Đường dẫn truy cập

Lễ Giáng Sinh 2009 tại Việt Nam


Lễ Giáng Sinh 2009 tại Việt Nam
Lễ Giáng Sinh 2009 tại Việt Nam

<!-- IMAGE -->

Giáng Sinh năm nay đến với người dân Việt Nam giữa bối cảnh Năm Thánh vừa mở màn và những ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn còn nặng nề. Bầu không khí Noel 2009 trong nước ra sao? Trà Mi ghi nhận.

Từ Sài Gòn, thành phố thương mại sầm uất vào bậc nhất của cả nước, anh Bảo, một cư dân quận 3 không theo đạo Công giáo, mô tả khung cảnh sinh hoạt của người Sài Thành trong mùa Giáng Sinh năm nay:

"Không khí Noel năm nay nói chung cũng rất vui. Mọi người đi lễ cũng như đi chơi đông lắm. Người ta dự lễ nhà thờ đông lắm, khoảng 10-11 giờ đêm là kẹt xe cứng ngắt luôn."

VOA: Những khó khăn ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế có ảnh hưởng đến sự an vui đêm Giáng Sinh của bà con ở Sài Gòn không?

Cư dân Sài Gòn: Ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế từ đầu năm tới giờ đã hiển thị rất rõ. Người ta bớt chi tiêu đi. Giáng Sinh mọi năm người ta giăng nhiều đèn hơn, lễ lạc trong nhà thờ cũng hoành tráng hơn. Năm nay cũng có nhưng ít hơn. Năm ngoái chính quyền có tổ chức lễ hội Noel, có chương trình ca nhạc nữa. Năm nay thì không, chỉ giăng đèn thắp sáng đường phố thôi. Mình có tới các xóm đạo ở quận 8, 6, và Tân Bình. Năm ngoái giáo dân giăng đèn nhiều, trong nhà làm lễ tiệc rất hoành tráng. Năm nay ít sôi động hơn mấy năm trước.

Cách trung tâm của miền Nam không bao xa, bà Diễm, nông dân ở huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, cho biết người dân nghèo ở nông thôn không ăn mừng lễ Giáng Sinh:

"Nói chung ở xóm này không nghe ai nhắc tới vụ Giáng Sinh gì hết. Dân ở đây nghèo khổ lắm, không dư dả gì. Ban ngày lo đi làm thuê, làm mướn, tối về nhà ngủ thôi, chứ không ai nghĩ tới Giáng Sinh hết."

VOA: Không có không khí Noel tại đây, nhưng bà có coi TV, có thấy được không khí Noel ở các thành phố lớn như thế nào không?

Nông dân Kiên Giang: Nhà nghèo khổ muốn chết luôn, đâu có TV đâu mà coi, lo làm cả ngày chứ đâu có TV để bắt coi đâu.

Ở Phú Yên, nơi bị các trận bão lớn trong năm nay tàn phá nặng nề nhất, một cư dân địa phương nói về bầu không khí Giáng Sinh tại đây:

"Nói chung cơn bão vừa qua nên không khí Noel cũng còn buồn chứ không vui và đầy đủ như mọi năm. Khung cảnh ở đây còn hoang tàn lắm nên Noel không đầm ấm như mấy năm trước."

VOA: Ở đây bà con Công giáo có đông không chị?

Cư dân Phú Yên: Cũng đông chứ, nhưng các sinh hoạt lễ không được như trước vì tiền bạc cũng còn thiếu thốn, trang trí cũng thua mọi năm, không đầy đủ.

VOA: Còn các nhà thờ Công giáo ở đó thì sao?

Cư dân Phú Yên: Cũng đã được sửa chữa nhưng không khí Noel không có vì kinh tế thiếu thốn.

Linh mục Nguyễn Thành Phương thuộc giáo xứ Ngọc Hồ, thượng nguồn sông Hương của thành phố Huế, kể về lễ Giáng Sinh của giáo dân nơi này:

"Ở đây giáo xứ cũng nhỏ thôi, khoảng 450 giáo dân. Năm nay Giáng Sinh họ cũng rất vui mừng, vui tươi, chẳng hạn như tối nay có lễ cây thông, phát quà cho các em thiếu nhi. Ở giáo xứ Ngọc Hồ đây, công giáo chiếm 90%. Bầu không khí Noel ở đây cũng rất ấm cúng, chia sẻ với nhau tình yêu thương, tình người."

Còn người dân ở Thanh Hóa đón Noel năm nay như thế nào? Mục sư Tin Lành Nguyễn Hồng Phúc từ thành phố Thanh Hóa nhận xét:

"Cảm ơn Chúa, chúng tôi đón Giáng Sinh rất thoải mái mặc dù một số hội thánh của chúng tôi chưa được tự do. Tuy nhiên, chúng tôi nhóm Giáng Sinh rất là vui, khoảng 600-700 người. Lễ hội Giáng Sinh cũng một phần bị ảnh hưởng kinh tế. Nếu nền kinh tế không bị khủng hoảng thì có lẽ sẽ nhiều hơn. Ví dụ như năm nay sau buổi lễ, chúng tôi phải cố gắng lắm mới lo được cho con cái Chúa một ít thức ăn trước khi họ ra về."

Hỏi thăm không khí Noel ở thành phố Vinh, chúng tôi được một giáo dân thuộc giáo xứ Yên Đại cho biết:

"Không khí Noel ở đây rất là sôi động, vui vẻ, có những chương trình làm suốt cả đêm."

VOA: Nếu so sánh với những năm trước đây thì Noel năm nay có gì đặc biệt không?

Giáo dân ở Vinh: Riêng ở thành phố Vinh cũng không thấy gì đặc biệt cả, cũng xoàng xoàng vậy thôi. Năm nay thời tiết không lạnh bằng những năm khác nên nhiều người tham dự lễ hơn. Đường phố bị tắt nghẽn cho đến mãi khuya mới có thể đi lại bình thường được.

Giáng Sinh cũng là dịp bày tỏ những lời chúc lành và những niềm hy vọng. Cộng đồng Công giáo tại Việt Nam có ước vọng gì nhân mùa Giáng Sinh và sự kiện Năm Thánh? Anh Hiệu, một bạn trẻ theo Thiên Chúa Giáo tại Hà Nội, chia sẻ:

"Là một người Công giáo, em ước sao Giáng Sinh không chỉ đến với người giàu không thôi mà sẽ đến với người nghèo nữa. Như sinh viên tụi em năm nay có thực hiện chương trình bác ái giúp người nghèo. Em có về quê nên em biết. Người giàu mới có quan niệm về Giáng Sinh. Họ tổ chức ăn uống linh đình rồi ra đường đi chơi. Nhà cửa được trang hoàng hang đá. Còn nói về tự do tôn giáo thì nhân lễ Giáng Sinh, em mong rằng chính quyền sẽ hiểu hơn về nhu cầu tín ngưỡng của người dân và mong sao những luật lệ siết chặt đối với đạo Công giáo sẽ được nới lỏng ra. Đó là mong ước của em."

Mục sư Tin Lành Nguyễn Xuân Phúc từ Thanh Hóa bày tỏ:

"Dù nhà nước đã có chỉ thị về tôn giáo rất rõ ràng, đặc biệt là chỉ thị 01, nhưng chúng tôi hy vọng và đang chờ đợi Thanh Hóa, dù là có chậm hơn các tỉnh khác, nhưng trước hay sau, cũng sẽ mở cửa tự do tôn giáo. Vì nếu như không mở cửa tự do tôn giáo thì các vấn đề khác như phát triển kinh tế cũng bị hạn chế. Vì vậy, chúng tôi hy vọng cánh cửa tôn giáo sẽ góp một phần trong bước đi xây dựng đất nước. Sự tự do mà chúng tôi muốn là tất cả các giáo hội sẽ được đăng ký và được xây dựng lại nơi thờ phượng của họ."

Việt Nam là quốc gia có dân số theo đạo công giáo lớn thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, với trên 6 triệu tín đồ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG