Đường dẫn truy cập

Biển Đông: Tại sao căng thẳng Trung Quốc-Philippines nóng lên?


Tàu tuần duyên Trung Quốc sử dụng vòi rồng để ngăn chặn tàu tuần tra và tiếp tế của Philippines tại bãi cạn Scarborough ngày 30/4/2024.
Tàu tuần duyên Trung Quốc sử dụng vòi rồng để ngăn chặn tàu tuần tra và tiếp tế của Philippines tại bãi cạn Scarborough ngày 30/4/2024.

Căng thẳng ngoại giao leo thang và những xung đột hàng hải gần đây giữa Trung Quốc và Philippines đã khiến Biển Đông mang tính chiến lược cao trở thành điểm nóng.

Những điểm nóng

Trọng tâm của những căng thẳng gần đây giữa Philippines và Trung Quốc là hai thực thể đang tranh chấp gay gắt nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Manila nhưng Bắc Kinh tuyên bố là của riêng mình.

Trung Quốc sử dụng cái gọi là đường chín đoạn chiếm khoảng 90% diện tích Biển Đông để khẳng định yêu sách chủ quyền của mình đối với Bãi cạn Scarborough, một rạn san hô ngập nước có nguồn cá dồi dào, và Bãi Cỏ Mây (Bãi cạn Second Thomas), nơi có một nhóm nhỏ thủy thủ Philippines sống trên một tàu chiến rỉ sét mà Manila cố tình cho neo đậu vào năm 1999 để tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của mình.

Tại sao mọi thứ lại nóng lên?

Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye đã ra phán quyết vào năm 2016 rằng các yêu sách mở rộng của Bắc Kinh thông qua đường chín đoạn là không có cơ sở theo luật pháp quốc tế, mang lại cho Philippines một chiến thắng mang tính bước ngoặt. Nhưng điều đó không ngăn cản Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn, nước đã bác bỏ phán quyết vừa kể.

Bắc Kinh đã triển khai hàng trăm tàu tuần duyên để tuần tra các khu vực đó, gây báo động cho Philippines, các bên tranh chấp khác và các quốc gia khác đang hoạt động ở Biển Đông, bao gồm cả Hoa Kỳ, vốn đang cảnh giác trước sức mạnh quân sự ngày càng tăng và tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.

Đối đầu gây những hậu quả gì?

Các cuộc chạm trán giữa Philippines và Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp nóng nhất châu Á ngày càng căng thẳng và thường xuyên hơn trong năm qua khi Bắc Kinh thúc đẩy yêu sách của mình và Manila từ chối ngừng các hoạt động đánh bắt cá và tiếp tế cho người Philippines tại hai bãi cạn này. Trung Quốc coi đó là sự xâm nhập bất hợp pháp và đã cố gắng đẩy lùi các tàu Philippines.

Lực lượng tuần duyên Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động được gọi là “vùng xám” như sử dụng vòi rồng, chiến thuật va chạm và đâm húc, và theo Manila, sử dụng tia laser cấp quân sự để cố gắng ngăn chặn các nhiệm vụ tuần tra và tiếp tế của Philippines. Nước này cũng đã triển khai một đội tàu đánh cá mà Philippines và các đồng minh coi là lực lượng dân quân.

Trong các nhiệm vụ tiếp tế gần đây tại Bãi Cỏ Mây (Bãi cạn Second Thomas), các tàu thuyền của Philippines đã bị hư hại và một số thủy thủ đoàn bị thương sau khi Trung Quốc dùng vòi rồng. Trung Quốc đã thúc giục Philippines kéo tàu chiến đi, nói rằng Manila đã hứa sẽ làm điều đó, nhưng Manila khẳng định chưa có thỏa thuận nào như vậy.

Phản ứng toàn cầu

Hành động của Trung Quốc đã thu hút sự lên án và quan ngại quốc tế từ các cường quốc bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Pháp và Anh.

Các nhà báo nước ngoài đã tham gia một số phái đoàn tiếp tế của Philippines và ghi lại các sự kiện theo lời mời của Philippines, mà một quan chức an ninh cho biết là nhằm mục đích “làm sáng tỏ chiến thuật ‘vùng xám’ của Trung Quốc.” Trung Quốc cáo buộc Philippines gây rắc rối và truyền bá thông tin sai lệch.

Ngày 9/4, một đô đốc cấp cao của Mỹ cho biết các hành động của Trung Quốc là “nguy hiểm, bất hợp pháp và đang gây bất ổn cho khu vực”.

Philippines phản ứng như thế nào?

Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã áp dụng đường lối cứng rắn chống lại điều mà ông coi là sự thù địch của Trung Quốc và bác bỏ áp lực của nước này, gần đây thề sẽ thực hiện các biện pháp đối phó chống lại “các cuộc tấn công bất hợp pháp, cưỡng bức, hung hãn và nguy hiểm” của lực lượng tuần duyên Trung Quốc.

Philippines cho biết các biện pháp đối phó sẽ mang tính “đa chiều” và liên quan đến các lựa chọn ngoại giao. Ông Marcos cũng kêu gọi phối hợp mạnh mẽ hơn về an ninh hàng hải để đương đầu với “một loạt thách thức nghiêm trọng” đối với hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ.

Các nhà lãnh đạo Philippines, Mỹ và Nhật Bản đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên vào tháng 4 và nhất trí tăng cường quan hệ an ninh và kinh tế, điều mà ông Marcos cho rằng sẽ “thay đổi động lực” xung quanh Biển Đông.

Hoa Kỳ có thể tham gia không?

Tranh chấp giữa Philippines với Trung Quốc trùng hợp với việc Philippines gia tăng cam kết an ninh với Mỹ dưới thời ông Marcos, bao gồm cả việc mở rộng quyền tiếp cận của Mỹ tới các căn cứ của Philippines. Manila cũng đang tìm kiếm mối quan hệ an ninh chặt chẽ với các đồng minh khác như Nhật Bản và Úc. Các cam kết bao gồm các cuộc tuần tra chung, điều này đã khiến Trung Quốc nổi giận.

Hoa Kỳ có Hiệp ước phòng thủ chung với Philippines và đã nhiều lần nói rõ rằng họ sẽ bảo vệ đồng minh của mình nếu lực lượng tuần duyên hoặc lực lượng vũ trang của Philippines bị tấn công ở bất kỳ đâu trên Biển Đông, gọi thỏa thuận này là “sắt thép”.

Hiệp ước làm tăng nguy cơ đáng kể trong tranh chấp Philippines-Trung Quốc trong trường hợp xảy ra tính toán sai lầm trên biển. Tuy nhiên, nó cũng có thể hạn chế việc Trung Quốc sẵn sàng đi bao xa để giữ Philippines trong tầm kiểm soát, cảnh giác trước nguy cơ xung đột và áp lực phải phản ứng kiên quyết nếu có sự tham gia quân sự trực tiếp của Mỹ.

Các quan chức Philippines, bao gồm cả ông Marcos, bác chuyện nói về việc viện dẫn hiệp ước trong tình hình hiện tại, nhấn mạnh rằng điều đó sẽ là biện pháp cuối cùng.

Diễn đàn

Liên quan

XS
SM
MD
LG