Đường dẫn truy cập

Đức chế tài Ả Rập Xê-út sau vụ sát hại nhà báo Khashoggi


Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, trái, và ngoại trưởng Đức Heiko Maas, trao đổi các văn kiện tại Villa Borsig ở Berlin, ngày 7/5/2018.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, trái, và ngoại trưởng Đức Heiko Maas, trao đổi các văn kiện tại Villa Borsig ở Berlin, ngày 7/5/2018.

Đức ngày 19/11 cấm các công dân Ả Rập Xê-út tình nghi có liên hệ đến vụ giết nhà báo Jamal Khashoggi nhập cảnh vào hầu hết các nước châu Âu, đồng thời Berlin cũng ngưng bán vũ khí cho vương quốc này. Đây là hành động xác nhận lập trường cứng rắn của Đức đối với Riyadh.

Lệnh cấm này ràng buộc tất cả thành viên Liên hiệp Châu Âu trong khu vực miễn visa Schengen, cho thấy Đức muốn dùng ảnh hưởng của mình như là một nước lớn nhất trong EU thúc đẩy một lập trường cứng rắn. Những người bị nhắm mục tiêu trong lệnh cấm là 18 công dân Ả Rập Xê-út bị nghi đóng một vai trò trong việc giết ông Khashoggi tại tòa lãnh sự Ả Rập Xê-út ở Istanbul.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức Christofer Burger nói trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với hai nước bạn Pháp và Anh để ghi lệnh cấm vào châu Âu bên cạnh tên những người này trong hệ thống dữ liệu Schengen.”

Phát ngôn viên này sau đó nói thêm là chính phủ sẽ cắt việc xuất khẩu vũ khí bằng cách làm áp lực lên các nhà sản xuất vũ khí có giấp phép xuất khẩu còn hiệu lực phải ngưng chuyển vận các mặt hàng đã được cho phép.

Động thái này biểu hiện lập trường mạnh mẽ của Đức sau khi đã cấm cấp giấy phép xuất khẩu vũ khí trong tương lai cho Ả Rập Xê-út hồi tháng trước cho đến khi nào vụ án mạng của ông Khashoggi được làm sáng tỏ.

Bất cứ thành viên nào của khu vực 26 nước Schengen cũng có thể đơn phương áp đặt lệnh cấm vào châu Âu đối với bất cứ người nào bị xem như là một mối nguy về an ninh.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas nói với các phóng viên tại Brussels là quyết định này có sự phối hợp chặt chẽ với Pháp, vốn là nước trong khu vực Schengen, cùng sự phối hợp với Anh, nước không thuộc khu vực Schengen.

Ông nói các nước EU bày tỏ “sự ủng hộ mạnh mẽ” đối với quyết định này khi ông thuyết trình cho họ ngày 19/11 tại Brussels.

Một nữ phát ngôn viên của Bộ Nội vụ nói lệnh cấm sẽ được áp dụng ngay cả những người bị chế tài có hộ chiếu ngoại giao, thường được miễn trừ cho các thành viên của hoàng gia và các nhà ngoại giao cao cấp của Ả Rập Xê-út.

Cùng ngày 19/11, Pháp loan báo sẽ sớm quyết định về việc chế tài các cá nhân có liên hệ đến vụ sát hại nhà báo Khashoggi.

Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian cho biết “Chúng tôi đang làm việc rất sát với Đức vào thời điểm này… và chúng tôi sẽ nhanh chóng tự quyết định một số trừng phạt nhất định.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG