyền Mỹ rút quân ra khỏi các quốc gia có phần lớn người theo đạo Hồi. Cũng vì ảo tưởng này, Bin Laden không hề dự trù được phản ứng của nước Mỹ, và chính quyền Mỹ. Khi liên minh cho Mỹ cầm đầu tấn công vào Afghanistan kể từ tháng 10 năm 2001 thì Bin Laden không có kế hoạch nào để bảo đảm sự tồn tại của tổ chức al-Qaeda của mình.

Al-Qaeda và Iran, và phái Sunni và Shia

Trong 10 năm ẩn trốn sự truy lùng của Mỹ, Bin Laden và tổ chức al-Qaeda, cũng như những người thân cận nhất của Bin Laden, đã bị dồn vào những tình thế có lúc gần như tuyệt vọng.

Ngoại trừ những người ôn hòa trong đạo Hồi, Sunni và Shia phần lớn xem nhau như dị giáo, hay tệ hơn, thù nghịch, đặc biệt là các lãnh đạo của họ. Bên nào cũng muốn chứng minh họ có chính nghĩa hơn, và lẽ ra phải là phía thừa kế quyền lực của Muhammad. Taliban ủng hộ và chứa chấp al-Qaeda trong thập niên 1980s và 1990s vì cùng quan điểm chính trị và nhất là cùng phái Sunni. Theo báo cáo tôn giáo về Afghanistan năm 2020 của Bộ Ngoại giao Mỹ, dù chưa có số liệu chính xác nhưng ước đoán khoảng 10-15%, còn lại chủ yếu là Sunni, và một số các tôn giáo thiểu số khác. Trong khi đó, Iran thì hoàn toàn khác. Theo báo cáo năm 2020 về tôn giáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Nhà nước Hồi giáo Iran, với 99.4% dân số theo đạo Hồi, nhưng nhánh Shia chiếm 90-95%. Những người theo Sunni tại Iran, đặc biệt những sắc tộc thiểu số, cũng bị đàn áp thô bạo. Trong mắt của lãnh đạo thần quyền (chính trị/tôn giáo) của Iran thì chỉ có thể cộng tác với al-Qaeda một số hoạt động nào đó có lợi chung, nhất là để làm suy yếu Mỹ và Do Thái, nhưng lãnh đạo Iran sẽ không bao giờ tin tưởng và cộng tác hết mực với al-Qaeda. Bài viết của Cole Bunzel “Tại sao lãnh đạo của al-Qaeda hiện diện tại Iran” (Why Are Al Qaeda Leaders in Iran?) vào tháng 2 năm 2021 trên Foreign Affairs đã phân tích sâu sắc về mối quan hệ lạ lùng này. Bunzel cũng sử dụng tài liệu và các khám phá của Lahoud.

Tập tài liệu Abbottabad cho thấy rõ quan điểm của Iran đối với al-Qaeda vào lúc đó. Sau khi Taliban bị lật đổ tại Afghanistan, lực lượng al-Qaeda trốn sang Pakistan thì bị chính quyền Pakistan bắt và giam giữ ở đó. Sợ chung số phận như tại Pakistan, vào đầu năm 2002, một số lãnh đạo al-Qaeda và gia đình của Bin Laden tìm cách âm thầm vào Iran, được sự yểm trợ của các chiến binh Sunni tại đây. Họ được các chiến binh Sunni tại Iran thuê mướn nhà dùng tài liệu giả. Nhưng đến cuối năm 2002, phần lớn đều bị chính quyền Iran bắt và giam giữ trong các tù mật nằm dưới lòng đất. Sau một thời gian, họ được đưa đến khu được bảo vệ nghiêm ngặt. Năm 2008, con trai Bin Laden là Saad đã trốn thoát khỏi Iran. Saad viết thư cho cha mình, nói lên thảm cảnh nhiều năm trời ở trong vòng kiểm soát của chế độ thần quyền Iran. Vợ của Saad có bầu sắp sinh nhưng đứa con đã chết trong bụng mẹ trước khi sinh. Trải qua kinh nghiệm này, Saad nhận định rằng Iran “Là những bậc thầy trong việc làm cho chúng ta mất hồn và lấy niềm vui trong việc tra tấn chúng ta về mặt tâm lý.” Một Thủ lĩnh thánh chiến Libya, Abu Uns al-Subayi, được Iran trả tự do năm 2010, viết cho Bin Laden rằng Iran là nơi Satan ngự trị vĩ đại nhất, đến độ Subayi thậm chí từng cầu xin Iran trục xuất anh ta đến “bất kỳ quốc gia nào khác, ngay cả với Do Thái”. Các báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ về nhân quyềntôn giáo trong năm 2020, hay trong suốt bao nhiêu thập niên qua, và của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ khác, đều diễn tả một chính sách đàn áp thô bạo, khủng khiếp và hệ thống tại quốc gia Iran này.

Điều đáng nói là Bin Laden hoàn toàn không biết về những điều xảy ra cho thành viên al-Qaeda và gia đình mình cho đến khi nhận được các thư từ, báo cáo của họ. Thật ra vì phải lánh nạn truy lùng của Mỹ nên tăm tích của Bin Laden không được mấy ai biết, ngay cả những người thân cận nhất, kể cả gia đình. Mãi đến năm 2004 thì Bin Laden mới có thể nối lại mối liên lạc với các thủ lĩnh số hai của al-Qaeda. Liền sau đó, Bin Laden nuôi giấc mộng tiếp tục tấn công Mỹ, giống như vụ tấn công 11 tháng 9, nhưng đã bị các thủ lĩnh của mình cho biết thực tế của al-Qaeda: đã bị tê liệt, và các hoạt động như vậy là điều không thể bàn đến lúc này. Tawfiq, thủ lĩnh số 2 của Bin Laden, viết vào năm 2004 than thở rằng:

“Sự vắng mặt [của Bin Laden] và thiếu khả năng trải nghiệm thực tế đau đớn [của họ] đã tự tạo nên tình trạng hỗn loạn. Những người Hồi giáo chúng ta đã bị ô uế, bị hạ bệ, và nhà nước của chúng ta đã bị xé toạc... Vùng đất của chúng ta đã bị chiếm đóng; tài nguyên của chúng ta đã bị cướp đoạt… Đây là những gì đã xảy ra với các chiến binh thánh chiến nói chung và với chúng ta trong al Qaeda nói riêng.”

Thủ lĩnh số 2 khác của Bin Laden, Khalid al-Habib, cho biết Pakistan đã tạo áp lực khủng khiếp lên thành phần thánh chiến, do đó các hoạt động nhằm tấn công vào kẻ thù ở ngoài nước đã ngưng lại. Thêm vào đó, Habib cũng cho Bin Laden biết rằng 90% những người khác trong Taliban hay từng ủng hộ Afghanistan đã bị bán đứng vì đồng tiền.

Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS/ISIS)

Tập tài liệu Abbottabad, cộng với sự kiểm chứng các diễn biến xảy ra tại Afghanistan, Pakistan, và nhất là Iraq, cho thấy mối quan hệ sâu sắc giữa Bin Laden của al-Qaeda và Abu Musab al-Zarqawi của ISIS. Nó bắt nguồn từ sau cuộc xâm chiếm của Mỹ tại Iraq. Lahoud biện luận rằng vào năm 2004, Zarqawi, chứ không phải Bin Laden, mới thực sự là thủ lĩnh của nhóm thánh chiến mạnh nhất thế giới. Nhưng Zarqawi cho biết sẵn sàng làm thuộc hạ của Bin Laden, và đưa nhóm của mình Jamaat al-Tawhid wal-Jihad hợp nhất với al-Qaeda. Cho nên mặc dầu trên thực tế, nhóm al-Qaeda cũ đã gần như bị tiêu diệt hay tan rã, nhưng chính Zarqawi đã giúp làm sống lại qua các hoạt động mới dưới danh nghĩa al-Qaeda. Sáng kiến và nỗ lực của Zarqawi cuối cùng đã thúc đẩy các nhóm thánh chiến ở Somalia, Yemen và Bắc Phi chính thức liên kết với al-Qaeda, bởi tất cả thấy được mục đích chung khi đứng dưới ô dù al-Qaeda.

Tuy nhiên, Bin Laden đã tính nhầm lần nữa, và mọi chuyện lại không xảy ra như ý muốn của Zarqawi và Bin Laden. Zarqawi đã thất bại trong việc thống nhất các nhóm thánh chiến tại Iraq dưới ngọn cờ của mình. Nhóm thánh chiến lâu đời nhất Ansar al-Sunna (còn được gọi là Ansar al-Islam) từ chối hợp nhất. Ngoài ra, vì Bin Laden không kiểm soát được các hoạt động và quyết định của Zarqawi, trong khi nhóm của Zarqawi tiếp tục có các cuộc tấn công bừa bãi, dẫn đến thương vong lớn cho người Iraq, đặc biệt là phái Shia. Trong khi đó, chủ trương của Bin Laden là muốn al-Qaeda gây tiếng vang và tạo chú ý bằng cách giết và làm tổn thương người Mỹ, chứ không phải thường dân Iraq, ngay cả khi họ là người Shia (các chiến binh thánh chiến phái Sunni xem Shia là dị giáo. Điều này cũng giải thích phần nào tư duy và hành động của Nhà nước thần quyền Iran đối với nhóm al-Qaeda tại Iran).

Vấn đề trở nên tồi tệ và bi quan hơn cho al-Qaeda sau khi Zarqawi bị Mỹ không kích, giết chết năm 2006. Lahoud cho biết những người kế nhiệm Zarqawi tự xưng là Nhà nước Hồi giáo Iraq (Islamic State Iraq/ISI), mà không hỏi ý kiến của Bin Laden, Zawahiri (Phó Thủ lĩnh của Bin Laden), hoặc bất kỳ nhân vật cấp cao nào khác của al-Qaeda.

Trong những năm cuối đời, theo nhận định của Lahoud, Bin Laden than thở rằng “những người anh em” của mình đã trở thành “gánh nặng” cho cuộc thánh chiến toàn cầu. Bin Laden than phiền rằng một số cuộc tấn công của họ đã dẫn đến “thương vong dân sự không cần thiết”. Tệ hơn nữa, Bin Laden tin rằng người Hồi giáo đã từ khước bởi những cuộc tấn công như vậy. Bin Laden kết luận thế hệ thánh chiến mới đã lạc lối.

Năm 2010, Nhà nước Hồi giáo Iraq ISI được đặt dưới sự lãnh đạo của một người Iraq tên Abu Bakr al-Baghdadi. Vào năm 2010-2011, Baghdadi đã mở ra một làn sóng tấn công khủng bố vào những người theo đạo Thiên Chúa giáo và người phái Shia ở Iraq. Zawahiri viết thư cho Bin Laden yêu cầu lãnh đạo ISI ngừng tấn công vào Shia bừa bãi, và chấm dứt tấn công vào người theo Thiên Chúa giáo, bởi vì theo Zawahiri, al-Qaeda đã có quá nhiều kẻ thù rồi, không cần thêm. Bin Laden, dù có muốn, cũng không còn bao nhiêu ảnh hưởng lên các nhóm này.

Từ năm 2011 đến 2013, nhóm ISI mở rộng tầm hoạt động lên Syria, tham dự trực tiếp vào cuộc nội chiến tại đây. Sau khi Bin Laden bị giết, Zawahiri lãnh đạo al-Qaeda, nhưng vào lúc này, IS/ISIS đã chiếm lĩnh gần như toàn bộ hoạt động của xu hướng thánh chiến Hồi giáo. Tháng 9 năm 2014, chính quyền Obama thành lập liên minh gồm 83 quốc gia “để làm suy yếu và cuối cùng đánh bại ISIS”. Năm 2016, ISIS bắt đầu sụp đổ. Baghdadi từ chối chiến lược chiến đấu từ trong bóng tối của Bin Laden để ủng hộ việc xây dựng đế chế và đã tìm cách thay thế Bin Laden trở thành bộ mặt của chủ nghĩa thánh chiến toàn cầu. Nhưng số phận của Baghdadi, tương tự như Bin Laden, bị Mỹ tấn công và đã tự sát vào tháng 10 năm 2019.

Giờ đây, Afghanistan trở thành trung tâm điểm của sự chú ý, bởi vì al-Qaeda, ISIS, và các nhóm khủng bố khác vẫn hoạt động tại đây. Vào tháng 2 năm 2020, Mỹ và Taliban đã đạt thỏa thuận trong đó Taliban hứa hẹn rằng “Sẽ ngăn chặn bất kỳ nhóm hoặc cá nhân nào, kể cả al-Qaeda, sử dụng đất của Afghanistan để đe dọa an ninh của Mỹ và các đồng minh”.

Liệu Taliban có giữ lời hứa này hay không thì hiện nay chưa rõ. Tập tài liệu Abbottabad cho Lahoud nhận định rằng không phải mọi thành viên Taliban đều nhìn al-Qaeda như nhau. Vào năm 2010, trong lá thư viết cho Bin Laden, Zawahiri cho rằng Taliban ‘dường như đã “chuẩn bị tâm lý” để chấp nhận một thỏa thuận có thể khiến al-Qaeda bất lực’.

Taliban, cũng như mọi tổ chức khác, có nhiều phe nhóm, bè phái trong đó. Nạn bè phái của Taliban vừa là lợi điểm vừa là điều nhức đầu cho Mỹ. Nhưng nó cũng là vấn đề cho cả các nhóm khủng bố muốn hoạt động tại Afghanistan. Lahoud cho rằng ngay cả khi được sự thông cảm hoàn toàn của Taliban thì cũng không có gì bảo đảm sự an toàn của các nhóm khác tại đây. Bin Laden và al-Qaeda học được bài học đắt giá này. Còn Baghdadi thì học bài đắt giá khác, rằng kiểm soát lãnh thổ chiếm được thậm chí còn khó hơn. Hiện tại các nhóm khủng bố al-Qaeda và ISIS vẫn hiện diện khắp nơi, nhưng những gì diễn ra trong hai thập niên qua cho thấy các nhóm thánh chiến đạt rất ít so với những gì họ mong đợi. Lahoud kết luận: “Họ có cơ hội đạt được cuộc sống vĩnh cửu trong thiên đường nhiều hơn so với việc làm lụn bại Mỹ”.

Tác phẩm của Lahoud với tựa đề “Tài liệu Bin Laden” (The Bin Laden Papers), đi sâu vào các chi tiết này, sắp sửa được ra mắt trong những ngày tới.

Vài suy nghĩ sau kết

Những gì Lahoud viết trong bài này, và tác phẩm này, chắc chắn soi sáng về nhiều khía cạnh liên quan đến các nhóm khủng bố nhắm vào Mỹ như al-Qaeda và ISIS, và phần nào đó Taliban. Giới tình báo Mỹ có đầy đủ tài liệu và thông tin hơn Lahoud, và chắc hẳn có sự đánh giá sát thực, đầy đủ và toàn diện hơn. Câu hỏi tại sao họ tiên đoán sai về sự tiến chiếm cực nhanh của Taliban vào Kabul trong 10, 11 ngày thì chưa có câu trả lời. Tuy nhiên, với những thông tin trước mặt, tôi cho rằng sự thất bại nằm ở việc đánh giá Taliban quá thấp, nhất là khả năng vận động và ảnh hưởng của Taliban trên mạng xã hội; ngược lại, giới tình báo Mỹ lại đánh giá quá cao khả năng của thành phần lãnh đạo của Afghanistan, cũng như của Lực lượng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Afghanistan (ANDSF).

Trước mắt, Mỹ đã rút quân khỏi Afghanistan, nhưng chưa ra khỏi vùng. Có thể đây là một chiến lược mới trong chính sách chống lại khủng bố toàn cầu, dồn các nguồn lực quan yếu cho các chiến lược ưu tiên của mình tại châu Á Thái Bình Dương, như đối phó với Trung Quốc và Nga. Các nhà nước thần quyền Hồi giáo hay thế tục tại Trung Đông, từ Iran, Iraq, Afghanistan, Pakistan, Saudi Arabia, Kuwait, Jordon, Syria v.v…, theo phái Sunni hay Shia, tự tranh giành ảnh hưởng và cân bằng quyền lực với nhau. Giả thuyết là Mỹ sẽ áp dụng chính sách nào cảnh báo, can thiệp hay trừng phạt khi đụng đến quyền lợi của nước Mỹ?

Rất có thể Mỹ đang rất tự tin về khả năng và tầm kiểm soát của mình đối với các nhóm khủng bố tại Afghanistan, trong vùng và trên thế giới. Mỹ đã rút tỉa nhiều kinh nghiệm và gia tăng khả năng đáng kể, về mặt tình báo và khả năng tấn công và tiêu diệt, trong cuộc chiến chống khủng bố. Phải chăng họ sẽ theo dõi sát sao và sẽ ra tay khi cần, nhưng sử dụng nguồn lực của mình cho các mục tiêu chiến lược ưu tiên?

Không biết Mỹ sẽ hành động ra sao trong thời gian tới. Nhưng đọc bài phát biểu của Tổng thống Joe Biden và trả lời báo chí của ông ngày 20 tháng 8 về cuộc rút quân của Mỹ làm cho tôi có vài cảm nghĩ như trên. Dù sao, điều cần nhớ là chính trị, và các vấn đề thế giới, thay đổi liên tục. Không ai có thể tiên đoán được gì, kể cả Tổng thống Biden hay cộng đồng tình báo Mỹ vào lúc này. Những chính sách và hành động của quốc gia phải dựa trên thực tế để có hành động thực tiễn và hiệu quả. Nhưng các nghiên cứu của Lahoud quả thật là hữu ích cho sự hiểu biết của công chúng, nhất là những gì đang diễn ra tại Afghanistan hiện nay. Những tài liệu mật và các đánh giá của cộng đồng tình báo Mỹ thường mất nhiều thập niên để giải mật, nên có giá trị lịch sử nhiều hơn là cho sự hiểu biết của công chúng.

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG