Đường dẫn truy cập

Bất chấp đàn áp, biểu tình chống chính quyền ở Myanmar diễn ra vào ngày kỷ niệm đảo chính


Đường vào trạm xe điện ở Mandalay, Myanmar, vắng bóng người vào ngày 1/2/2022.
Đường vào trạm xe điện ở Mandalay, Myanmar, vắng bóng người vào ngày 1/2/2022.

Đường phố ở một số thành phố chính của Myanmar gần như vắng bóng người vào thứ Ba khi những người phản đối chế độ quân sự kêu gọi một “cuộc biểu tình thinh lặng” để đánh dấu ngày kỷ niêm một năm của cuộc đảo chính đã phá vỡ tiến trình dự kiến hướng tới dân chủ của nước này.

Mỹ, Anh và Canada đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với quân đội Myanmar sau một năm hỗn loạn kể từ khi chính phủ do khôi nguyên Nobel Aung San Suu Kyi lãnh đạo bị lật đổ.

Bà Suu Kyi và các lãnh đạo khác của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà đã bị vây bắt trong các cuộc đột kích vào đầu ngày 1/2 năm ngoái khi họ chuẩn bị nhận ghế trong quốc hội, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cuối năm 2020 mà các tướng lĩnh cáo buộc họ gian lận.

Việc chính phủ của bà Suu Kyi bị lật đổ đã gây ra các cuộc biểu tình lớn trên đường phố và lực lượng an ninh đã giết hàng trăm người trong các cuộc trấn áp diễn ra sau đó. Đáp lại, những người biểu tình đã thành lập “lực lượng phòng thủ nhân dân”, một số liên kết với các lực lượng nổi dậy người thiểu số, để đối phó với quân đội được trang bị đầy đủ.

Các nhà hoạt động kêu gọi mọi người ở trong nhà và các doanh nghiệp đóng cửa trong im lặng để thể hiện thái độ thách thức vào ngày kỷ niệm.

Truyền thông nhà nước đưa tin nhà cầm quyền quân sự Min Aung Hlaing hôm 31/1 đã gia hạn tình trạng khẩn cấp đã được áp dụng tại thời điểm đảo chính thêm sáu tháng để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc bầu cử đã hứa trong bối cảnh các mối đe dọa từ “những kẻ phá hoại bên trong và bên ngoài” và “những vụ phá hủy và tấn công khủng bố”.

Tờ Global New Light của Myanmar nói chính phủ quân sự sẽ cố gắng tổ chức một cuộc bầu cử mới một khi tình hình “hòa bình và ổn định”.

Ban đầu, quân đội cam kết tổ chức một cuộc bỏ phiếu trong vòng hai năm nhưng một phát ngôn viên của quân đội vào tháng trước cho biết cuộc bỏ phiếu này được dự kiến vào tháng 8 năm 2023.

Các nhà chức trách quân sự đã tìm cách ngăn chặn các cuộc biểu tình ngày 1/2, bắt giữ hơn 70 người trong ba ngày qua vì những lời kêu gọi biểu tình trên mạng xã hội, tờ báo nhà nước Myanmar Alin đưa tin.

Các chủ doanh nghiệp cũng được cảnh báo rằng tài sản của họ có thể bị tịch thu nếu họ hưởng ứng lời kêu gọi của các nhà hoạt động. Những người biểu tình cũng có thể phải đối mặt với án tù kéo dài.

Tuy nhiên, các bức ảnh trên mạng xã hội cho thấy những con đường gần như vắng vẻ ở nhiều thành phố khác nhau bao gồm Yangon, Mandalay, Magway và Myitkyina.

Tại Yangon, các bức ảnh trên trang mạng xã hội do những người tổ chức biểu tình đăng lên cho thấy mọi người ném sơn đỏ xuống đất trong một cuộc biểu tình nhỏ.

Các cuộc tuần hành ủng hộ quân đội cũng diễn ra bao gồm cả ở thị trấn trung tâm Tase, theo những bức ảnh được trang tin ủng hộ quân đội People Media đăng lên.

Tại thủ đô Naypyitaw, hàng ngàn người đã tham dự một cuộc mít tinh, một số người nhảy múa và giương những bức ảnh của tướng Min Aung Hlaing với những biểu ngữ chúc ông có sức khỏe tốt, hình ảnh trên kênh Telegram ủng hộ quân đội cho thấy.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, trong các bình luận trước lễ kỷ niệm cuộc đảo chính, đã kêu gọi chính quyền cho phép tiếp cận nhân đạo nhiều hơn.

Chính quyền đã cáo buộc Liên Hiệp Quốc can dự và thiên vị, đồng thời từ chối khuất phục trước áp lực quốc tế, bất chấp việc doanh nghiệp rút lui khỏi Myanmar và các lệnh trừng phạt mới nhất xảy ra hôm thứ Hai, khi Hoa Kỳ, Anh và Canada đưa thêm nhiều cá nhân có liên quan đến chính quyền vào danh sách đen.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG