Đường dẫn truy cập

WHO nói COVID tăng ở Trung Quốc không phải do mở phong tỏa


Người dân vào nhà ga Vũ Hán sau khi chính quyền Trung Quốc nới lỏng những hạn chế COVID-19.
Người dân vào nhà ga Vũ Hán sau khi chính quyền Trung Quốc nới lỏng những hạn chế COVID-19.

Số ca nhiễm COVID bùng nổ ở Trung Quốc trước khi chính phủ quyết định bỏ chính sách nghiêm ngặt “zero-COVID”, một giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết ngày 14/12, bác bỏ những ý kiến cho rằng sự đảo ngược chính sách đột ngột của Bắc Kinh đã gây ra một đợt bùng phát dịch bệnh.

Bình luận từ giám đốc phụ trách các trường hợp khẩn cấp của WHO Mike Ryan được đưa ra khi ông cảnh báo về sự cần thiết phải tăng cường tiêm chủng tại nền kinh tế số 2 thế giới.

Phát biểu tại một cuộc họp báo với giới truyền thông, ông cho biết virus đã lây lan “mạnh mẽ” trên toàn quốc từ rất lâu trước khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế.

Ông nói: “Hiện tại có ý kiến rằng Trung Quốc dỡ bỏ các quy định và bất thình lình dịch bệnh vượt khỏi tầm kiểm soát.”

“Dịch bệnh đang lan rộng vì tôi tin rằng chính các biện pháp kiểm soát đã không ngăn được dịch bệnh. Và tôi tin rằng Trung Quốc đã quyết định một cách chiến lược rằng đó không phải là lựa chọn tốt nhất nữa.”

Bắc Kinh bắt đầu xoay trục khỏi chính sách “zero-COVID” đặc trưng của mình trong tháng này sau các cuộc biểu tình phản đối các biện pháp phong tỏa gây thiệt hại kinh tế do Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra.

Việc bất ngờ nới lỏng các hạn chế đã khiến hàng dài người xếp hàng bên ngoài các phòng khám sốt, một dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy làn sóng lây nhiễm đang gia tăng, mặc dù số liệu thống kê chính thức về các ca bệnh mới có xu hướng giảm gần đây khi chính quyền nới lỏng việc xét nghiệm.

Trong báo cáo COVID gần đây nhất trong tuần lễ tính đến ngày 27/11, WHO cho biết Trung Quốc đã ghi nhận số ca nhập viện gia tăng trong 4 tuần liên tiếp.

Ông Ryan nói: “Vì vậy, thách thức mà Trung Quốc và các quốc gia khác vẫn phải đối mặt là: những người nào cần được tiêm chủng, tiêm chủng đầy đủ, đúng loại vắc-xin và đúng số lượng và lần cuối cùng những người đó tiêm vắc-xin là khi nào”.

Vắc-xin phương Tây

Sự phấn khích ở Trung Quốc trước những thay đổi trong chính sách cho phép mọi người sống chung với virus đã nhanh chóng phai nhạt trong bối cảnh lo ngại gia tăng về số ca nhiễm tăng do dân số thiếu “miễn dịch cộng đồng” và tỷ lệ tiêm chủng ở người già thấp.

Nhà dịch tễ học cao cấp của WHO Maria Van Kerkhove cho biết cơ quan của Liên hiệp quốc đang cung cấp tư vấn kỹ thuật cho Trung Quốc và ông Ryan nói có các kênh mở.

Trong số các thỏa thuận lớn đầu tiên được công bố về việc một nhà sản xuất thuốc phương Tây sẽ cung cấp cho Trung Quốc các liệu pháp điều trị COVID, công ty China Meheco Group cho biết hôm 14/12 rằng họ sẽ nhập khẩu và phân phối thuốc uống Paxlovid điều trị COVID-19 của Pfizer.

Trước đó trong cuộc họp báo, người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết ông “hy vọng” rằng đại dịch sẽ không còn được coi là tình trạng khẩn cấp toàn cầu trong năm tới.

COVID đã giết chết hơn 6,6 triệu người kể từ khi xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, ba năm trước.

Trong khi đó, cơ quan y tế hàng đầu của Trung Quốc hôm 14/12 cho biết quy mô thực sự của các ca nhiễm virus corona ở nước này hiện “không thể” theo dõi, với các quan chức cảnh báo các trường hợp đang gia tăng nhanh chóng ở Bắc Kinh sau khi chính phủ đột ngột từ bỏ chính sách zero- COVID.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết trong một tuyên bố hôm 14/12: “Nhiều người không có triệu chứng không còn tham gia xét nghiệm axit nucleic, vì vậy không thể nắm bắt chính xác số lượng người nhiễm không có triệu chứng thực tế”.

Điều đó được đưa ra sau khi Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan cho biết số ca nhiễm mới ở thủ đô đang “tăng nhanh”.

Hàng triệu người cao tuổi dễ bị tổn thương vẫn chưa được tiêm phòng đầy đủ và các bệnh viện thiếu kinh phí, thiếu nguồn lực để đối phó với dòng bệnh nhân bị nhiễm bệnh.

Nhà chức trách hôm 14/12 cho biết họ sẽ bắt đầu cho phép một số nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm những người từ 60 tuổi trở lên, được tiêm mũi tăng cường thứ hai sáu tháng sau lần tiêm đầu tiên.

Bắc Kinh vất v

Các nhà hàng, cửa hàng và công viên hiện đã được phép mở cửa trở lại nhưng người dân không tìm thấy con đường chung sống với virus một cách dễ dàng.

Nhiều người có triệu chứng đã chọn cách tự điều trị tại nhà, trong khi những người khác ở nhà để bảo vệ bản thân khỏi bị nhiễm bệnh.

Các doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn khi COVID-19 tràn lan trong dân số và tấn công đội ngũ nhân viên của họ.

Kết quả là, đường phố của thủ đô hầu như trống rỗng.

“Về cơ bản, tôi tuân theo yêu cầu của chính quyền Bắc Kinh, rằng người già nên ở nhà và đi ra ngoài ít nhất có thể”, một cư dân ở độ tuổi 80 cho biết.

Ông nói với AFP rằng ông không quá lo lắng vì ông nghĩ Omicron là nhẹ nhưng cho rằng “chớ nên cho thả lỏng và tự do hoàn toàn.”

“Nếu chúng ta chết, làm sao chúng ta có thể tự do, phải không?” ông nói.

Người dân đã phàn nàn về việc thiếu hụt thuốc cảm và xếp hàng dài tại các hiệu thuốc, trong khi công cụ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc cho biết số lượt tìm kiếm Ibuprofen hạ sốt đã tăng 430% trong tuần qua.

Nhu cầu tăng vọt đối với các xét nghiệm kháng nguyên và thuốc nhanh chóng tạo ra một thị trường chợ đen với giá cao ngất.

Nhà chức trách đang truy quét, với việc các cơ quan quản lý thị trường phạt một doanh nghiệp ở Bắc Kinh 43.000 đô la vì bán bộ dụng cụ xét nghiệm đắt đỏ, tờ Tin tức Bắc Kinh đưa tin hôm 13/12.

Trong một sự thay đổi lớn đối với một quốc gia mà việc nhiễm virus từng là điều cấm kỵ và những bệnh nhân đã hồi phục phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, giờ đây mọi người sử dụng mạng xã hội để khoe kết quả xét nghiệm và mô tả chi tiết về trải nghiệm của họ khi bị bệnh.

Wang, một cư dân Bắc Kinh ở độ tuổi 50, nói với AFP: “Tôi nghĩ mọi người đã quen với điều đó. Họ đã tiếp tục sinh hoạt.”

Diễn đàn

XS
SM
MD
LG