Đường dẫn truy cập

Các ngân hàng Việt Nam đối mặt với chi phí tăng sau khi lượng tiền gửi giảm mạnh


Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Các ngân hàng Việt Nam đang phải đối mặt với chi phí cao hơn khi họ tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm để thu hút khách hàng và cố gắng đảo ngược tình trạng tiền gửi hàng tháng sụt giảm trên toàn quốc lần đầu tiên trong hơn hai năm.

Reuters dẫn lời giới phân tích cho biết, bất kỳ động thái nào nhằm dịch chuyển những chi phí cao hơn đó dưới dạng các khoản vay với lãi suất cao hơn đối với khách hàng đều có thể đặt ra thách thức đối với nỗ lực của chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và đưa tăng trưởng kinh tế trở lại đúng hướng.

Các ngân hàng vừa tăng lãi suất huy động trung bình lên tới 0,3 điểm phần trăm trong tuần đầu tiên của tháng 5, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan truyền thông nhà nước khác đưa tin hôm 9/5.

Công ty chứng khoán Mirae Asset cho biết gần đây hơn 10 ngân hàng đã tăng lãi suất huy động.

Tiền gửi của các doanh nghiệp tại ngân hàng tính đến cuối tháng 1 giảm khoảng 2,4% so với cuối năm ngoái, xuống 6.670 triệu tỷ đồng (262,29 tỷ USD). Đây là mức giảm hàng tháng đầu tiên trong hơn hai năm qua, theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vào ngày 1/5.

Cũng theo số liệu của NHNN, tiền gửi của người dân giảm 0,5%, chỉ ở mức 6.500 triệu tỷ đồng.

NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 15% trong năm nay nhưng cho các khoản cho vay của các ngân hàng tính đến cuối tháng 3 chỉ tăng 1,34% kể từ tháng 12/2023. Tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam thường tăng tốc vào nửa cuối năm khi nhu cầu tăng cao.

Trong năm qua, người gửi tiền tiết kiệm đã chứng kiến nhiều đợt cắt giảm lãi suất khi các ngân hàng phải đối mặt với rủi ro cao hơn và nợ xấu gia tăng do bất ổn kéo dài trong lĩnh vực bất động sản.

Nhưng bức tranh đó đang thay đổi.

Hôm 9/5, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (TCB) đã tăng lãi suất đối với tất cả các kỳ hạn tiền gửi thêm 0,1-0,4 điểm phần trăm, một nhân viên ngân hàng này cho biết. Động thái này đã nâng lãi suất tiền gửi ngắn hạn lên thành 4,55% -4,95%.

Ông Cấn Văn Lực, cố vấn chính phủ và kinh tế tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, cho biết các ngân hàng đang tìm cách củng cố tiền gửi trước dự báo nhu cầu vay vốn tăng thường xuyên trong thời gian còn lại của năm.

Ông Willie Tanoto, giám đốc cấp cao của công ty xếp hạng tín dụng Fitch Ratings, cho biết việc tăng lãi suất tiền gửi của các ngân hàng địa phương “phản ánh các điều kiện tiền tệ thắt chặt hơn là sự gia tăng căng thẳng hệ thống”.

“Áp lực tiền tệ và nghiệp vụ thị trường mở của NHNN đã thắt chặt thanh khoản, thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng trong nước”, ông nói trong email gửi Reuters.

Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 4 đã tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, tiến gần đến mức trần lạm phát 4,5% của NHNN trong năm nay.

NHNN không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters. Hồi tháng 6 năm ngoái, NHNN cắt giảm lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu 50 điểm cơ bản xuống lần lượt là 4,5% và 3,0%.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG