Đường dẫn truy cập

Ổn định và an ninh dường như là điều xa vời ở Ai Cập


Người ủng hộ Tổng thống Ai Cập bị lật đổ Mohamed Morsi tuần hành từ đền thờ Hồi giáo Al-Fath tới Bộ Quốc phòng ở Cairo, ngày 30/7/2013.
Người ủng hộ Tổng thống Ai Cập bị lật đổ Mohamed Morsi tuần hành từ đền thờ Hồi giáo Al-Fath tới Bộ Quốc phòng ở Cairo, ngày 30/7/2013.
Triển vọng về việc nhanh chóng thiết lập ổn định ở Ai Cập ngày càng xa vời trong bối cảnh phong trào Huynh đệ Hồi giáo kêu gọi các ủng hộ viên tiếp tục xuống đường để yêu cầu phục chức cho Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi. Theo tường thuật của thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA, các nhà lãnh đạo trên thế giới đang thúc giục hai bên kình chống nhau tại Ai Cập đạt thỏa hiệp.

Các ủng hộ viên của Tổng thống Ai Cập bị lật đổ Mohamed Morsi quyết sẽ tiếp tục biểu tình cho tới khi ông trở lại nắm quyền, dù hơn 80 người ủng hộ ông đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ gần đây.

Hôm qua, hàng trăm phụ nữ đã tuần hành ở Cairo, kêu gọi phục chúc cho ông Morsi.

“Tôi tới đây để bày tỏ ý kiến của mình và cho cả thế giới biết rằng đây không phải là một cuộc cách mạng mà là một cuộc đảo chính quân sự phi pháp”.

Cuộc tuần hành diễn ra trùng hợp với chuyến công du Ai Cập của người phụ trách chính sách đối ngoại của Liên hiệp châu Âu Catherine Ashton. Bà Ashton là giới chức nước ngoài đầu tiên tới gặp cựu tổng thống hiện bị câu lưu.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đề nghị các thượng nghị sỹ đều thuộc Ủy ban Quân sự của quốc hội Hoa Kỳ là John McCain và Lindsey Graham công du Ai Cập vào tuần tới để thúc đẩy các cuộc bầu cử nhanh chóng ở nước này.

Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel hôm qua điện đàm với người đứng đầu quân đội Ai Cập Abdul Fattah al-Sissi để kêu gọi ông kiềm chế.

Chuyên gia phân tích Richard Fontaine, chủ tịch Trung tâm An ninh Tân Mỹ nói rằng cả Hoa Kỳ và châu Âu muốn thúc đẩy Ai Cập thực thi tiến trình dân chủ với sự tham gia của mọi phe phái.

“Khả năng xấu nhất là Huynh đệ Hồi giáo hoàn toàn bị đặt ra ngoài lề trong tiến trình chính trị nên trở nên bạo lực, hay tổ chức này liên minh với các nhóm sử dụng bạo lực. Điều đó sẽ làm tê liệt đất nước”.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Alhurra, ông Fontaine nói rằng quân đội Ai Cập phải có trách nhiệm đề ra một lộ trình chi tiết để phục hồi thể chế dân chủ dựa trên luật pháp và bất bạo động.

Trong khi đó, người Ai Cập tỏ ra mệt mỏi với tình trạng bạo lực trên đường phố và nói rằng điều họ mong muốn nhất là hòa bình và an ninh, bất kể ai là người nắm quyền.

“Tôi muốn đất nước trở lại thời kỳ an ninh được bảo đảm khi mà vợ của bạn cảm thấy an toàn khi đi trên đường phố. Chúng tôi không muốn gì hơn. Chúng tôi không muốn Hosni Mubarak hay Morsi, chỉ mong sự an toàn thôi”.

Hiện giờ, hòa bình và an ninh không phải là điều được đảm bảo ở Ai Cập.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG