Đường dẫn truy cập

Chính quyền Trung Quốc truy lùng người biểu tình về COVID


Công an tập trung đến địa điểm của cuộc biểu tình chống các biện pháp hạn chế COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 28/11/2022 sau buổi cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ hỏa hoạn ở Urumqi.
Công an tập trung đến địa điểm của cuộc biểu tình chống các biện pháp hạn chế COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 28/11/2022 sau buổi cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ hỏa hoạn ở Urumqi.

Chính quyền Trung Quốc bắt đầu điều tra một số người tụ tập tại các cuộc biểu tình hồi cuối tuần vừa qua chống lại các biện pháp kiềm chế COVID-19, những người có mặt tại các cuộc biểu tình ở Bắc Kinh nói với Reuters, khi vẫn còn nhiều công an trên đường phố.

Hai người biểu tình nói với Reuters rằng những người tự nhận là công an Bắc Kinh vào thứ Ba 29/11 đã yêu cầu họ khai báo trên giấy với đồn công an về các hoạt động của họ vào tối Chủ nhật 27/11. Một sinh viên cũng cho biết đã bị trường đại học hỏi có ở trong khu vực xảy ra biểu tình hay không và làm bản tường trình.

“Tất cả chúng tôi đang cố gắng xóa bản lưu các cuộc trò chuyện của mình”, một người khác từ chối nêu tên đã chứng kiến cuộc biểu tình ở Bắc Kinh nói. Người này cho biết công an đã hỏi làm thế nào mà họ biết về cuộc biểu tình và động cơ của họ đi tới đó là gì.

Không rõ làm thế nào chính quyền xác định được những người mà họ muốn thẩm vấn về việc tham gia biểu tình, và cũng không rõ chính quyền muốn thẩm vấn bao nhiêu người.

Văn phòng Công an Bắc Kinh không đáp lại lời đề nghị bình luận của Reuters. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói các quyền và tự do phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật.

Sự bất mãn âm ỉ với các chính sách ngăn chặn COVID nghiêm ngặt 3 năm sau khi đại dịch bùng phát đã biến thành các cuộc biểu tình ở các thành phố cách nhau hàng nghìn kilomet vào cuối tuần qua.

Làn sóng bất tuân dân sự lớn nhất ở Trung Quốc đại lục kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền cách đây một thập niên xảy ra khi số ca mắc COVID đạt mức cao kỷ lục hàng ngày và nhiều vùng rộng lớn thuộc một số thành phố phải đối mặt với các đợt phong tỏa mới.

Một quan chức y tế cho rằng công chúng than phiền về các biện pháp kiểm soát COVID chủ yếu là do việc triển khai không linh hoạt.

“Các vấn đề được công chúng nêu ra không nhằm vào bản thân công tác phòng chống dịch bệnh mà tập trung vào việc đơn giản hóa các biện pháp phòng chống và kiểm soát”, Cheng Youquan nói với các phóng viên, đồng thời nói thêm rằng nhà chức trách nên khẩn cấp giải quyết các mối lo ngại.

COVID đã lan rộng mặc dù Trung Quốc nhìn chung vẫn tự cô lập mình với thế giới và yêu cầu người dân phải hy sinh nhiều điều để tuân thủ việc xét nghiệm thường xuyên và cách ly kéo dài.

Phong tỏa đã làm trầm trọng thêm một trong những đợt suy giảm tăng trưởng mạnh nhất mà Trung Quốc phải gánh chịu trong nhiều thập niên, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và làm chao đảo thị trường tài chính.

Chứng khoán Trung Quốc và đồng nhân dân tệ tăng giá khi các nhà đầu tư đặt cược rằng các dấu hiệu bất mãn dân sự có thể thúc đẩy việc nới lỏng các hạn chế và cổ vũ cho việc nới lỏng các quy định về huy động vốn cho các hãng phát triển bất động sản.

Chỉ số bluechip của Trung Quốc CSI300 tăng 3% trong phiên giao dịch tốt nhất trong ba tuần qua. Chỉ số tổng hợp Thượng Hải tăng 2,3% lên mức cao nhất trong hai tháng và Hang Seng của Hong Kong tăng 5%.

Kế hoạch tăng tỷ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi cũng giúp vực dậy tâm lý thị trường.

“THẬT ĐÁNG SỢ”

Tại Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang ở miền đông, các video trên mạng xã hội mà Reuters không thể kiểm chứng độc lập cho thấy hàng trăm công an chiếm một quảng trường lớn vào tối thứ Hai để ngăn người dân tụ tập.

Một video cho thấy công an, bao quanh bởi một đám đông nhỏ cầm điện thoại thông minh, tiến hành bắt giữ trong khi những người khác cố gắng kéo người bị giam giữ trở lại.

Công an Hàng Châu không bình luận lập tức với Reuters.

Tại Thượng Hải và Bắc Kinh, công an đang tuần tra các khu vực nơi một số nhóm trên dịch vụ nhắn tin Telegram đề nghị mọi người tụ tập trở lại. Sự hiện diện của công an vào tối thứ Hai là để đảm bảo không có cuộc tụ tập nào diễn ra.

“Thật đáng sợ”, Philip Qin, 22 tuổi, cư dân Bắc Kinh, nói về số lượng lớn công an trên đường phố.

Người dân cho biết công an đã yêu cầu người dân đi qua những khu vực đó đưa điện thoại để kiểm tra xem họ có mạng riêng ảo (VPN) và ứng dụng Telegram đã được người biểu tình sử dụng hay không. VPN bị coi là bất hợp pháp đối với hầu hết mọi người ở Trung Quốc, trong khi ứng dụng Telegram bị chặn khỏi Internet của Trung Quốc.

Một số người biểu tình đã sử dụng các ứng dụng hẹn hò để tránh bị công an kiểm duyệt và giám sát.

Nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình là từ một vụ hỏa hoạn vào tuần trước ở thành phố Urumqi ở miền tây mà chính quyền cho biết đã làm 10 người thiệt mạng.

Một số người dùng internet nói rằng các biện pháp phong tỏa do COVID đã cản trở nỗ lực giải cứu người dân trong tòa nhà đang cháy. Các quan chức đã phủ nhận điều này.

“THẾ LỰC NƯỚC NGOÀI”

Các blogger theo chủ nghĩa dân tộc nổi tiếng, chẳng hạn như Ren Yi, cháu trai của lãnh đạo Đảng Cộng sản Ren Zhongyi (Nhâm Trọng Di), và Yu Li, người sử dụng bút danh Sima Nan, viết rằng các cuộc biểu tình đã được kích động bởi “các thế lực nước ngoài”.

Các nhà chức trách cũng thường xuyên cảnh báo rằng “các thế lực nước ngoài” đang gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia và cáo buộc họ khuấy động các cuộc biểu tình dân chủ năm 2019 tại Hong Kong.

Các quan chức nói chính sách COVID đã giúp kiềm chế số người chết chỉ ở mức hàng nghìn người, tránh được cảnh có hàng triệu người chết như ở những nơi khác. Nhiều nhà phân tích cho rằng nếu nới lỏng chính sách trước khi tăng tỷ lệ tiêm chủng có thể dẫn đến dịch bệnh và tử vong lan rộng, khiến các bệnh viện quá tải.

Trong một bài xã luận không đề cập đến các cuộc biểu tình, Nhân dân Nhật báo, tờ báo chính thức của Đảng, kêu gọi người dân “kiên định thực hiện” các chính sách về COVID.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG