Đường dẫn truy cập

Ban giám sát Facebook có thực quyền hay chỉ là trò hỏa mù?


Logo của Facebook được hiển thị ở Quảng trường Thời Đại, New York, Mỹ.
Logo của Facebook được hiển thị ở Quảng trường Thời Đại, New York, Mỹ.

Ban giám sát của Facebook hôm thứ Tư 5/5 đưa ra quyết định là hãng này vẫn tiếp tục khóa tài khoản của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cùng lúc, ban này cũng có một số lời lẽ gay gắt dành cho chính Facebook. Trong quyết định của mình, ban giám sát viết rằng: “Với việc áp dụng một hình phạt mập mờ, không theo tiêu chuẩn nào và sau đó chuyển trường hợp này lên Ban để giải quyết, Facebook tìm cách trốn tránh trách nhiệm của họ”.

Nhưng những người chỉ trích không tin rằng quyết định của ban giám sát cũng đồng nghĩa là đã có một chiến thắng về mặt trách nhiệm giải trình.

Trên thực tế, nhiều người cho rằng việc ban này chỉ tập trung vào vấn đề nội dung xảy ra một lần hiếm hoi là không đủ, chưa xử lý được các vấn đề sâu xa hơn như sức mạnh cực lớn của Facebook, các thuật toán mờ ám của hãng có thể khuếch đại sự thù ghét và thông tin sai lệch, cũng như các câu hỏi gay gắt và phức tạp hơn về các quy định của chính phủ.

Ông Rashad Robinson, chủ tịch tổ chức thúc đẩy quyền dân sự Color Of Change, một người lâu nay vẫn chỉ trích Facebook, phát biểu: “Nói về ông Donald Trump dễ hơn nhiều so với nói về việc kinh doanh của Facebook. Họ muốn làm cho chúng ta cứ tiếp tục bàn tán về cái nội dung này hoặc cái nội dung khác, rằng đây là chuyện về quyền tự do ngôn luận chứ không phải là chuyện về các thuật toán khuếch đại một số loại nội dung nhất định, không liên quan gì đến quyền tự do ngôn luận".

Ông Robinson cho rằng ban giám sát chính là "một chiêu tung hỏa mù để tránh né các hành động pháp lý".

Phải sau nhiều tháng cân nhắc và công chúng đã viết ra gần 10.000 ý kiến về vấn đề này, ban giám sát của Facebook mới đưa ra quyết định về tài khoản của ông Trump. Trong quyết định này, ban giám sát đề nghị Facebook nêu rõ thời gian tạm khóa tài khoản của ông sẽ kéo dài bao lâu.

Ban giám sát cho rằng lệnh cấm "vô thời hạn" đối với ông Trump là không hợp lý. Quyết định của ban cho Facebook có 6 tháng để thực hiện. Về mặt hiệu lực, quyết định này cũng trì hoãn khả năng khôi phục tài khoản của ông Trump ở thời điểm hiện tại, và hoàn toàn đá quả bóng trách nhiệm về việc đưa ra quyết định trở lại cho Facebook.

Ông Trump tiếp tục bị cấm trên Facebook.
Ông Trump tiếp tục bị cấm trên Facebook.

Bà Yael Eisenstat, một cựu nhân viên CIA, từng làm việc cho Facebook trong 6 tháng hồi năm 2018, nói: “Họ chọn đúng chiến thuật”. Bà Eisenstat từng nắm cương vị là người quản lý toàn cầu của Facebook về đảm bảo tính chính trực của bầu cử trong các quảng cáo chính trị, và hiện bà là nhà nghiên cứu tại Betalab.

Theo bà Eisenstat, việc thu hút sự chú ý vào quy trình làm việc của ban giám sát mang lại đúng kết quả mà Facebook mong muốn. Bà nói: “Chúng ta dành nhiều thời gian, sự chú ý và công sức của mình cho chuyện khác mà quên mất cuộc thảo luận quan trọng hơn về việc làm thế nào để Facebook phải chịu trách nhiệm về các công cụ, thiết kế và quyết định kinh doanh của họ, là những cái đã giúp truyền bá các thuyết âm mưu nguy hiểm”.

Facebook tuyên bố họ đã công khai rõ ràng rằng ban giám sát không phải là một thứ thay thế cho các quy định.

“Chúng tôi đã thành lập Ban Giám sát độc lập để áp dụng trách nhiệm giải trình và giám sát các hành động của chúng tôi”, hãng nói trong một tuyên bố. “Đây là lần đầu tiên trên thế giới có một ban như thế này: Đây là một tổ chức độc lập do các chuyên gia lãnh đạo và có quyền đưa ra các quyết định mang tính ràng buộc đối với một công ty truyền thông xã hội tư nhân”.

Nhưng những người chỉ trích Facebook có một nguồn cơn lớn để quan ngại: Ban giám sát đã cho biết rằng Facebook đã từ chối trả lời các câu hỏi chi tiết về chuyện các tính năng kỹ thuật và mô hình kinh doanh dựa trên quảng cáo của hãng cũng có thể khuếch đại chủ nghĩa cực đoan ra sao.

Tổ chức giám sát có tên Public Citizen nói rằng thật đáng lo ngại khi Facebook từ chối cho biết phần hiển thị tin tức của họ có ảnh hưởng như thế nào đến khả năng hiển thị các bài đăng của ông Trump, đó là một ví dụ.

Ông Robert Weissman, chủ tịch của Public Citizen, nói: “Không phải ai cũng nhìn thấy bất kỳ bài đăng riêng lẻ nào, như vậy, các thuật toán quyết định ai sẽ xem nó, cách họ nhìn thấy nó, và Facebook có lẽ có tất cả các loại thông tin về mức độ tương tác”. Ông Weissman nói tiếp: “Facebook nợ tất cả chúng ta một cuộc mổ xẻ về cách thức mạng xã hội này được sử dụng và vận hành - liệu nó có khuếch đại những gì ông Trump đã phát biểu và góp phần vào cuộc bạo loạn hay không”.

Ngoài ra, còn có một sự lo lắng khác: Hành động của Facebook gây ra sự lan tỏa ở nước ngoài như thế nào. Ban giám sát cũng xem xét liệu các quyết định của Facebook có phải tuân theo các chuẩn mực nhân quyền quốc tế và các chính sách riêng của công ty hay không.

Chinmayi Arun, nhà nghiên cứu thuộc Dự án Xã hội Thông tin của Trường Luật Yale, nói: "Câu hỏi mà mọi người đang đặt ra là nếu Facebook đang ở trong một thị trường béo bở và phải đối mặt với một nhà lãnh đạo chính trị kích động bạo lực, liệu Facebook có chọn nhân quyền và an toàn cho con người bên trên cốt lõi kinh doanh của họ hay không? Rõ ràng là một cựu tổng thống Mỹ không phải là nhà lãnh đạo thế giới duy nhất bị coi là kích động bạo lực”.

Ông Trump bị Facebook quy trách nhiệm đã cổ súy các ủng hộ viên tràn vào Điện Capitol hôm 6/1.
Ông Trump bị Facebook quy trách nhiệm đã cổ súy các ủng hộ viên tràn vào Điện Capitol hôm 6/1.

Facebook đã lập ra ban giám sát để phán quyết các vấn đề nội dung hóc búa sau những chỉ trích ở khắp nơi về việc hãng này xử lý kém cỏi đối với các thông tin sai lệch, các phát ngôn thù hận và các chiến dịch gây ảnh hưởng bất chính trên Facebook. Quyết định về ông Trump là quyết định thứ 10 của ban giám sát kể từ khi ban bắt đầu tiếp nhận các vụ việc vào cuối năm ngoái. 9 quyết định trước đây của ban có xu hướng ủng hộ quyền tự do ngôn luận hơn là hạn chế nội dung.

Facebook trả tiền cho ban giám sát thông qua một “quỹ tín thác độc lập”. Trong số 20 thành viên của ban, mà sau này sẽ tăng lên thành 40, có một cựu thủ tướng Đan Mạch, cựu tổng biên tập của tờ Guardian, cùng các học giả chuyên ngành pháp lý, chuyên gia nhân quyền và các nhà báo. 4 thành viên đầu tiên của ban do Facebook trực tiếp lựa chọn. 4 người đó tiếp đến đã làm việc cùng Facebook để chọn các thành viên bổ sung.

Những người chỉ trích Facebook được nhiều người biết tiếng nhất – bao gồm các nhà nghiên cứu về thông tin sai lệch, các học giả và nhà hoạt động – đều không có mặt trong ban.

Ông Robinson thuộc Color Of Change nói: “Đây là những người rất thông minh và có năng lực tham gia vào ban giám sát”. Tuy nhiên, ông cho rằng “ban giám sát là một nhóm các chuyên gia tư vấn của Mark Zuckerberg. Anh ta thuê họ, anh ta trả tiền cho họ và anh ta có thể loại bỏ họ nếu anh ta muốn”.

Người phát ngôn của ban giám sát Dex Hunter-Torricke kêu gọi những người chỉ trích hãy đánh giá về ban dựa vào các quyết định mà ban đưa ra.

Hunter-Torricke, người trước đây chuyên viết diễn văn cho Tổng Giám đốc của Facebook Mark Zuckerberg, nói: “Đây không phải là một nhóm người cảm thấy có bất kỳ nghĩa vụ nào phải nương tay đối với công ty”. Ông nói thêm rằng trong quyết định hôm 5/5, “ban giám sát đã nói rất rõ ràng rằng Facebook cũng như ông Trump đều đã vi phạm các quy tắc và điều đó là không phù hợp”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG