Đường dẫn truy cập

Một phần quân Nga quay về căn cứ, Ukraine phản ứng thận trọng


Bức ảnh này do Cơ quan Báo chí Bộ Quốc phòng Nga cung cấp vào ngày 14/2/2022 cho thấy xe tăng Nga tại một thao trường trong cuộc tập trận quân sự ở vùng Leningrad, Nga.
Bức ảnh này do Cơ quan Báo chí Bộ Quốc phòng Nga cung cấp vào ngày 14/2/2022 cho thấy xe tăng Nga tại một thao trường trong cuộc tập trận quân sự ở vùng Leningrad, Nga.

Ngày 15/2, Nga cho biết một số đơn vị quân đội của họ quay về căn cứ sau các cuộc tập trận gần Ukraine, sau những ngày Mỹ và Anh cảnh báo rằng Moscow có thể xâm lược quốc gia láng giềng bất cứ lúc nào.

Chưa rõ có bao nhiêu đơn vị đã được rút đi và đi với khoảng cách bao xa, sau khi đã có ước tính khoảng 130.000 quân Nga được tăng cường ở phía bắc, đông và nam Ukraine.

Diễn biến này dẫn đến phản ứng thận trọng từ phía Ukraine và Anh, đồng thời cũng thúc đẩy một đợt phục hồi mạnh mẽ trên thị trường tài chính. Các nhà phân tích quân sự phương Tây cho rằng vẫn còn quá sớm, chưa thể xác định chắc chắn là mức độ xuống thang sẽ ra sao.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Chúng tôi lâu nay vẫn luôn khẳng định rằng quân đội sẽ trở về căn cứ sau khi tập trận kết thúc. Lần này cũng vậy”.

Ông cáo buộc Hoa Kỳ đã đổ thêm dầu vào lửa của cuộc khủng hoảng bằng cách cảnh báo nhiều lần về một cuộc xâm lược sắp xảy ra, đến mức ông Peskov nói rằng Tổng thống Vladimir Putin đã có những câu chuyện hài hước về điều đó.

“Ông ấy yêu cầu (chúng tôi) tìm hiểu xem liệu thời gian chính xác bắt đầu cuộc chiến đã được công bố hay chưa. Không thể hiểu được sự điên rồ của thông tin này”, ông Peskov nói với các phóng viên.

Anh, quốc gia cùng với Hoa Kỳ dẫn đầu những cảnh báo về hành động sắp xảy ra, đã phản ứng một cách thận trọng.

“Nga tuyên bố họ không có kế hoạch xâm lược, nhưng chúng tôi cần phải chứng kiến một việc rút toàn bộ quân đội thì mới tin là điều đó đúng”, Ngoại trưởng Liz Truss nói với đài LBC.

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết Kyiv sẽ chỉ tin rằng Nga đang tiến tới hạ nhiệt tình hình nếu chính mắt họ thấy quân đội Nga đang được rút đi.

“Nếu chúng tôi thấy rút binh, thì chúng tôi sẽ tin là có sự giảm leo thang”, Interfax Ukraine dẫn lời ông nói.

Thực thi nhiệm vụ mới nhất của phái bộ ngoại giao phương Tây nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bắt đầu cuộc hội đàm với ông Putin tại Điện Kremlin.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trong khi các cuộc tập trận quy mô lớn trên cả nước vẫn tiếp tục diễn ra, một số đơn vị của quân khu phía Nam và phía Tây giáp Ukraine đã hoàn thành diễn tập và bắt đầu trở về căn cứ.

Quân khu miền Nam cho biết các lực lượng của họ đã bắt đầu rút khỏi Crimea và trở về căn cứ sau khi hoàn thành các cuộc tập trận trên bán đảo mà Nga sáp nhập từ tay Ukraine vào năm 2014.

Đoạn video do Bộ Quốc phòng công bố cho thấy một số xe tăng và các phương tiện bọc thép khác đang được đưa lên các toa tàu.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói: “Ngày 15/2/2022 sẽ đi vào lịch sử là ngày tuyên truyền chiến tranh của phương Tây thất bại. Nhục nhã và thất bại mà không hề có một phát súng nào bắn ra”.

Cổ phiếu Nga, trái phiếu chính phủ và đồng rúp, vốn bị ảnh hưởng bởi lo ngại xung đột sắp xảy ra, đã tăng mạnh và trái phiếu chính phủ Ukraine cũng tăng giá.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG