Đường dẫn truy cập

ASEAN bổ nhiệm nhà ngoại giao Brunei làm đặc phái viên về Myanmar


Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của Brunei, ông Erywan Pehin Yusof, vừa được bổ nhiệm làm đăc phái viên về Mynamar sau cuộc họp của các ngoại trưởng ASEAN vào ngày 4/8/2021.
Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của Brunei, ông Erywan Pehin Yusof, vừa được bổ nhiệm làm đăc phái viên về Mynamar sau cuộc họp của các ngoại trưởng ASEAN vào ngày 4/8/2021.

Các bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vừa bổ nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao thứ Hai của Brunei, Erywan Yusof, làm đặc phái viên về Myanmar, khối này cho biết hôm 4/8.

Ông Erywan được giao nhiệm vụ chấm dứt bạo lực ở Myanmar, mở ra đối thoại giữa nhà cầm quyền quân sự và các đối thủ của họ ở quốc gia đang bị khủng hoảng tàn phá, Reuters dẫn một thông cáo được công bố sau các cuộc họp hôm 2/8 và 4/8 của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN cho biết.

Nhà ngoại giao này cũng sẽ giám sát một gói viện trợ nhân đạo, mặc dù thông tin chi tiết về khoản hỗ trợ không được công bố. Thay vào đó, thông cáo kêu gọi Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ Nhân đạo bắt đầu làm việc về “hướng dẫn chính sách”.

Quân đội Myanmar đã lật đổ chính phủ dân cử cách đây 6 tháng, khiến cho quốc gia này rơi vào tình trạng hỗn loạn khi lực lượng an ninh đàn áp các cuộc biểu tình và nền kinh tế của Myanmar suy sụp. Cuộc khủng hoảng nhân đạo càng trở nên tồi tệ hơn trong tháng qua khi số người nhiễm COVID-19 gia tăng, hệ thống y tế bị quá tải.

Liên Hiệp Quốc và nhiều quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ và Trung Quốc, đã thúc giục ASEAN, với 10 thành viên trong đó có Myanmar, thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm khôi phục sự ổn định ở Myanmar.

Việc bổ nhiệm một phái viên là trọng tâm của những nỗ lực đó nhưng đã bị trì hoãn trong nhiều tháng do sự chia rẽ sâu sắc trong khối các quốc gia Đông Nam Á.

Trong cuộc họp có phần chia rẽ hôm 2/8, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã đặt câu hỏi về tình trạng của chế độ quân sự trong ASEAN khi nước này phản đối đề cử ông Erywan, Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao cho biết.

Sau các cuộc đàm phán sâu hơn và cuộc họp đột xuất hôm 4/8, vị trí đặc phái viên đã được xác nhận.

Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết trong một tuyên bố riêng rằng đặc phái viên sẽ sớm bắt đầu làm việc và có “quyền tiếp cận đầy đủ với tất cả các bên” tại Myanmar. Nhiều nhân vật đối lập Myanmar, bao gồm cả nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi, hiện đang bị giam giữ tại gia hoặc trong tù.

Đại diện của chế độ quân sự tại cuộc họp cũng phản đối yêu cầu từ các thành viên ASEAN cho phép các nhân viên nhân đạo được tự do cung cấp viện trợ đến những khu vực mà họ cho là cần thiết nhất, Reuters dẫn hai nguồn tin am tường về các cuộc đàm phán cho biết.

Những người chỉ trích đã cáo buộc ASEAN trao quyền hợp pháp cho chính quyền Myanmar bằng cách chấp nhận đại diện của họ tại các cuộc họp khối.

Nhưng tuyên bố của Indonesia nhấn mạnh những thay đổi tinh tế về từ ngữ trong thông cáo chung để nó “không thể được coi là sự thừa nhận chính quyền quân sự”.

Chính phủ quân sự Myanmar không đưa ra bình luận với Reuters.

Hôm 1/8, người đứng đầu quân đội Myanmar, Min Aung Hlaing, thông báo ông đã được bổ nhiệm làm thủ tướng và lặp lại cam kết tổ chức bầu cử vào năm 2023.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG