Đường dẫn truy cập

Anh-EU đạt thỏa thuận về Brexit, bà May đối mặt sức ép


Bà Thủ tướng Anh Theresa May đến Pháp dự lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Đệ nhất Thế chiến
Bà Thủ tướng Anh Theresa May đến Pháp dự lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Đệ nhất Thế chiến

Anh quốc vừa đạt được thỏa thuận ly khai với Liên minh châu Âu (EU) sau hơn một năm đàm phán, nhưng thỏa thuận này đặt Thủ tướng Anh Theresa May vào một cuộc chiến đấu hiểm nghèo với nội bộ trong nước và cuộc chiến này sẽ định hình thịnh vượng của nước Anh trong nhiều thế hệ sắp tới.

Trong lúc các quan chức EU đang hoạch định cho sự rút khỏi khối đầu tiên của một quốc gia có chủ quyền, thách thức tối hậu của bà May sẽ là liệu bà có thể thuyết phục Quốc hội Anh phê chuẩn thỏa thuận này hay không. Phe ủng hộ Brexit cứng rắn trong nội bộ Đảng Bảo thủ của bà cáo buộc bà ‘đầu hàng trước áp lực của Brussels’.

Nội các Anh sẽ họp vào ngày 14/11 để xem xét bản thảo thỏa thuận này, một phát ngôn nhân Phố Downing nói sau khi truyền thông Anh và Ireland được rò rỉ ra các chi tiết của thỏa thuận đột phá này.

Tuy nhiên bà May đã cố gắng tháo gỡ gần 46 năm tư cách thành viên EU của nước Anh mà không hủy hoại thương mại và không làm mất lòng các vị nghị sỹ vốn sẽ có tiếng nói quyết định cuối cùng về thỏa thuận.

“Câu đố cho bà Theresa May là liệu bà có làm hài lòng mọi người hay không?” ông Nigel Dodds, phó lãnh đạo Đảng Liên minh Dân chủ Bắc Ireland (DUP), đảng liên minh với chính phủ thiểu số của bà May trong Quốc hội.

“Tôi nghĩ rằng đó sẽ là việc thuyết phục rất, rất khó khăn, nhưng hãy chờ xem các chi tiết thật sự,” Dodds nói.

Một quan chức cấp cao EU xác nhận một bản dự thảo thỏa thuận đã đạt được đồng thuận. Các nhà lãnh đạo EU sẽ gặp thượng đỉnh vào ngày 25/11 để chốt lại lại thỏa thuận này nếu nội các của bà May ủng hộ nó, các nguồn tin ngoại giao cho hay.

EU và Anh cần một thỏa thuận để duy trì giao thương giữa khối thương mại lớn nhất thế giới và Anh, nơi có trung tâm tài chính quốc tế lớn nhất thế giới.

Với việc tìm cách rời EU trong khi vẫn duy trì mối quan hệ gần gũi nhất có thể, bản kế hoạch nhượng bộ của bà May đã làm phật lòng những người ủng hộ Brexit, những người ủng hộ châu Âu, những người theo chủ nghĩa dân tộc Scotland, đảng Bắc Ireland vốn giúp cho chính phủ mong manh của bà trụ vững và ngay cả một số bộ trưởng trong nội các của bà.

Để thông qua được thỏa thuận bà cần được sự ủng hộ của 320 vị nghị sỹ trong số 650 ghế tại Hạ viện. Đó là thách thức rất lớn mà bà phải vượt qua.

Những nhân vật ủng hộ Brexit chủ chốt như nghị sỹ Bảo thủ Jacob Rees-Mogg và cựu Ngoại trưởng Boris Johnson nói rằng bà May đã bán rẻ nước Anh và họ sẽ phản đối bản thỏa thuận đó.

“Đó là thất bại của lập trường đàm phán của chính phủ, đó là thất bại đối với Brexit, và nhiều khả năng nó sẽ gây chia rẽ cho nước Anh,” ông Jacob Rees-Mogg cho biết.

Đảng Lao động đối lập, vốn nói rằng họ sẽ chống đối bất cứ thỏa thuận nào mà không giữ lại ‘y nguyên’ những lợi ích kinh tế mà họ có với EU. Họ nói rằng không có khả năng thỏa thuận được công bố là điều đúng đắn cho nước Anh.

Bà May đã đối mặt với bước đi quan trọng nhất của một thủ tướng Anh kể từ thời Đệ nhị thế chiến khi bà chính thức khởi động quá trình ly khai của nước Anh khỏi EU hồi tháng 3 năm 2017 và bắt đầu các cuộc đàm phán gian khổ.

Chỉ còn chưa đến năm tháng nữa là đến hạn nước Anh phải ra khỏi EU, cái gọi là đường biên giới mềm giữa Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland vốn là thành viên EU vẫn là vấn đề mắc mứu chính khiến hai bên không tìm được tiếng nói chung. Đường biên giới mềm này là chính sách bảo đảm để tránh quay trở lại tình trạng kiểm soát biên giới giữa hai bên.

Hiện giờ vẫn chưa rõ vấn đề biên giới Ireland được giải quyết như thế nào. Chính phủ Anh vẫn chưa công bố chi tiết của thỏa thuận này vốn dài hàng trăm trang.

Theo đài RTE của Ireland, đường biên giới mềm này sẽ có hình thức là một sự sắp xếp hải quan tạm thời cho toàn nước Anh với những điều khoản riêng biệt dành cho Bắc Ireland vốn sẽ đi sâu vào vấn đề hải quan và tuân thủ những quy định của thị trường chung châu Âu khác với phần còn lại của nước Anh.

Đảng DUP vốn chủ trương ủng hộ Brexit đã loại trừ bất cứ thỏa thuận nào xác định quy chế cho Bắc Ireland khác với phần còn lại của nước Anh.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG