Đường dẫn truy cập

Bị chống đối dữ dội, kế hoạch Brexit của bà May lâm nguy


Bà Theresa May rời Phố Downing hôm 4/12
Bà Theresa May rời Phố Downing hôm 4/12

Bản kế hoạch Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May hôm 5/12 đang hứng chịu chỉ trích dữ dội từ cả các đối thủ lẫn đồng minh sau khi chính phủ buộc phải công bố tư vấn pháp lý của luật sư chính phủ cho thấy nước Anh có thể sẽ vĩnh viễn bị cột chặt trong quỹ đạo của Liên minh châu Âu.

Brexit, tức nước Anh rời khỏi EU, là thay đổi kinh tế và chính trị lớn nhất của nước Anh kể từ Đệ nhị Thế chiến. Brexit đã liên tục đẩy nền chính trị Anh vào khủng hoảng kể từ cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2016 mà theo đó dân Anh quyết định rời khỏi EU.

Sau một loạt những thất bại đáng xấu hổ của bà May ở Quốc hội vào ngày trước đó vốn đã làm dấy lên hoài nghi về khả năng của bà đưa được thỏa thuận Brexit qua ải Quốc hội, ngân hàng đầu tư Mỹ J.P. Morgan nói rằng khả năng nước Anh hủy toàn bộ Brexit đã tăng lên.

Quốc hội Anh đã buộc bà May phải công bố lời khuyên của luật sư hàng đầu của chính phủ về cơ chế đường biên giới mềm để tránh phải quay trở lại kiểm soát biên giới giữa Cộng hòa Ireland thuộc Liên minh châu Âu và Bắc Ireland thuộc Anh.

Đảng DUP của Bắc Ireland vốn liên minh với bà May để giúp bà dựng lên chính phủ nói rằng những lời tư vấn pháp lý về thỏa thuận Brexit là ‘hết sức đáng buồn’.

Ông Nigel Dodds, phó lãnh đạo của Đảng DUP nói rằng lời khuyên pháp lý này chứng tỏ rằng Bắc Ireland sẽ được đối xử khác với phần còn lại của nước Anh.

Giờ đây Quốc hội Anh đã tỏ tất cả các dấu hiệu cho thấy họ sẽ nhấn chìm thỏa thuận Brexit của bà May trong cuộc bỏ phiếu vào ngày 11/12 tới. Hiện vẫn chưa rõ liệu chuyện gì sẽ xảy ra nếu thỏa thuận bị bác bỏ vì nước Anh sẽ phải rời EU vào ngày 29/3 năm sau.

Hôm 4/12, chỉ vài giờ trước khi bắt đầu cuộc tranh luận kéo dài 5 ngày ở Quốc hội Anh về thỏa thuận Brexit của bà May, một quan chức luật pháp hàng đầu tại Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) nói rằng Anh quốc có thể rút lại thông báo ly khai chính thức.

“Nước Anh giờ đây dường như có lựa chọn đơn phương rút lại đơn ly khai và lấy thời gian theo ý họ để quyết định sẽ làm gì tiếp theo,” kinh tế gia Malcolm Barr của Ngân hàng J.P. Morgan nhận định.

Ông đánh giá có 10% cơ hội nước Anh sẽ rời khỏi EU mà không có thỏa thuận, giảm xuống từ mức 20% và 50% cơ hội nước Anh rời EU với thỏa thuận, giảm từ 60%, trong khi khả năng sẽ không xảy ra Brexit đã tăng gấp đôi từ 20% lên 40%. Đây là sự thay đổi nhận định lớn nhất kể từ cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2016.

Bộ trưởng thương mại Liam Fox, một người ủng hộ Brexit, nói rằng giờ đây có khả năng Brexit sẽ không xảy ra. Ông Fox nói với một ủy ban Quốc hội rằng có nguy cơ thật sự là Brexit sẽ ‘bị lấy mất’ khỏi tay người dân Anh.

Trong cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2016, 52% cử tri bỏ phiếu cho Brexit trong khi 48% yêu cầu ở lại trong EU.

Nếu thỏa thuận Brexit bị bác bỏ, bà May đã cảnh báo rằng nước Anh có thể ra đi mà không có thỏa thuận hoặc là sẽ không có chuyện Brexit luôn.

Những người ủng hộ Brexit nói rằng nếu quá trình Brexit bị đảo ngược, nước Anh sẽ bị đẩy vào khủng hoảng Hiến pháp vì, theo lời họ, giới tinh hoa chính trị và tài chính đã bóp nghẹt nguyện vọng dân chủ của người dân.

Mặc dù cả Đảng Bảo thủ của bà May và Đảng Lao động đối lập đều nói rằng họ sẽ tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu dân ý, ngày càng có nhiều nghị sỹ trong Quốc hội nói rằng giải pháp duy nhất có lẽ là một cuộc trưng cầu dân ý mới để các cử tri có lựa chọn ở lại EU.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG