Đường dẫn truy cập

Australia, Malaysia ký thỏa thuận trao đổi người tị nạn gây tranh cãi


Một nhà hoạt động la hét phản đối trong cuộc biểu tình kêu gọi chính phủ Úc đóng cửa trung tâm giam giữ trên đảo Christmas (ảnh chụp năm 2010)
Một nhà hoạt động la hét phản đối trong cuộc biểu tình kêu gọi chính phủ Úc đóng cửa trung tâm giam giữ trên đảo Christmas (ảnh chụp năm 2010)

Australia và Malaysia vẫn xúc tiến kế hoạch trao đổi người xin tị nạn lấy người tị nạn. Đại diện của hai quốc gia châu Á hôm nay đã ký một thỏa thuận tại Kuala Lumpur. Thỏa thuận này nằm trong khuôn khổ một kế hoạch của Australia nhằm khai triển một giải pháp khu vực cho vấn đề buôn người. Nhưng theo tường trình của thông tín viên đài VOA Phil Mercer từ Sydney, kế hoạch vừa kể không tránh khỏi tranh cãi.

Theo thỏa thuận, bước đầu, Australia sẽ gửi 800 người xin tị nạn tới Malaysia để làm thủ tục, và đổi lại, sẽ nhận 4.000 người tị nạn mà các trường hợp xin tái định cư của họ đã được thông qua.

Thủ tướng Australia Julia Gillard miêu tả thỏa thuận này mang tính ‘đột phá’, và nói rằng nó sẽ ‘phá vỡ mô hình làm ăn’ của những kẻ buôn người.

Tiền đề đặt ra là những kẻ buôn người sẽ không còn có thể đảm bảo với các khách hàng phải trả phí cho chúng rằng họ sẽ được chuyển thẳng sang Australia, và vì vậy, sẽ giảm bớt luồng người tới nước này trái phép.

Australia lâu nay đã thu hút người xin tị nạn từ các khu vực nghèo đói thường bị chiến tranh tàn phá. Hơn 6.000 người xin tị nạn tới Australia bằng đường biển hồi năm ngoái.

Phần lớn những người đó tới từ Afghanistan, Sri Lanka, Iran và Iraq, và sử dụng Malaysia hay Indonesia làm điểm trung chuyển trên đường tới Australia.

Thủ tướng Gillard cho biết không một nhóm nào sẽ được miễn trừ trước kế hoạch vừa kể, kể cả trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai hay người lớn tuổi.

Bà Gillard nói: “Tôi xin nhắc lại rằng không có bất kỳ sự miễn trừ nào. Sẽ có một tiến trình đánh giá tại đây, và thông qua thỏa thuận này, sẽ có các mức độ hỗ trợ đặc biệt cho những người vấp phải các vấn đề cụ thể nào đó tại Malaysia, nhưng sẽ không có bất kỳ sự miễn trừ nào.”

Tuy nhiên, kế hoạch đã khiến các tổ chức bảo vệ nhân quyền tức giận.

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á của tổ chức Human Rights Watch, nói cả hai chính phủ đang sử dụng kế hoạch đó cho các mục đích riêng của mình.

Ông Robertson nói: “Vấn đề ở đây là Australia đang sử dụng Malaysia là bãi thải các thuyền nhân mà nước này không muốn. Trong tiến trình đó, trên thực tế có nghĩa là họ sẽ phớt lờ các cam kết tuân thủ Công ước về người tị nạn 1951. Và chúng tôi nghĩ rằng đối với Malaysia, đây là loại thỏa thuận có tính cách trục lợi, còn đối với Australia, đó là hành động tuyệt vọng của một chính phủ đang bị xuống điểm trong các cuộc thăm dò số người ủng hộ, tìm cách nắm quyền lực chính trị dựa vào những người xin tị nạn yếu thế.”

Hội Ân xá Quốc tế cũng lên tiếng chỉ trích kế hoạch, và cho rằng những người xin tị nạn được gửi tới Malaysia có thể sẽ phải đối mặt với các điều kiện giam giữ bất nhân.

Malaysia không tham gia Công ước về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc cũng như chưa thông qua Công ước chống tra tấn của LHQ.

Cao ủy LHQ về người Tị nạn chưa thông qua thỏa thuận giữa Australia và Malaysia.

Giới hữu trách ở Kuala Lumpur nhấn mạnh rằng những người xin tị nạn sẽ được đối xử tử tế. Thỏa thuận với Australia sẽ cho phép Malaysia giảm số người xin tị nạn hiện sống tại nước này, với con số hiện thời ước tính là khoảng 93.000 người.

Tại Australia cũng có sự chống đối. Khoảng 200 người biểu tình đã tuần hành tới một trung tâm giam giữ người tị nạn ở Sydney ngày hôm qua để phản đối thỏa hiệp với Malaysia.

Australia cấp visa cho khoảng 13.000 người tị nạn mỗi năm theo các chương trình quốc tế khác nhau.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG