Đường dẫn truy cập

Sự kiện trao đổi văn hóa Việt-Mỹ lớn nhất trong lịch sử


Buổi biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội
Buổi biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội

Thời điểm cuối tháng tư đánh dấu ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc, người ta thường nhắc nhiều đến mối quan hệ Việt-Mỹ. Nếu như 35 năm về trước, thanh niên hai nước phải đối diện với nhau trong tiếng bom đạn của cuộc chiến thì thế hệ trẻ thời bình đang gặp nhau giữa âm điệu du dương, trầm bổng của những bản nhạc bang giao hữu nghị. Những súng đạn trong tay thế hệ thanh niên năm xưa giờ đã trở thành các loại nhạc cụ được giới trẻ ngày nay mang tới nước bạn để cùng tấu lên những âm sắc hòa bình. Đó cũng là trọng tâm của chương trình giao lưu văn hóa Việt-Mỹ lớn nhất từ trước đến nay có tên gọi Lễ hội Âm nhạc Thăng Long và Trao đổi Văn hóa, do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ, để kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ và 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Dàn nhạc thính phòng Southwest Chamber Music tại miền Nam bang California từng hai lần đoạt giải thưởng Grammy là đơn vị được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ kinh phí để thực hiện dự án giao lưu văn hóa này.

Bà Colombia Barrosse, Trưởng Chương trình Văn hóa thuộc Văn phòng chuyên trách các vấn đề Giáo dục và Văn hóa của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cho biết lý do Bộ tài trợ dự án:

Sự kiện trao đổi văn hóa Việt-Mỹ lớn nhất trong lịch sử
Sự kiện trao đổi văn hóa Việt-Mỹ lớn nhất trong lịch sử

“Như các chương trình ngoại giao văn hóa khác của chúng tôi, chúng tôi hy vọng chương trình giao lưu Lễ hội Âm nhạc Thăng Long và Trao đổi Văn hóa này sẽ giúp người dân Mỹ xích lại gần hơn với người dân các nước mà trong trường hợp cụ thể này là người dân Việt Nam. Năm nay đánh dấu 1000 Thăng Long-Hà Nội và cũng là 15 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ. Đây là một cơ hội tuyệt vời thông qua âm nhạc, nguồn cảm hứng về âm nhạc, và sự hợp tác để cùng nhau xích lại gần hơn. Và chúng tôi hy vọng sự kiện này sẽ khởi đầu cho mối quan hệ ngoại giao văn hóa song phương mạnh hơn nữa trong tương lai. Đây là khoản tài trợ lớn đầu tiên của chúng tôi trong lĩnh vực trao đổi văn hóa với Việt Nam. Chúng tôi rất vui mừng khi dàn nhạc Southwest Chamber Music đề xuất dự án này với chúng tôi. Họ rất nổi tiếng, hoạt động rất mạnh, và đã từng có liên lạc với Việt Nam trong lĩnh vực âm nhạc. Đây là một cơ hội tuyệt vời và chúng tôi hết sức vui mừng về tiến trình tốt đẹp của chương trình này.”

Giám đốc Nghệ thuật của dàn nhạc thính phòng Southwest Chamber Music, ông Jeff von der Schmidt, nói về mục đích của dự án giao lưu văn hóa với Việt Nam mà dàn nhạc của ông được giao phó thực hiện:

“Mục đích của dự án này là khuyến khích tinh thần lãnh đạo mới và trẻ trong lĩnh vực văn hóa tại Việt Nam. Đó là mục tiêu quan trọng của chúng tôi. Qua các buổi biểu diễn tại hai nước, tinh thần lãnh đạo trong lĩnh vực văn hóa được hình thành liên quan tới công tác quản lý nghệ thuật, đặc biệt là giảng dạy về triết lý Peter Drucker, cha đẻ của nghệ thuật quản trị kinh doanh hiện đại.”

Ông Jeff von der Schmidt cũng chia sẻ cảm nhận của ông về chuyến giao lưu văn hóa tới Việt Nam năm nay:

Sự kiện trao đổi văn hóa Việt-Mỹ lớn nhất trong lịch sử
Sự kiện trao đổi văn hóa Việt-Mỹ lớn nhất trong lịch sử

“Đây là chuyến đi thứ tư của tôi đến Hà Nội và chuyến đi lần này đã vượt qua tất cả những mong đợi của chúng tôi. Chúng tôi có 5 buổi biểu diễn tại Việt Nam, 4 buổi tại Hà Nội và 1 buổi ở TPHCM. Tinh thần chia sẻ các đặc thù âm nhạc của cả đôi bên rất cao. Hoạt động của chúng tôi kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ và 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, những gì đã không thể diễn ra cách đây 30 năm.

Tôi nhận thấy rằng Việt Nam có nhiều việc phải làm phía trước, cần phải có rất nhiều dự án, nhưng tôi cho rằng với ý chí, trong vòng 1 thập niên nữa thì Việt Nam sẽ có một vị trí đáng kể trong nền văn hóa không chỉ của Châu Á mà còn của cả thế giới nữa. Điều mà tôi nhận thấy ở người Việt Nam là tính linh động, thích ứng cao, và khả năng học hỏi nhanh chóng nhưng họ chưa được tiếp cận nhiều với các khía cạnh của nền âm nhạc cổ điển mà họ cần biết. Tính linh động cộng với sách lược và sự chăm chỉ có thể giúp Việt Nam trở thành một trong những điểm văn hóa thu hút tại Châu Á.”

Chương trình giao lưu Việt-Mỹ diễn ra trong 6 tuần, từ đầu tháng Ba đến đầu tháng Năm. 19 thành viên trong đoàn nghệ sĩ của Mỹ đã đến Việt Nam biểu diễn tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM trong 3 tuần lễ hồi tháng 3 vừa qua.

Lynn Vartan, nữ nghệ sĩ trẻ đánh bộ gõ là một thành viên trong đoàn dàn nhạc Southwest Chamber Music đến Việt Nam.

Cô bạn hồi hởi kể về chuyến đi này:

Sự kiện trao đổi văn hóa Việt-Mỹ lớn nhất trong lịch sử
Sự kiện trao đổi văn hóa Việt-Mỹ lớn nhất trong lịch sử

“Thật tuyệt vời khi tôi được lưu lại Hà Nội hơn 2 tuần. Nhiều thành viên trong đoàn sau đó vào TPHCM thêm vài ngày nữa. Chúng tôi vừa biểu diễn, vừa giảng dạy, lại vừa có dịp tìm hiểu thêm về thành phố và văn hóa ở đây. Tôi rất thích. Đây là một kinh nghiệm độc đáo tuyệt vời đối với tôi. Một trong những điều mà tôi thấy thú vị nhất là cơ hội được cùng biểu diễn và cùng chia sẻ kinh nghiệm và các ý tưởng về âm nhạc với các nghệ sĩ Việt Nam. Tôi cảm giác như được có thêm một gia đình âm nhạc mới tại đất nước này vậy.”

Tới Việt Nam trong chuyến giao lưu văn hóa đánh dấu 15 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước cựu thù, có điều gì nhắc nhớ cô gái Mỹ này về cuộc chiến Việt Nam hay không?

Người bạn trẻ tên Lynn đáp lời:

“Tôi sinh ra sau thời chiến tranh Việt Nam. Tôi có được nghe nói về lịch sử cuộc chiến, và tôi cảm thấy rất thích thú khi đến Việt Nam, để xem những ký ức gì về cuộc chiến còn sót lại tại đây. Khi sang đó, thật lạ là chẳng có điều gì gợi nhớ về cuộc chiến nữa cả. Mọi người đều hướng về tương lai, về những cách xích lại gần nhau hơn. Tôi có cảm giác là mọi người đã khép lại quá khứ sau lưng. Theo tôi, các chương trình trao đổi văn hóa như thế này là những chiếc cầu nối không thể thiếu giúp hàn gắn những vết thương chiến tranh.”

Sự kiện trao đổi văn hóa Việt-Mỹ lớn nhất trong lịch sử
Sự kiện trao đổi văn hóa Việt-Mỹ lớn nhất trong lịch sử

Còn Giám đốc Nghệ thuật Jeff von der Schmidt của dàn nhạc Southwest Chamber Music, thế hệ người Mỹ sinh trưởng trong thời chiến tranh Việt Nam, thì cho biết chuyến giao lưu văn hóa này để lại cho ông rất nhiều xúc cảm, nhắc nhớ về cuộc chiến và những người đã nằm xuống của cả hai bên:

“Một người Mỹ đến Việt Nam luôn có nhiều xúc cảm. Tôi lớn lên trong thời cuộc chiến Việt Nam. Cuộc chiến nay đã qua rồi, chúng ta đang trong một chu kỳ khác. Nói thật, trong khi chơi nhạc tại Việt Nam, tôi đã nghĩ về năm mươi mấy ngàn người lính Mỹ tử trận tại đây cùng hàng triệu người dân Việt đã mất mạng trong cuộc chiến. Tôi hãnh diện vì Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nhận thấy dự án giao lưu văn hóa này có khả năng mở ra một chương hoàn toàn mới giữa hai nước. Đây là một hoạt động quan trọng đối với tôi, một nghệ sĩ Mỹ. Tôi luôn khát khao được nhìn thấy âm nhạc có khả năng liên kết con người như thế nào.”

Bên cạnh các buổi biểu diễn hòa nhạc chung, những nghệ sĩ tham gia chương trình Lễ hội Âm nhạc Thăng Long và Trao đổi Văn hóa Việt-Mỹ được tạo điều kiện để tìm hiểu về nền văn hóa của nước bạn, trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm biểu diễn, và cả kỹ năng quản lý trong lĩnh vực âm nhạc, như chia sẻ của chị Đặng Thu Nga, Giám đốc Truyền thông của dàn nhạc thính phòng Southwest Chamber Music:

Sự kiện trao đổi văn hóa Việt-Mỹ lớn nhất trong lịch sử
Sự kiện trao đổi văn hóa Việt-Mỹ lớn nhất trong lịch sử

“Ngoài các buổi biểu diễn còn có các buổi học. Các thành viên của Southwest Chamber Music tới làm việc tại Học Viện Âm nhạc Quốc gia ở Hà Nội, giảng dạy thêm về tất cả các ngành như vilon, piano, bộ gõ, kèn, nhạc jazz… Đó là mảng về giáo dục. Sau đó có mảng về quản lý biểu diễn. Chúng tôi mang những kinh nghiệm của nhóm Southwest Chamber Music về chia sẻ với Học Viện Âm nhạc Quốc gia ở Hà Nội và Nhạc viện TPHCM. Điểm đặc biệt là chúng tôi đã mang 19 thành viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia sang đây làm việc. Chúng tôi tới Việt Nam để tìm hiểu, học hỏi, đồng thời đưa các bạn Việt Nam sang Mỹ để học hỏi, khảo sát thêm về tình hình âm nhạc đương đại tại Mỹ như thế nào.”

Phái đoàn của Việt Nam cũng gồm 19 nghệ sĩ thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia hiện đang có mặt tại bang California, Hoa Kỳ, lưu diễn cho đến ngày 4/5 tới đây.

Nghệ sĩ violon trẻ Bùi Công Duy, một thành viên trong đoàn Việt Nam đến Mỹ, nhận xét trọng tâm của chương trình hướng tới những người trẻ, những nhà lãnh đạo âm nhạc trong tương lai.

Công Duy chia sẻ:

Sự kiện trao đổi văn hóa Việt-Mỹ lớn nhất trong lịch sử
Sự kiện trao đổi văn hóa Việt-Mỹ lớn nhất trong lịch sử

“Hai đất nước có hai nền văn hóa rất là khác nhau. Mình rất tò mò, muốn tìm hiểu xem với cách thức làm việc của Mỹ như vậy có thể áp dụng được những gì tốt nhất cho Việt Nam. Ngoài ra, những thành viên trong Southwest Chamber Music với các thành viên phía Việt Nam cũng đã kết thân từ khi ở Việt Nam rồi. Cho nên, chuyến đi sang đây ngoài biểu diễn còn là dịp được gặp lại những người bạn. Rất là vui. Qua đợt làm việc tại Việt Nam, không chỉ riêng mình mà tất cả những nghệ sĩ của Việt Nam đều cảm thấy rất thú vị, đã học hỏi được rất nhiều. Đợt này sang Mỹ là một cơ hội đánh giá tiềm năng của các nghệ sĩ Việt Nam trong cách chơi các tác phẩm đương đại, mà đây có thể nói là lần đầu tiên các nghệ sĩ Việt Nam chơi nhiều tác phẩm đương đại như vậy cùng với những nghệ sĩ Mỹ, một sự kết hợp rất hay. Đây là một cơ hội rất tốt đối với mình, vì thứ nhất, mình được làm việc với những chuyên gia hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực âm nhạc. Thứ hai, mình được đặt chân tới Mỹ tận mắt nhìn cách họ làm việc, tìm hiểu về văn hóa Mỹ cũng như môi trường âm nhạc hiện đại.”

Những bạn trẻ như Duy được biết đến nước Mỹ qua sách vở nhà trường về cuộc chiến Việt Nam, bây giờ đích thân cầm nhạc cụ của mình tham gia vào sinh hoạt văn hóa với các bạn đồng nghiệp Mỹ. Họ có những suy nghĩ như thế nào?

Nghệ sĩ violon Bùi Công Duy nói về ý nghĩa của chuyến giao lưu nhân 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ đối với anh, một thanh niên thuộc thế hệ hậu chiến:

“Trong xu hướng hiện nay trên thế giới các nước siết chặt quan hệ với nhau, mình nghĩ rằng sự kiện trao đổi văn hóa này là một bước đi rất là quan trọng của hai nước Việt Nam và Mỹ.”

Dàn nhạc thính phòng Southwest Chamber Music hy vọng trong tương lai có thể thực hiện thêm nhiều dự án tương tự với Việt Nam sau chương trình giao lưu văn hóa này.

Chị Thu Nga, Giám đốc Truyền thông của dàn nhạc, nói rằng:

“Dĩ nhiên là có rất nhiều ý tưởng nhưng hãy còn quá sớm để nói vì hiện giờ chúng tôi cũng chưa xong dự án này. Rất hy vọng sau khi dự án này xong, chúng tôi sẽ lập ra được một nhóm nhạc thính phòng có tên gọi là “nhóm nhạc Thăng Long” để có thể biểu diễn trên khán trường quốc tế, hòa nhập với tình hình âm nhạc quốc tế.”

Tạp chí Thanh Niên xin chia tay với quý thính giả và độc giả của đài VOA tại đây. Trà Mi sẽ mang đến quý vị một câu chuyện mới cùng với những người bạn mới vào giờ này, tối thứ ba tuần sau. Mong quý vị đón theo dõi.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG