Đường dẫn truy cập

Hà Nội: Bản sắc, nét đẹp - Còn và mất


Tượng Lý Thái Tổ ở Hà Nội
Tượng Lý Thái Tổ ở Hà Nội

10 ngày đầu trong tháng 10, Việt Nam tổ chức đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Sau một thiên niên kỷ hình thành và phát triển, thủ đô “ngàn năm văn vật” của Việt Nam và người Hà Nội nổi tiếng thanh lịch hiện nay trong mắt những người Hà Nội trẻ ra sao? Đó cũng là nội dung của cuộc thảo luận trên Tạp chí Thanh niên, ghi nhận cảm nghĩ của giới trẻ về Hà Nội nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Trong phần 1 của cuộc trao đổi hôm nay, ba bạn trẻ tham gia chương trình sẽ bàn về những nét đẹp, những bản sắc riêng, và những niềm tự hào của người Hà Nội về mảnh đất và con người ở đây.

Ly: Em sinh ra và lớn lên tại Hà Nội.

Hương: Em sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, nhưng hiện là sinh viên đến Hà Nội để sinh sống và học tập được 3 năm rồi.

Bích: Mình sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Mình lập gia đình với một người miền Bắc nên mình ra Hà Nội sống.

Trà Mi: Trước khi các bạn chia sẻ cảm nghĩ về Hà Nội, Trà Mi xin mời người bạn ở Hà thành mô tả không khí hiện giờ ở Hà Nội ra sao trước thềm đại lễ Thăng Long?

Ly: Hà Nội hiện giờ không khí chuẩn bị lễ rất là nhộn nhịp, tấp nập, đường phố trang hoàng rất đẹp. Gần như tất cả các tuyến đường đều có băng-rôn, khẩu hiệu.

Trà Mi: Người dân Hà Nội tiếp nhận những sự chuẩn bị cho đại lễ Thăng Long ra sao? Họ nô nức hay thờ ơ, hài lòng hay không hài lòng?

Ly: Dân Hà Nội cũng háo hức lắm.

Trà Mi: Đây là sự kiện “ngàn năm có một” hẳn sẽ có nhiều điều mới lạ. Ở đây có bạn là người Hà Nội gốc, có bạn từ Nam hoặc từ Hải Phòng tới Hà Nội sinh sống, chắc chắn sẽ có nhiều cảm nhận khác nhau về mảnh đất “ngàn năm văn vật” này. Ly phát biểu rồi, Trà Mi xin mời Hương. Hương cảm nhận về Hà Nội như thế nào?

Hương: Em đã có cơ hội đi rất nhiều nơi, nhưng cảm giác khi lần đầu bước chân lên đây, em thấy hoàn toàn khác xa với nơi em sinh ra là thành phố cảng Hải Phòng. Ở đây nhộn nhịp hơn. Con người Hà Nội cũng rất khác người Hải Phòng. Sau 3 năm trải nghiệm, vừa sinh sống vừa học tập ở đây, em càng yêu và gắn bó với Hà Nội hơn.

Trà Mi: Đó là tình cảm của một người Hải Phòng đang sinh sống ở Hà Nội. Thế còn Bích, cô dâu từ miền Nam ra Hà Nội sinh sống, cảm nhận của bạn về Hà Nội như thế nào?

Bích: Lần đầu mình ra Hà Nội, mình cảm thấy đây là một thành phố cổ kính, yên tĩnh, không ồn ào như Sài Gòn. Người Hà Nội hướng về gia đình nhiều hơn. Buổi chiều tan ca, mọi người tất bật về với gia đình của mình, khác với dân Sài Gòn hay tụ tập cà phê, cà pháo. Người Hà Nội hiếm có điều này.

Trà Mi: Bây giờ chúng ta hãy nghe người Hà Nội nói về Hà Nội. Mời Ly. Hà Nội trong lòng bạn như thế nào?

Ly: Đối với em, những cái thân thuộc và gắn bó nhất là Hà Nội về đêm, Hà Nội vào thu, vì mùa thu có hoa sữa, có cốm.

Trà Mi: Các bạn ở đây đều chia sẻ những tình cảm yêu mến của mình đối với Hà Nội. Trong những nét các bạn ghi nhận về đời sống, con người Hà Nội, chắc chắn có những cái hay, cái đẹp, và cũng có những cái chưa hay, chưa đẹp, chẳng hạn. Bây giờ chúng ta sẽ bàn tới những nét hay, nét đẹp trước. Các bạn có thể kể cho những người bạn chưa có dịp tới Hà Nội về lối sống, bản sắc của Hà Nội và người Hà Nội? Hà Nội có gì đặc biệt nhất, không thể nào trộn lẫn được với những miền khác trên đất nước?

Bích: Mình ở Sài Gòn ra đây, nhận thấy cách sống của người Sài Gòn và người Hà Nội rất khác nhau. Phong cách sống của người Sài Gòn là thoáng mở. Còn người Hà Nội thì khép kín. Còn cái gọi là “người Hà Nội thanh lịch” trên đất “ngàn năm văn hiến” thì mình nhìn thấy ở những người trong độ tuổi khoảng 50-60. Ở giới thanh niên bây giờ, mình không nhìn thấy sự thanh lịch đó nữa. “Người Hà Nội thanh lịch” là những gì rất là xưa cũ rồi, và rất khó tìm trong thời buổi hiện tại bây giờ.

Trà Mi: Xin mời các bạn khác chia sẻ thêm về đặc điểm phổ biến trong lối sống người Hà Nội, những nét đặc trưng của dân Hà Nội?

Hương: Em cũng đã có dịp vào sinh sống trong Sài Gòn. Những cái không thể thấy được ở Sài Gòn hoặc những nơi khác là những hàng hoa rong của Hà Nội. Đó là một nét đẹp thật sự đã in đậm vào mình rồi, nhất là những hàng hoa rong dọc theo phố cổ và con đường Thanh Niên rất đẹp. Một cái mà Sài Gòn thiếu nữa là trong đó chỉ có mùa mưa và mùa khô, thiếu một mùa thu và mùa đông mang hương vị Hà Nội. Một đêm mùa đông mà lên phố cổ ngồi ăn hạt dẻ nóng thì rất tuyệt vời. Đó là những cảm giác mà mình đi mọi nơi không thể tìm thấy được, ngoài Hà Nội.

Trà Mi: Bây giờ xin hỏi Ly. Về kiến trúc, văn hóa, nếp sống của người Hà Nội, có những gì bạn cảm thấy riêng biệt, hoàn toàn khác với những vùng miền khác, và đặc trưng nhất của Hà Nội?

Ly: Đặc trưng nhất, cách sống người Hà Nội rất tình cảm. Họ thâm thúy, rất để ý, mà nói nôm na là kỹ tính. Về phong tục tạp quán ở đây, bây giờ không còn được như ngày xưa nữa.

Trà Mi: Bạn ghi nhận những thay đổi đó như thế nào? Những cái “không còn” mà bạn đang nhắc tới là gì?

Ly: Ví dụ như các mối quan hệ trong gia đình hiện nay không còn giữ đúng cái chất của người Bắc ngày xưa, không còn gia phong lễ giáo nữa.

Trà Mi: Ngoài truyền thống gia đình như bạn vừa chia sẻ, về xã hội, những cái gì còn và mất trong lối sống Hà Nội xưa cho tới hôm nay?

Ly: Những gì gắn liền với tên Hà Nội đa số bây giờ em đều cảm thấy không còn nữa. Ví dụ như muốn đi thưởng thức món chả cá Thăng Long, thì cũng không còn những người Hà Nội gốc chế biến món này ở đây nữa. Đa số người Hà Nội gốc ở đây đều đi nơi khác sinh sống.

Trà Mi: Ly nói những người Hà Nội gốc đã rời xa Hà Nội. Thế còn những người Hà Nội bây giờ, những người Hà Nội mới là từ đâu tới?

Ly: Những người Hà Nội mới đa số bây giờ là từ các vùng miền khác tới. Đa số bây giờ những người từ các miền quê lên rất đông. Người Hà Nội gốc bây giờ còn rất ít. Cho nên, có nhiều thay đổi và Hà Nội không còn được nguyên vẹn như trước nữa.

Trà Mi: Như Ly chia sẻ, mình cũng đọc được nhiều bài viết nói rằng những nét đặc trưng của Hà Nội, giờ đây cũng đã biến chuyển nhiều, đã có nhiều hương vị pha trộn vì nhiều lý do, mà trong đó yếu tố cư dân là chủ yếu. Ngoài ra, còn những thay đổi nào khác, những gì người Hà Nội vốn tự hào mà tới nay bị vắng bóng?

Ly: Ở Hà Nội bây giờ, những nơi giữ được nét cổ xưa còn rất ít. Thật sự những gì còn bây giờ đã qua trùng tu, sửa chữa rồi. Thật khó tìm được một nơi cổ kính như ngày xưa. Mạn phố cổ bây giờ hầu như đều bị thương mại hóa. Các cửa hàng, cửa hiệu, dịch vụ mọc lên, làm mất đi các nét cổ của Hà Nội, cũng hơi buồn.

Trà Mi: Lịch sử văn hóa lâu đời của Hà Nội so với nếp sống của người Hà Nội mới ngày nay có những nét nào khác biệt chính?

Bích: Mình cũng thấy như Ly. Những nơi danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử bị thương mại hóa nhiều quá. Xung quanh những nơi này, họ buôn bán, giữ xe…Thành ra, mình cảm thấy xô bồ, chứ không mang vẻ trang nghiêm, cổ kính mà Hà Nội vốn có.

Trà Mi: Đó là những nét đặc trưng về văn hóa, còn về đời sống chính trị-kinh tế của Hà Nội khác với những vùng miền khác ra sao?

Ly: Vấn đề kinh tế chúng ta bàn sau. Còn vấn đề chính trị, em thấy đây là vấn đề rất “nhạy cảm” ở đây. Hà Nội là thủ đô nên các cơ quan đầu não của chính phủ, của nhà nước Việt Nam đều đặt hết ở đây. Cho nên, em cảm thấy không khí chính trị ở đây khác hơn những chỗ khác. Ví dụ như ở đây muốn mở mồm bàn tán về các vấn đề chính trị cũng không dám, sợ nói ra “tai vách mạch rừng”. Sinh viên bọn em không bao giờ dám bàn tán đến những việc như các cuộc biểu tình ở đại sứ quán (Trung Quốc về Hoàng Sa-Trường Sa). Vì đất nước mình chỉ có một đảng, nên có thể ở thủ đô này mang tính ca ngợi, tôn sùng thái quá. Mình cảm giác là vấn đề “tự do” ở đây hơi bị thiếu.

Trà Mi: Dân Hà Nội ở ngay thủ đô, trung tâm chính trị, mà không dám bàn về chính trị?

Ly: Không dám đâu chị ạ.

Hương: Thực tế bây giờ ở Hà Nội, mọi người đều sợ bị ảnh hưởng, sợ liệu mình nói ra có ai đấy nghe thấy rồi báo chính quyền biết không. Ai cũng sợ bị “ảnh hưởng”.

Trà Mi: Về kinh tế thì sao? Đời sống kinh tế của người dân Hà Nội so với những nơi khác thế nào?

Ly: Hà Nội là thủ đô, nó phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn nhiều so với những nơi như Hải Phòng quê em, hoặc các tỉnh khác. Mọi người đều nhận ra những thay đổi kinh tế. Các nhà cao tầng mọc lên, các công ty nước ngoài đầu tư vào rất nhiều để phát triển. Tuy nhiên, có một cái mà mãi không thấy đầu tư đó là cơ sở hạ tầng. Đường sá ở đây chẳng thay đổi gì. Vào Sài Gòn, em thấy dân Sài Gòn làm việc hết sức và hưởng theo đúng năng lực của mình. Ngoài Hà Nội thì không được như thế. Nếu nhà anh có chức, có quyền, có “cơ”, thì anh sẽ có một cuộc sống khác hẳn với thường dân. Em nhận thấy phân biệt giàu nghèo ngoài Hà Nội này rất rõ rệt, khác với Sài Gòn. Trong Sài Gòn, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Còn Hà Nội thì không, người giàu ngày càng giàu, người nghèo ngày càng nghèo hơn. Khoảng cách này ai cũng có thể nhận ra, nhưng không thấy các cấp lãnh đạo có biện pháp tăng trưởng kinh tế đồng đều, giảm bớt khoảng cách giàu nghèo.

Bích: Mình thấy người Hà Nội chăm chút bề ngoài hơn. Xe cộ phải xịn, nhà phải to đẹp, chứ không như người Nam. Ly nói về phân biệt giàu nghèo, mình thấy đúng.

Trà Mi: Một lời giới thiệu tóm tắt về Hà Nội với một người bạn từ phương xa, các bạn sẽ giới thiệu về Hà Nội ngày nay như thế nào?

Ly: Hà Nội của tôi rất đẹp, nhưng sẽ đẹp hơn nữa nếu như bạn đến thăm Hà Nội vào thời điểm trước đây. Thời thơ ấu của em, Hà Nội đẹp nhất.

Hương: Trước đây Hà Nội rất cổ kính, rất đẹp, với “mái ngói thâm nâu” và những con phố dài, một Hà Nội rất rêu phong. Bây giờ những nét đẹp này đã mất rất nhiều. Hà Nội bây giờ đang thay đổi theo đúng nhịp đập của đất nước, càng ngày càng phát triển, và có nhiều cái đã dần mất đi. Em thấy những sự thay đổi này tuy cũng có tính tích cực, nhưng những điểm tiêu cực thì mình nhận thấy rõ ràng hơn.

Trà Mi: Bích có ghi nhận nào khác?

Bích: Có một điều nữa, mình từng nghĩ người Hà Nội cổ kính lắm, nên cứ hy vọng là ra ngoài này sẽ nhìn thấy rất nhiều tà áo dài. Nhưng hiện giờ, mình không thấy một tà áo dài nào ở Hà Nội hết, từ mùa hè đến mùa đông. Mình rất ngạc nhiên. Trong khi ở Sài Gòn, lễ Tết mọi người hay mặc áo dài đi chùa, học sinh thì mặc áo dài đi học. Ngoài này hơi hiếm áo dài. Mình không hiểu vì sao một thành phố cổ như thế mà lại ít người mặc áo dài như thế.

Trà Mi: Học sinh ở Hà Nội không mặc áo dài đi học mà có đồng phục riêng?

Ly: Học sinh chỉ có mặc áo dài trong ngày khai giảng hoặc bế giảng năm học, chứ không còn như ngày trước.

Trà Mi: Còn trang phục truyền thống nhất của người Hà Nội, áo tứ thân, thì sao?

Bích: Áo tứ thân thì mình càng không thấy ở đây.

Ly: Áo tứ thân chỉ xuất hiện ở các nhà hàng thôi. Mấy cô nhân viên nhà hàng mặc đồng phục áo tứ thân, hoặc trong các buổi biểu diễn văn nghệ thì còn thấy áo tứ thân, chứ không còn gặp áo tứ thân ở Hà Nội bây giờ nữa.

Trà Mi: Đó là những nét đặc trưng về Hà Nội mà những người bạn trẻ đang sống tại Hà thành ghi nhận và chia sẻ. Trong buổi tái ngộ tuần sau, chúng ta sẽ bàn về những điểm chưa hay, chưa đẹp, mà giới trẻ mong muốn được cải thiện, cũng như ước mơ của họ về Hà Nội trong tương lai. Mời quý vị đón nghe.

Quý thính giả là người Hà Nội, là người phương xa tới Hà Nội sinh sống, hoặc đã từng có dịp ghé thăm Hà Nội, xin mời chia sẻ quan điểm với chương trình ngay bên dưới bài này, trong chuyên mục Tạp chí Thanh Niên trên website của VOA www.voatiengviet.com, hoặc trên trang Facebook của chúng tôi.

Tạp chí Thanh niên rất mong nhận được ý kiến tham luận của quý vị và các bạn, và xin hẹn trở lại vào giờ này, tuần sau.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG