Đường dẫn truy cập

Ba phụ nữ Việt vượt biên sang Úc lần hai


Ba phụ nữ Việt vượt biên sang Úc lần hai
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:21 0:00

Ba người phụ nữ từng vượt biên và bị Úc trục xuất về Việt Nam năm 2015, nay đang trên đường vượt biên lần nữa, quyết tâm thoát khỏi Việt Nam.

Từ Phú Yên, luật sư Võ An Đôn cho VOA biết ông đã nhận được tin ba người phụ nữ là Trần Thị Thanh Loan, Trần Thị Lụa và Trần Thị Phúc từ Bình Thuận đang vượt biên sang Úc hôm 31/1, tức Mùng 4 Tết. Hiện tại ghe chở họ đã qua khỏi lãnh hải Indonesia, tiến vào hải phận nước Úc. Luật sư Võ An Đôn nói:

“Sáng Mùng 1 Tết chị Loan và chị Lụa có gọi điện chúc Tết. Sau đó vào sáng Mùng 4 Tết, chị Loan và chị Lụa có gọi lần nữa, nói là các chị đang đi vượt biên từ Việt Nam qua Úc, nhưng vào thời điểm đó đang ở hải phận của Indonesia. Sau đó thì không liên lạc được nữa.”

Luật sư Võ An Đôn rất ngạc nhiên khi biết tin này vì trước đây ông từng là luật sư bào chữa miễn phí cho họ trước các phiên tòa xét vì tội “vượt biên trái phép” ở tỉnh Bình Thuận:

“Tôi bất ngờ. Qua sự việc này vì các chị rất can đảm. Từ Việt Nam qua Úc mênh mông sóng gió, rất nguy hiểm nhưng các chị vẫn quyết định đi. Qua cuộc nói chuyện ngắn gọn tôi hỏi tại sao lại đi vượt biên Úc lần nữa, lỡ có bị bắt lần nữa rồi trả về Việt Nam, bị án nặng lần nữa thì sao, cộng với bản án cũ thì có thể lên đến từ 7 đến 10 năm mà sao chị dám đi như thế? Hai chị trả lời rằng nếu chính phủ đợt này trả về Việt Nam thì nhất định không về và sẽ nhảy xuống biển tự tử.”

Theo Luật sư Đôn cả 3 gia đình này trước đây đã một lần vượt biên qua Úc và bị trả về Việt Nam tháng 7/2015. Ngày 22/4/2016, Tòa án tỉnh Bình Thuận phạt họ tổng cộng hơn 6 năm tù giam theo điều 275 về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”. Khi đó bà Trần Thị Thanh Loan bị tuyên 36 tháng tù giam, ông Hồ Trung Lợi (chồng chị Loan) 24 tháng tù giam, bà Trần Thị Lụa 30 tháng tù giam.

Luật sư Đôn cho biết ông Lợi đang chấp hành hình phạt tù được 20 tháng, còn bà Loan và bà Lụa được hoãn chấp hành hình phạt tù 1 năm, tức đến tháng 7/2017 thì mới chịu án tù.

Trước đây bà Trần Thị Lụa từng nói với truyền thông quốc tế rằng bà không can dự vào hành vi buôn người, bà chỉ tìm đường vượt biên để mưu cầu một cuộc sống tốt hơn cho gia đình.

Luật sư Đôn cho VOA biết gia đình bà Loan có 4 con nhỏ, nhưng không biết lần vượt biên này 4 người con của bà có cùng đi hay không, chỉ biết rằng cả 3 gia đình đang trên thuyền vượt biển:

“Tôi không biết chính xác, nhưng tại thời điểm nói chuyện qua điện thoại, chị Loan và chị Lụa nói là gia đình chị Loan, gia đình chị Lụa và gia đình của một chị trong chuyến đi lần trước cũng đi luôn, có cả con cái nhưng không biết bao nhiêu người.”

Theo Dân Luận, bà Shira Sebban, nhà văn và giáo sư người Úc, đã lập quỹ từ thiện có tên GoFundMe kêu gọi cộng đồng đóng góp số tiền 10.000 Đô la Úc để ủng hộ gia đình bà Trần Thị Thanh Loan. Số tiền này sẽ được cấp dưỡng cho 4 người con của bà Loan cho đến khi vợ chồng bà mãn án tù.

Ngày 23/5/2016, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) phát biểu rằng chính quyền Việt Nam cần hủy bỏ ngay lập tức mọi cáo buộc liên quan đến hành vi vượt biên trái phép đối với những “thuyền nhân” bị Úc trả về. Phía Úc cần ngay lập tức yêu cầu hủy bỏ vụ án, vì Việt Nam đã cam kết không trừng phạt những người di dân bị trả về.

Vào tháng 8/2016, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của tổ chức nhân quyền HRW nói với truyền thông quốc tế rằng: "Tôi được biết Chính phủ Úc chỉ phỏng vấn họ ngắn trên tàu của Hải quân Úc và trả họ về. Chính phủ Úc nói với chính phủ Việt Nam sẽ không trừng phạt những người này. Khi đó Việt Nam đồng ý. Và bây giờ chính phủ Việt Nam đi ngược lại điều đó. Chính phủ Úc đã bỏ rơi những người này. Đầu tiên, là trả họ về lại nơi họ có thể gặp nguy hiểm, và thậm chí không theo dõi việc gì đang xảy ra theo cách cơ bản nhất."

Theo báo chí Việt Nam, ngày 7/3/2015, bốn người này tổ chức chuyến tàu chở 46 người, có cả trẻ con đi từ cảng La Gi ở tỉnh Bình Thuận để đi Úc. Hai tuần sau đó, lực lượng hải quân Úc đã ngăn chặn và giữ tàu của họ trên biển.

Theo điều 275 của Bộ luật Hình sự Việt Nam, quy định: "Người nào tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 91 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG