Đường dẫn truy cập

Bác sĩ Việt ở Mỹ: ‘Phải chiến đấu lâu dài với Covid-19’


Các bác sỹ đang cứu chữa bệnh nhân Covid-19 trong phòng hồi sức tích cực ở Chicago
Các bác sỹ đang cứu chữa bệnh nhân Covid-19 trong phòng hồi sức tích cực ở Chicago

Các bệnh viện đang chuẩn bị đón làn sóng lây nhiễm virus corona ở Mỹ tăng cao trở lại, và trong tình hình hiện nay, nhiều khả năng các y bác sĩ sẽ không thể ngơi nghỉ cho đến khi nào tìm ra vaccine và cách điều trị hiệu quả, một bác sĩ gốc Việt đang trên tuyến đầu chống dịch nói với VOA.

Cho đến nay, toàn bộ các tiểu bang của Mỹ đã mở cửa trở lại sau hơn hai tháng cách ly xã hội để làm giảm sự lây lan của virus corona. Điều này cộng với sự xuống đường đông đảo của người dân Mỹ ở các thành phố để kêu gọi công lý cho người da màu trong hai tuần qua khiến nhiều chuyên gia lo ngại đường đồ thị về số ca nhiễm sẽ vọt lên cao trở lại.

Mặc dù số lây nhiễm và tử vong của Mỹ đã giảm so với giai đoạn đỉnh điểm vào tháng Tư nhưng mỗi ngày vẫn có thêm khoảng 20.000 ca nhiễm mới và trên dưới 1.000 ca tử vong.

Chuẩn bị đón đợt nhiễm mới

VOA đã liên lạc với ông Lê Đình Khôi, một bác sỹ đang trên tuyến đầu chống dịch để tìm hiểu về tình hình lây nhiễm sau khi mở cửa trở lại. Ông cho biết tình hình trong những ngày qua đã ‘bình ổn’ nhưng hiện giờ bệnh viện chỗ ông đang chuẩn bị đón làn sóng bệnh nhân tăng trở lại.

Bác sĩ Lê Đình Khôi là trưởng nhóm chuyên gia gây mê của Trung tâm Bệnh viện Medstar Washington ở thủ đô nước Mỹ. Trong cuộc chiến Covid-19 hiện nay, nhiệm vụ chính của ông là can thiệp vào phổi của bệnh nhân, đặt ống thở cho những nạn nhân Covid nguy kịch nhất để giành giật mạng sống cho họ.

Bác sĩ Khôi cho VOA biết tình hình những ngày qua đã ‘bình ổn’, nhưng nay bệnh viện chỗ ông đang chuẩn bị đón làn sóng Covid mới.

“Chắc chắn là số ca nhiễm sẽ tăng,” ông nói và cho biết phải chờ đợi cho đến hai tuần theo thời gian ủ bệnh mới biết số ca mới tăng như thế nào.

“Theo thống kê trong hệ thống bệnh viện của chúng tôi thì tình hình đã khả quan được tí xíu. Tất nhiên là nó không tiến triển lẹ như trước nữa, có thể một ngày lên, một ngày xuống nhưng phần lớn là giữ yên một chỗ,” ông giải thích.

Ông dẫn số liệu ra cho thấy ở bệnh viện của ông, một thành viên trong hệ thống MedStar Washington, hiện giờ dao động từ 130 đến 160 ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày so với đỉnh điểm trước đây là 170-190 ca mỗi ngày.

Tỷ lệ tử vong ghi nhận tại nơi ông làm việc là khoảng 17-18% trong số bệnh nhân Covid nhập viện và hiện vẫn duy trì ở mức này. Theo lời ông, đây là tỷ lệ tốt hơn so với các bệnh viện ở nơi khác như New York vì bệnh viện của ông ‘có đầy đủ vật liệu, máy móc để giữ bệnh nhân sống lâu hơn’.

“Tình hình tử vong cũng không tốt hơn, nhưng cũng không xấu hơn,” ông khẳng định và lưu ý rằng ở ngoài cộng đồng số người bị nhiễm nhưng không có triệu chứng và không được nhập viện ở mức khoảng 30-40% con số nhiễm đã được xác nhận.

“Đường cong đồ thị các ca nhiễm đã phẳng xuống từ cách nay một tháng rồi,” ông nhận định. “Điều này chứng tỏ các biện pháp cách ly xã hội có hiệu quả.”

Tuy nhiên, ông bày tỏ quan ngại khi mọi người được phép ra đường trở lại thì số ca lây nhiễm sẽ không hạ xuống. “Nếu mọi người ra ngoài mà tuân thủ các nguyên tắc phòng ngừa ngặt nghèo thì tình hình sẽ không tệ hơn,” bác sĩ Khôi lưu ý.

Nguy cơ từ biểu tình

Ông đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid từ các cuộc biểu tình ‘Coi trọng mạng sống người da màu’ là ‘rất lớn’. “Xuống đường rất nhiều người tạo cơ hội cho virus lây lan,” ông nói.

“Trong các cuộc biểu tình thường người biểu tình phải la lối, phải nói thật lớn thì điều đó cũng giống như là nước dãi, nước gì trong miệng của họ sẽ phun ra như ống xịt vậy đó, chung quanh không khí. Nếu có người nào có Covid-19 thì sẽ bay trong không khí như vậy,” ông giải thích thêm.

Bác sĩ Khôi cho biết bệnh viện của ông đã tiếp nhận các bệnh nhân Covid-19 có đi biểu tình nhưng ‘không biết chính xác có phải là họ đi biểu tình mà bị lây bệnh hay không, hay là bị lây từ những nguồn khác’.

“Cần chờ trong vòng 2-3 tuần để xem thử con số thống kê có nhảy lên không. Nếu có tăng thêm thì chắc chắn đó là biểu tình,” ông nói.

Theo lời chuyên gia y tế này, ngay cả khi những người sau khi đi biểu tình tự về nhà tự cách ly thì ‘cũng không đảm bảo được 100% sẽ không có lây nhiễm’.

“Ăn uống làm sao, giặt giũ làm sao, hơi thở làm sao trong khi trong nhà còn hệ thống thông gió hay máy lạnh làm luân chuyển không khí từ phòng này sang phòng khác,” ông nói.

Mặc dù tình hình đã đỡ hơn trước, nhưng ‘áp lực đè lên các bác sĩ rất nặng’ vì ‘bệnh nhân khi đã nhập viện thì đã rất nặng rồi, bác sĩ Khôi chia sẻ.

Ngoài ra, trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) ở bệnh viện của ông ‘đang thiếu hụt’, theo lời ông, cho nên bệnh viện đang yêu cầu khử trùng và tái sử dụng lại đồ bảo hộ đã sử dụng.

“Hy vọng trong vòng 2-3 tháng tới, các cộng đồng, các công ty sẽ quyên góp PPE giúp chúng tôi,” ông cho biết và nói thêm trong thời gian qua bệnh viện ông đã nhận được rất nhiều quyên góp.

‘Sẽ không thể bình thường trở lại’

Vị bác sĩ đang ở tuyến đầu này thừa nhận rằng ‘về kinh tế cũng không thể nào nhốt người dân trong nhà mãi được’.

Ông khuyến nghị hai điều bắt buộc phải làm khi ra ngoài là ‘phải đeo khẩu trang’ và ‘phải rửa tay thường xuyên’ vì không thể nào tránh được việc đụng chạm, cầm nắm.

“Nhưng chắc chắn là từ rày về sau, người ta tiếp xúc lẫn nhau không còn bình thường như ngày xưa nữa, tức là không thể nào bắt tay, ôm nhau, hôn nhau hay đụng chạm lẫn nhau như ngày xưa nữa,” ông nói.

Với tình trạng hiện giờ chưa có thuốc chủng ngừa hay thuốc điều trị thì ‘các bệnh viện chỉ có thể cố gắng hết sức để cứu chữa bệnh nhân’ và ‘phải chuẩn bị để chiến đấu lâu dài với Covid-19’.

Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ băn khoăn rằng ông không thể nào ‘tự cách ly với gia đình mãi’.

“Tôi ở nhà thì mọi sinh hoạt chỉ gói gọn trong một phòng. Ăn ngủ, tắm giặt riêng chứ không sinh hoạt chung với gia đình,” ông cho biết.

Ông cho biết ông đã chuẩn bị cho khả năng dịch bệnh kéo dài. “Tôi phải nghĩ làm sao để tìm cách có thể tiếp xúc với gia đình”.

“Nếu tôi tiếp xúc với nhiều bệnh nhân quá thì trong vòng 4 đến 6 ngày sau đó tôi tuyệt đối không tiếp xúc với gia đình, nhưng sau đó thì nới lỏng bớt vì sau thời gian đó nếu không có bệnh thì nguy cơ lây lan ít hơn. Khi đó, tôi có thể nói chuyện chút xíu, đi xuống lấy cà phê hay đi ngang qua người này người kia,” ông nói về cách làm của ông.

Ông kêu gọi công chúng ‘tự biết cách bảo vệ để làm giảm lây nhiễm’. “Có như vậy chúng tôi mới được đỡ hơn, không phải tiếp xúc với bệnh nhân nhiều nữa và cũng giảm bớt cách ly với gia đình,” ông nói.

VOA Express

XS
SM
MD
LG