Đường dẫn truy cập

Việt Nam yêu cầu các công ty công nghệ lưu trữ dữ liệu người dùng trong nước


Trang Facebook của Chính phủ Việt Nam.
Trang Facebook của Chính phủ Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam vừa ra yêu cầu buộc các công ty công nghệ lưu trữ dữ liệu của người dùng tại quốc gia này và thành lập các văn phòng tại địa phương, động thái mới nhất của nhà nước nhằm thắt chặt các quy tắc an ninh mạng.

Hãng tin Reuters dẫn một nghị định vừa được ban hành cho biết quy định này sẽ áp dụng cho các công ty truyền thông xã hội như Google của công ty Alphabet Inc. và Facebook của công ty Meta, và áp dụng cho các nhà khai thác viễn thông có hoạt động tại Việt Nam.

Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam cho biết yêu cầu này được nêu trong Nghị định số 53/2022/NĐ-CP, được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký ban hành hôm 15/8 trong đó quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng. Nghị định sẽ có hiệu lực vào ngày 1/10.

Điều 26 của Nghị định nêu rõ rằng dữ liệu phải lưu trữ tại Việt Nam bao gồm: dữ liệu về thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam; dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra như tên tài khoản, thời gian sử dụng, thông tin thẻ tín dụng, địa chỉ thư điện tử, địa chỉ mạng (IP) đăng nhập, đăng xuất gần nhất, số điện thoại đăng ký được gắn với tài khoản hoặc dữ liệu; và dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam như bạn bè, nhóm mà người sử dụng kết nối hoặc tương tác.

Đối với các công ty nước ngoài có kinh doanh viễn thông, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu trên không gian mạng, các công ty quản lý hoặc vận hành thông tin khác trên không gian mạng dưới dạng tin nhắn, cuộc gọi thoại, cuộc gọi video, thư điện tử… ngoài yêu cầu phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng tại Việt Nam, còn phải lưu trữ dữ liệu như nêu trên “nếu dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp bị sử dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng”.

Cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ có quyền đưa ra yêu cầu thu thập dữ liệu cho mục đích điều tra và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xóa nội dung nếu nội dung đó bị cho là vi phạm hướng dẫn của chính phủ, nghị định cho biết thêm.

Một điều khoản của nghị định cho biết nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng phải được lưu trữ tối thiểu là 12 tháng.

Các công ty nước ngoài sẽ có 12 tháng để thành lập cơ quan lưu trữ dữ liệu tại địa phương và văn phòng đại diện sau khi nhận được chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công an, và sẽ phải lưu trữ dữ liệu trong nước trong thời gian tối thiểu là 24 tháng, nghị định yêu cầu.

Nghị định cho biết Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an sẽ thông báo, hướng dẫn, theo dõi, giám sát doanh nghiệp thực hiện yêu cầu lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Hãng tin Reuters đã liên hệ hai công ty công nghệ của Hoa Kỳ gồm Google và Facebook, để xin ý kiến bình luận về nghị định mới này, nhưng chưa được phản hồi.

Theo Reuters, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và duy trì sự kiểm duyệt các phương tiện truyền thông chặt chẽ và dường như không chấp nhận bất đồng chính kiến.

Quốc gia Cộng sản này đã thắt chặt các quy định về Internet trong vài năm qua, đỉnh điểm là Luật an ninh mạng có hiệu lực vào năm 2019 và ban hành quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vào tháng 6 năm ngoái.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG