Đường dẫn truy cập

Cuộc truy tìm máy bay Malaysia nêu bật nhu cầu cải thiện hợp tác khu vực


Thành viên của đội cứu hộ đứng trên boong tàu cứu hộ Basarnas trong nhiệm vụ tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia bị mất tích trong vùng biển Andaman.
Thành viên của đội cứu hộ đứng trên boong tàu cứu hộ Basarnas trong nhiệm vụ tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia bị mất tích trong vùng biển Andaman.
Trong lúc cuộc tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia mất tích bước sang ngày thứ 13, chính phủ ở Kuala Lumpur đang chật vật ứng phó với đòi hỏi của các thân nhân của những người trên máy bay và né tránh những hậu quả tiêu cực về mặt ngoại giao. Theo tường thuật của thông tín viên Rebecca Valli của đài VOA tại Hồng Kông, vụ này cho thấy các nước trong khu vực cần phải tăng cường sự hợp tác.

Sau khi gia đình của những hành khách mất tích công khai đả kích cách xử lý của chính phủ Malaysia, giới hữu trách Kuala Lumpur loan báo sẽ cử các đại diện tới Bắc Kinh, nơi hàng trăm người đang nóng lòng chờ đợi những thông tin xác thực về những người thân của họ trên chiếc máy bay xấu số.

Hành động này là một cố gắng khác nữa của chính phủ Malaysia nhằm sửa đổi những bước sai lầm vào lúc ban đầu. Những sai sót đó đã gặp phải sự chỉ trích dữ dội từ Trung Quốc, vì đa số hành khách trên máy bay là người Trung Quốc.

Tuy nhiên, thay vì tập trung chú ý vào cách thức mà một nước xử lý vụ khủng hoảng này, các nhà phân tích cho rằng mọi người nên để ý tới vấn đề là sự ứng phó của khu vực đã không được phối hợp một cách tốt đẹp.

Ông Nicholas Thomas, giáo sư chính trị học của Đại học Thành phố Hồng Kông, nhận định như sau.

"Tôi nghĩ rằng điều này nêu bật vấn đề là Đông Nam Á, mặc dù đã có những nhận định rất tốt, nhưng vẫn còn là một khu vực bị vây hãm bởi các chính sách quốc gia, các ưu tiên quốc gia."

Các giới chức cấp Bộ trưởng và những người đứng đầu chính phủ trong khu vực thường xuyên tham dự các cuộc hội nghị khu vực về an ninh và quân sự thông qua tổ chức ASEAN.

Các nước trong vùng, kể cả Trung Quốc và Hoa Kỳ, cũng thường xuyên tham dự các cuộc thao dượt quân sự để trao đổi thông tin và tăng cường khả năng chống khủng bố. Nhưng các nhà phân tích nói rằng hợp tác trong các sứ mạng tìm kiếm và cứu hộ cho đến nay vẫn còn bị lơ là.

Các nhà phân tích cho rằng những nỗ lực mạnh mẽ nhất đã phát xuất từ hải quân và các vị ngoại trưởng ASEAN năm 2010 đã thông qua một tuyên bố về việc thực hiện công tác tìm kiếm và cứu nạn hỗn hợp dành cho các tàu bè gặp nạn.

Tuyên bố này khuyến khích các nước thiết lập các co phụ trách công tác tìm kiếm cứu nạn, chia sẻ thông tin và cung cấp sự hỗ trợ trong trường hợp tàu bè gặp phải tình huống khẩn cấp trên biển. Nhưng văn kiện này không có những qui định cho những sự kiện có tính chất thảm họa như vụ mất tích của chuyến bay MH 370.

Ông Thomas nói rằng một trong các chướng ngại đối với sự phối hợp có hiệu quả trong công tác tìm kiếm cứu nạn ở Đông Nam Á là sự cách biệt lớn trong năng lực của các cường quốc trong vùng.

"Những khu vực khó vạch ra đường hướng thường là những khu vực có năng lực thấp."

Hoa Kỳ đã nắm giữ một vai trò dẫn đầu trong lãnh vực bảo vệ an ninh hàng hải ở Đông Nam Á, và trong những năm gần đây đã nới rộng quyền tiếp cận tới các căn cứ quân sự ở Australia và Philippines.

Trung Quốc không có các tiền đồn quân sự ở nước ngoài, nhưng đã nâng cao năng lực trên biển gần các hòn đảo có tranh chấp ở Biển Đông.

Ông Lý Minh Giang, một nhà phân tích an ninh ở Singapore, cho biết nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc có thể có ích cho các hoạt động tìm kiếm cứu nạn.

"Trong những năm qua Trung Quốc đã xây dựng năng lực. Giờ đây họ có tất cả các khí tài và kỹ thuật cần thiết, như vệ tinh và những năng lực theo dõi khác. Vì thế cho nên, đây chỉ là vấn đề của những quyết định về mặt chính trị."

Ông Lý nói rằng phần lớn các nước Đông Nam Á không có đủ những năng lực cần thiết và họ sẽ hoan nghênh sự tham gia tích cực hơn của Trung Quốc, cũng như họ đã hoan nghênh sự trợ giúp của Mỹ.

Ông cũng cho rằng những vấn đề an ninh phi truyền thống, như sự phối hợp các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, không phải là những đề tài nhạy cảm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG