Đường dẫn truy cập

Các nan giải của truyền thông xã hội


Twitter lẫn Facebook đều viện dẫn lý do khóa tài khoản ông Trump vì có đăng nội dung kích động bạo lực. 
Twitter lẫn Facebook đều viện dẫn lý do khóa tài khoản ông Trump vì có đăng nội dung kích động bạo lực. 

Sau vụ nổi loạn tại Điện Capitol vào ngày 6 tháng Giêng năm 2021, một loạt các mạng xã hội, bao gồm cả Facebook và Twitter, đã hạn chế tương tác, thậm chí khóa tài khoản của ông Trump, có thể vĩnh viễn.

Twitter lẫn Facebook đều viện dẫn lý do khóa tài khoản ông Trump vì có đăng nội dung kích động bạo lực.

Quyết định này đã gây nhiều tranh cãi gay gắt về tự do ngôn luận tại Mỹ và khắp nơi, trong đó có người Việt.

Những người phản đối quyết định này cho rằng, Big Tech, tức những công ty công nghệ lớn như Twitter và Facebook, đã hành xử không khác gì bịt miệng ông Trump (1); đã kiểm duyệt và bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận của ông. Họ còn cho rằng đây là sự vi phạm quyền tự do ngôn luận, được ghi trong Tu Chánh Án 1, của Hiến Pháp Mỹ (2).

Nhiều người theo đảng Cộng hòa, hay những người ủng hộ ông Trump, phần lớn có vẻ đồng tình với quan điểm này.

Những người ủng hộ quyết định của Facebook hay Twitter thì cho rằng, các công ty này có quyền hợp pháp để quyết định như thế. Họ biện luận: Tu Chánh Án 1 không cho phép một ai có quyền trên một diễn đàn nào đó, đặc biệt diễn đàn đó thuộc sở hữu của các thực thể tư nhân (private entities). Nó cũng bảo vệ các thực thể này trong việc chọn lựa họ muốn nói gì hay nghe gì v.v…

Nhiều người chống Trump, hay theo đảng Dân chủ, phần lớn đồng tình với quan điểm này.

Những người ủng hộ quan điểm này biện luận thêm rằng, đây là một quyết định đúng đắn và cần thiết để ngăn ngừa những sự cực đoan, quá khích, nhất là các phần tử kích động bạo lực. Cuộc khủng bố bắn giết hàng loạt người tại Christchurch, New Zealand vào ngày 15 tháng Ba năm 2019 và được trình chiếu trực tuyến đã thay đổi chính sách và hành động của Facebook, và các mạng xã hội khác. Nhưng các lời nói gây hận thù, kích động bạo lực, từ đó đến nay vẫn còn tiếp diễn. Từ Miến Điến, Ấn Độ, Ethiopia, các phát biểu hận thù (hate speech), nhất là từ những chính khách có ảnh hưởng, đã gây tác động đáng kể lên xã hội. Facebook hay Twitter trước đây vẫn ngần ngại trong quyết định xóa bỏ các bài này vì không muốn hạn chế tự do ngôn luận. Trong khi đó, Facebook lại nhượng bộ với các nhà nước chuyên chế xóa bỏ các bài có quan điểm đúng đắn, không hề sử dụng tin giả, nhưng lại phê bình chế độ cầm quyền, như tại Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ, Việt Nam, Phi, Brazil v.v…

Nói một cách khác, Facebook và các mạng truyền thông xã hội đã áp dụng tiêu chuẩn kép thay vì tôn trọng nguyên tắc bảo vệ tự do ngôn luận tối đa có thể. Facebook vẫn đối phó một cách tùy tiện, như trường hợp tại Thái Lan mà tôi từng viết trước đây. Tất nhiên, đây là sân chơi mà Facebook sở hữu, và họ có quyền làm như thế dựa trên sự thoả thuận giữa họ và người tiêu dùng. Tuy vậy, nếu Facebook không có chính sách rõ ràng, minh bạch và không công khai những hành động và báo cáo của họ, để áp dụng một cách đồng nhất, thì sẽ mất uy tín. Và mâu thuẫn. Facebook không chủ động để rồi đến sự kiện ông Trump xảy ra. Mark Zuckerberg công bố trên trang Facebook của mình rằng Facebook hành động như thế vì Trump “kích động nổi loạn bạo lực” để chống lại một chính quyền được bầu chọn dân chủ. Cũng cần nhắc lại rằng trước khi quyết định ngăn tài khoản của Trump, đối với các trường hợp tương tự, Facebook có khi quyết định hành động, có khi hoàn toàn không, và khi hành động thì cũng quá muộn màng, để rồi có những thiệt hại đáng tiếc xảy ra.

Hành động ngăn cấm tài khoản của ông Trump là cơ hội để chúng ta đặt ra các câu hỏi kế tiếp. Một, liệu Facebook hay các mạng xã hội có một chính sách đồng nhất, trong đó sẽ đề cao và tôn trọng quyền tự do ngôn luận tối đa có thể, nhưng vẫn ngăn ngừa được những phát biểu cực đoan, gây hận thù, kích động bạo lực hay không? Hai, nếu có một chính sách như thế, thì liệu Facebook và các mạng xã hội khác có khả năng áp dụng chính sách một cách đồng nhất như thế trong thể chế dân chủ, nửa dân chủ và độc tài hay không? (Hơn 2.7 tỷ người dùng, 90% nằm ngoài Mỹ, lại dùng bao loại ngôn ngữ khác nhau, thì đây quả là một thách thức vừa về lý tưởng vừa về kỹ thuật (3)). Ba, nếu Facebook có quyền và có thể ngăn cấm quyền tự do ngôn luận, như đã làm với ông Trump, hay các lãnh đạo chính trị khác, thì liệu quyền lực này có phải đi quá giới hạn cho phép của họ không? Hay họ có cần phải được quy định hóa (regulated), như các cơ quan truyền thông thông thường chịu sự quy định của pháp luật, nhằm buộc họ phải có trách nhiệm giải trình và nằm trong khuôn khổ pháp luật?

Xin mở ngoặc ở đây để nói về vấn đề kiểm duyệt. Chắc chắn Facebook hay các mạng xã hội khác không muốn kiểm duyệt. Lý do? Trong thể chế dân chủ, kiểm duyệt thật ra là công việc chẳng đặng đừng. Nó vừa trái nguyên tắc tự do ngôn luận, vừa tốn khá nhiều nhân, tài, lực để làm. Mà làm thì cũng không thể hoàn hảo. Và lại gây tranh cãi và chống đối. Nhưng các mạng xã hội không có sự chọn lựa gì khi người dùng đã lạm dụng nó để gây hận thù, kích động bạo lực, tuyên truyền thuyết âm mưu v.v… Với 2.7 tỷ tài khoản trên thế giới, và hàng tỷ bài đăng trên Facebook mỗi ngày, họ phải dùng đến thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence/AI) và hàng ngàn nhân viên khác nhau để kiểm duyệt. Nhưng cho dù như thế, họ cũng chỉ kiểm soát được 90% nội dung, phần còn lại phụ thuộc vào báo cáo của người dùng. 10% thiếu kiểm soát hoàn toàn cũng gây lắm trắc trở, thử thách hoặc tai họa.

Ngoài các vấn đề nêu trên, Facebook và các mạng xã hội là con dao hai lưỡi. Sử dụng nó đúng đắn, nó sẽ cho ra kết quả tích cực. Nếu chăm sóc nó như căn nhà của mình, tôn trọng sự khác biệt, thảo luận trên tinh thần tương kính, kiểm chứng thông tin và phải vô cùng thận trọng để không tuyên truyền hay phát tán thuyết âm mưu, thì không khí thảo/tranh luận sẽ tích cực. Và sẽ có thể cùng nhau bảo vệ tự do ngôn luận. Sử dụng nó bừa bãi và thiếu trách nhiệm, và nếu không cảnh giác, thì sẽ bị tuyên truyền và chỉ tiếp tay làm lợi cho kẻ phá hoại. Hơn nữa còn bị sa lầy hoặc mắc mưu, trở thành một cái chợ cãi nhau và chửi vả. Nó sẽ trở thành một đống rác khổng lồ và dần dần mất đi những người đứng đắn theo dõi. Thành phần dư luận viên biết khai dụng điều này, đã đành. Nhưng vô số người Việt khác cũng rơi vào cái bẫy này.

Trở lại, Facebook và các mạng xã hội khác hành xử bất nhất như thế vì lý do lợi nhuận. Họ là một công ty thương mại không hơn không kém. Lý do họ có thể bẻ cong nguyên tắc và giá trị cũng vì quyền lợi. Thuật toán (algorithm) chính của Facebook, Twitter, Youtube v.v… là liên tục đưa ra những tin tức, hình ảnh, phim ảnh, quan điểm thích hợp với mỗi người dùng. Mỗi chúng ta đều được cung cấp tin tức (newsfeed) khác nhau dựa trên sở thích và đặc tính của từng người mà họ đã thu thập được qua thời gian. Người nào thích tin giựt gân, tin giả thì càng được cung cấp các loại tin như thế, chẳng hạn. Nó làm cho người khác có cảm tưởng nếu tin tức đầy dẫy như thế thì phải là tin thật thôi. Không những thế, nó còn làm cho người ta bị cuốn hút, bị “ghiền”. Trên Google Search, Twitter, Youtube v.v… thì họ cũng dùng thuật toán tương tự. Bí mật này đã được phơi bày, và những ai muốn tìm hiểu thêm nên xem phim “The Social Dilemma” trên Netflix. Phim tài liệu này do chính những người từng giữ chức vụ quan trọng nhất trong các công ty này vạch trần về những tác hại khủng khiếp của nó. Bộ phim tài liệu “Thế nan giải xã hội” này đã góp phần gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự xâm nhập của công nghệ khai thác và thao túng dữ liệu vào đời sống xã hội của chúng ta và hơn thế nữa.

Chúng ta nhớ rằng, khi càng nhiều người xem và càng nhiều sự tương tác thì Facebook, và các mạng xã hội khác, càng có lợi về mặt quảng cáo. Người ta thích xem các tin tức giựt gân, đầy cảm tính hơn là những thông tin trung thực, đầy dữ liệu, nhưng lại nhàm chán. Con người dễ bị tuyên truyền là vậy. Nga, Trung Quốc, Epoch Times/Falun Gong, v.v… không xâm nhập (hack) Facebook, mà chỉ đơn thuần sử dụng các diễn đàn/phương tiện này để truyên truyền và tung tin giả. Giới tuyên truyền nói chung được hưởng lợi từ đó.

Các chế độ dân chủ lo ngại tác hại của truyền thông xã hội như là công cụ tuyên truyền để các thông tin sai lệch ngày càng làm người dân không thể phân biệt hư thật trong bầu cử, các vấn đề y tế/sức khỏe, giáo dục v.v…

Còn những chế độ chuyên chế thì vừa hưởng vừa lo. Với các thông tin trung thực gây sức ép lên chế độ, họ luôn tìm cách gây áp lực để Facebook phải kiểm duyệt, nếu không thì bị trừng phạt tiền hay bị dọa đóng cửa, như tại Thái Lan, Việt Nam và bao nước khác. Mặt khác, họ cũng được hưởng từ thông tin giả vì không ai giỏi hơn họ trong việc sử dụng nó để tuyên truyền và lung lạc sự hiểu biết của người dân.

Cũng vì các nguyên do này mà chính quyền khắp nơi, từ dân chủ đến độc tài, đều muốn quy định hóa/regularization, theo mục tiêu riêng của họ. Dân chủ thì muốn Facebook có trách nhiệm hơn, giảm thiểu tin giả, thuyết âm mưu hay các tiếng nói kích động hận thù, bạo lực. Chuyên chế thì muốn Facebook kiểm duyệt và ngăn ngừa để giảm thiểu các tiếng nói phê bình chế độ.

Quả là một thời đại vàng thau lẫn lộn. Cho nên nếu thiếu ý thức, quan tâm và chịu khó lắng nghe học hỏi, thì nhiều người sẽ trở thành nạn nhân của đám sương mù dối trá.

Nhưng vẫn còn có thể khai dụng các mạng truyền thông xã hội một cách tốt nhất có thể. Người sử dụng nên thể hiện tính cách đứng đắn đàng hoàng của mình, tôn trọng sự thật và tiếng nói khác biệt. Luôn cảnh giác các nguồn tin chưa kiểm chứng. Luôn nói không với các loại tin giả tin giựt gân, và dứt khoát không phát tán nó. Luôn tìm cách thảo luận và thuyết phục thay vì chửi rủa. Được như thế thì chúng ta sẽ cùng nhau tiến một bước trên mặt trận tự do ngôn luận. Nó là một trong những mục tiêu căn bản, nền tảng của dân chủ. Còn chuyện Facebook hay mạng xã hội khác thì cũng chỉ là phương tiện, không phải là cứu cánh.

Phạm Phú Khải

Úc châu, 22/01/2021

Chú thích:

1. Không thể ví điều này với việc bịt miệng ông Trump. Tổng thống có vô số các phương tiện khác nhau, qua họp báo hay các kênh truyền thông của Nhà Trắng mà ông có thể dùng. Quyết định này chỉ đơn thuần là ngăn chặn tiếng nói của ông Trump trên các diễn đàn/phương tiện này.

2. Tu Chánh Án số 1: Tạm dịch “Quốc hội sẽ không đưa ra luật nào tôn trọng việc thành lập tôn giáo, hoặc cấm thực hiện tự do tôn giáo; hoặc giới hạn quyền tự do ngôn luận, hoặc báo chí; hoặc quyền của người dân được tụ họp một cách hòa bình, và kiến nghị chính phủ giải quyết những bất bình.”

(Congress shall make no law respecting an establishment of religion, or prohibiting the free exercise thereof; or abridging the freedom of speech, or of the press; or the right of the people peaceably to assemble, and to petition the government for a redress of grievances.)

3. Facebook có ảnh hưởng lớn bởi vì số lượng người sử dụng nó nhiều hơn gấp bao lần các cơ quan truyền thông truyền thống.

Theo số liệu mới nhất thì Facebook hiện nay có đến 2.7 tỷ người sử dụng, trong đó 223 triệu tại Mỹ. Twitter có 190 triệu người dùng mỗi ngày. Trong khi đó, Fox News chỉ có 3.78 triệu người xem lúc cao điểm, và CNN 2.37 triệu người. The New York Times có 7 triệu người đăng ký báo. The Economist thì chỉ có 1.7 triệu.

Số lượng sử dụng càng nhiều thì sức ảnh hưởng càng lớn.

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG