Đường dẫn truy cập

Australia theo dõi sát cuộc bầu cử ở Mỹ


Nhân dân Úc đang theo dõi rất sát cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ và có những dấu hiệu cho thấy cuộc tranh cử này sẽ giúp họ có ý kiến tốt hơn về Hoa Kỳ. Theo ghi nhận của thông tín viên Phil Mercer của đài VOA đang có mặt tại Sydney, kết quả cuộc bầu cử có thể tạo những ảnh hưởng quan trọng đối với bang giao giữa hai nước.

Từ nhiều tháng nay, cuộc chạy đua ráo riết vào tòa Bạch Ốc đã chế ngự các phương tiện truyền thông ở Úc.

Sức mạnh chung của nền kinh tế Hoa Kỳ, lực lượng quân sự, và nền văn hóa Mỹ chi phối phần lớn các diễn biến trên thế giới. Giáo sư Geoffrey Garrett, người đứng đầu Trung tâm Khảo cứu về Hoa Kỳ tại đại học Sydney nghĩ rằng cuộc bầu cử tổng thống kỳ này quan trọng hơn phần lớn các cuộc bầu cử khác mà ta còn nhớ được.

Giáo sư Garrett nói: “Tôi nghĩ mức rủi ro của cuộc bầu cử này cao hơn, không riêng ở Hoa Kỳ mà ở khắp nơi trên thế giới, bởi phản ứng của người Mỹ đối với biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã biến thập niên 2000 trở thành một thập niên mang tính cách khá thù địch, và tôi cho rằng giờ đây thế giới đang theo dõi xem Hoa Kỳ có thể quay trở lại với sinh hoạt chính mạch toàn cầu nhiều hơn hay không.”

Một cuộc thăm dò mới đây trên khắp thế giới về cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ cho thấy 76% người Úc muốn ứng cử viên của đảng dân chủ là ông Barack Obama đắc cử, và 10% muốn ứng cử viên đối thủ là ông John McCain thắng cử.

Trong cuộc thăm dò do báo Readers' Digest thực hiện, 17% người dân Úc được hỏi đã trả lời rằng họ ủng hộ chính phủ Hoa Kỳ, so với 67% không có ý kiến, và khoảng 15% chống đối.

Tuy nhiên, có 58% nói rằng họ sẽ có ý kiến tốt hơn về Hoa Kỳ nếu ông Obama đắc cử, so với tỷ lệ 15% dành cho ông McCain.

Úc và Hoa Kỳ là đồng minh thân thiết từ những thập niên 1950. Đó cũng là một liên minh bền bỉ như chúng ta đã chứng kiến quân đội Úc phục vụ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, cũng như gần đây hơn tại Iraq và Afghanistan.

Mối bang giao đó - và những bảo đảm viện trợ quân sự kèm theo - cần thiết đối với Canberra nhiều hơn so với Washington. Phần đóng góp của Úc trong cuộc chiến tại Iraq cũng như tại Afghanistan được các chuyên gia mô tả là “một sự duy trì liên minh”- một sự cần thiết về mặt ngoại giao để bảo đảm rằng chiếc dù an ninh của Hoa Kỳ cung cấp cho Úc được nguyên vẹn.

Giáo sư Garrett nói rằng Úc có thể trông đợi chính phủ sắp tới của Hoa Kỳ sẽ yêu cầu Úc đóng góp thêm tại Afghanistan.

Giáo sư Garrett nói: “ Thủ tướng Úc, ông Kevin Rudd, không những nói là ông muốn rút lực lượng tác chiến ra khỏi Iraq, mà còn nói rằng Afghanistan là cuộc chiến chính đáng, giống y như ông Obama đã tuyên bố. Vì thế, tôi hình dung ra rằng vị tổng thống kế tiếp của Hoa Kỳ sẽ đề nghị thủ tướng Rudd gia tăng sự tham dự của Úc tại Afghanistan trong năm 2009 hay 2010.”

Bất kể quan hệ mật thiết với Hoa Kỳ, người dân Úc nói chung đã thất vọng với chính quyền của tổng thống Bush. Trong một thăm dò của của đại học Sydney hồi năm ngoái, 45% dân chúng Úc tỏ ý không tán thành chính phủ Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, cựu Phó thủ tướng Kim Beazley không cho rằng công luận tại Úc hoàn toàn phản đối liên minh với Hoa Kỳ.

Ông Beazley nói: “Mặc dù có sự phản đối mạnh về chiến tranh Iraq và điều không may là sự phản đối này lại rơi vào đúng lúc nước Úc tham chiến tại Afghanistan, tôi nghĩ rằng chỉ có một số ít người Úc rút lại sự ủng hộ cơ bản của họ dành cho liên minh với Hoa Kỳ. Chuyện này không nhất thiết xảy ra ở các nơi khác trên thế giới. Chuyện này có lẽ chỉ xảy ra tại Úc.”

Ông Beazley nghĩ rằng các vấn đề tài chánh hiện tại trên thế giới sẽ giúp cho ông Barack Obama chiến thắng, và ông gọi cuộc bầu cử ở Mỹ năm nay là “cuộc tranh cử gây nhiều chú ý nhất kể từ cuộc đua giữa hai ông Kennedy và Nixon năm 1960.”

Ông Beazley nói: “Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, thì nếu không nhờ cuộc khủng hoảng kinh tế này thì ông ấy sẽ không vượt qua được lằn ranh cách biệt. Nhưng nay thì dường như có phần chắc là ông ấy sẽ làm được điều ấy.”

Một năm trước đây, cử tri tại Úc đã mở đầu một kỷ nguyên chính trị mới khi khi họ đưa lãnh tụ đảng Lao Động là ông Kevin Rudd lên cầm quyền, chấm dứt một thập niên của chính quyền bảo thủ. Người Úc đang trông đợi người Mỹ cũng sẽ làm như thế vào ngày 4 tháng Mười một.

Một người dân trên đường phố Sydeny cho biết: “Tôi tin ông Obama sẽ là Tổng thống da đen đầu tiên. Tôi muốn nói là có lẽ đó là điều đầu tiên mọi người chờ xem. Vâng, khả năng rất cao có thể xảy ra một sự kiện như thế, trong một nước Mỹ vẫn còn phân biệt chủng tộc, dứt khoát là như thế.”

Tuy nhiên , vài người dân Úc khác, giống như phụ nữ này, không tin rằng ông Obama có các điều kiện cần thiết để lãnh đạo cường quốc mạnh nhất thế giới hiện nay.

Bà nói: “Khi nói đến ông Obama, tôi nghĩ đến tình hình thế giới có vẻ nguy hiểm hiện nay. Mọi thứ đều có vẻ bất định. Tôi nghĩ ông ta là một người có nhiều khả năng đem lại những cải cách, và vì thế rất đáng chú ý. Còn ông McCain theo tôi nghĩ thuộc thế hệ cũ. Ông ta có lẽ là người tôi không thích lắm, song có thể nhiều người cảm thấy an tâm hơn nếu ông ta đắc cử.

Trong một cuộc thăm dò khác mới đây do tổ chức Gallup thực hiện, 76% dân chúng Úc nói rằng cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng tới đất nước của họ. Cũng theo cuộc thăm dò đó, 64% người dân Úc muốn Obama đắc cử, so với 14% ủng hộ ông McCain.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG