Đường dẫn truy cập

RSF kêu gọi quốc tế hành động sau khi nhà báo độc lập chết trong trại giam Việt Nam


Trang Facebook cá nhân của nhà báo độc lập Đỗ Công Đương với những đăng tải trước khi bị bắt và kết án tổng cộng 8 năm tù vào năm 2018. Ông Đương qua đời hôm 2/8 khi đang thụ án ở một trại giam ở Nghệ An.
Trang Facebook cá nhân của nhà báo độc lập Đỗ Công Đương với những đăng tải trước khi bị bắt và kết án tổng cộng 8 năm tù vào năm 2018. Ông Đương qua đời hôm 2/8 khi đang thụ án ở một trại giam ở Nghệ An.

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vừa lên tiếng báo động về cái chết của một nhà báo độc lập khi đang bị giam giữ ở Việt Nam và kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động để “đảm bảo sự sống còn của các nhà báo khác” trong các nhà tù của quốc gia Đông Nam Á.

“Tổ chức Phóng viên Không Biên giới rất tiếc thương khi biết rằng ông Đỗ Công Đương, một nhà báo công dân bị bỏ tù và vô cùng ốm yếu trong nhiều tháng, đã chết trong khi bị giam giữ vào tuần trước”, RSF nói trong một tuyên bố mới được đưa ra.

Nguyên nhân chính thức về cái chết của ông Đương, cũng là một nhà hoạt động cho quyền đất đai, vào ngày 2/8 vẫn chưa được công bố nhưng ông bị nhiều chứng bệnh mà ông bị từ chối chăm sóc y tế, theo RSF, tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Paris của Pháp.

Ông Đương bị kết án tổng cộng 8 năm tù giam trong hai phiên tòa riêng biệt vào năm 2018 với các cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. Khi qua đời, ông Đương đang thi hành án tại Trại giam số 6 ở tỉnh Nghệ An.

RSF cho biết rằng trại giam đã từ chối trao thi thể của ông Đương cho gia đình.

Khẳng định điều này, bà Bùi Thị Minh Hằng, một cựu tù nhân lương tâm và từng tranh đấu nhân quyền cùng ông Đương, cho VOA biết hôm 9/8 rằng gia đình ông không được trại giam cho mang thi hài về quê mai táng theo tục lệ của địa phương.

VOA không thể liên lạc với Trại giam số 6 để kiểm chứng thông tin về cái chết của ông Đương, người từng sử dụng mạng xã hội Facebook để đưa tin về các vấn đề xã hội trước khi bị kết án.

“Chúng tôi vô cùng sốc khi biết về cái chết của ông Đỗ Công Đương khi bị giam giữ trong điều kiện thực sự vô nhân đạo”, Trưởng bộ phận châu Á-Thái Bình Dương của RSF, Daniel Bastard, nói trong thông cáo. “Chúng tôi kêu gọi Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Tra tấn và các Hình thức đối xử hoặc Trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, Alice Jill Edwards, hãy hành động để đảm bảo sự sống còn của Lê Hữu Minh Tuấn và 39 nhà báo khác hiện đang bị giam giữ ở Việt Nam”.

Theo RSF, sức khỏe của ông Đương xấu đi đáng kể và ông bị bệnh tim, viêm phổi cũng như suy hô hấp trong nhiều tháng. Tổ chức này cho biết rằng bất chấp sự phản đối liên tục của gia đình, trại giam không bao giờ cung cấp cho ông Đương sự chăm sóc y tế cần thiết và ông phải đợi đến khi cận kề cái chết mới được nhập viện.

Chính quyền Việt Nam đã bị các tổ chức nhân quyền quốc tế và giới hoạt động lên án về việc ngược đãi tù nhân lương tâm trong khi giam giữ họ. Hồi năm 2019, đã có gần 1.200 người ký vào một bản Tuyên bố Phản đối Ngược đãi Tù nhân Lương tâm gửi lên LHQ để yêu cầu các lãnh đạo Việt Nam ra lệnh chấm dứt các hành vi ngược đãi tù nhân ở tất cả các trại giam trên toàn quốc.

Bà Hằng, một trong 20 nữ tù nhân chính trị được Đại sứ Mỹ tại LHQ vinh danh và kêu gọi phóng thích hồi năm 2016, khẳng định với VOA về sự ngược đãi trong trại giam mà chính bà đã trải qua trong 3 năm ngồi tù. Bà Hằng cho biết bà cũng sốc về cái chết của ông Đương, một người “khỏe mạnh mà chỉ mấy năm đầy đọa nơi chốn tù đầy đã khiến anh vĩnh viễn ra đi”.

“Thời gian cầm tù là thời gian họ hành hạ đầy đọa bằng mọi cách”, bà Hằng nói. “Những bản án vô nhân vô cớ với những người bất đồng chính kiến và đấu tranh bất bạo động thực chất là án tử”.

Trại giam số 6, nơi ông Đương bị giam giữ, cũng là nơi thầy giáo Đào Quang Thực qua đời khi đang thụ án 13 năm với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” hồi năm 2019. Gia đình ông Thực cũng bị từ chối, không được đem xác người thân về an táng mà phải chôn ngay trong trại giam như trường hợp của ông Đương. Theo bà Hằng, trước đó còn có thầy giáo Đinh Đăng Định, một tù nhân lương tâm cũng tử vong trong thời gian thụ án.

Ông Đương bị bắt hồi tháng 1/2018 sau khi ghi hình một cuộc cưỡng chế đất ở thị xã Từ Sơn ở Bắc Ninh. Tổ chức Bảo vệ Ký giả (CPJ) có trụ sở ở New York đã lên án việc bỏ tù ông Đương khi ông bị tuyên 4 năm tù trong bản án đầu tiên tuyên vào tháng 9/2018. Sau đó một tháng, ông bị tuyên phạt thêm 5 năm tù, sau giảm xuống còn 4 năm, trong một phiên tòa khác xét xử ông về những đăng tải trên mạng xã hội nói về những sai phạm trong lĩnh vực đất đai.

“Ông Đương, cư dân tỉnh Bắc Ninh, đã sử dụng mạng xã hội để lan truyền tin tức và thông tin được ghi nhận độc lập của mình, giống như nhiều nhà báo công dân khác ở Việt Nam”, theo RSF. “Là một nhà báo công dân rất năng động, ông Đương thường phát trực tiếp các video tường thuật trên trang Facebook ‘Tiếng Dân TV’ về những vấn đề liên quan đến tham nhũng và việc nhà nước thu giữ đất chủ yếu đối với những thành phần dân cư thiệt thòi nhất trong xã hội”.

Qua việc lên tiếng về cái chết của ông Đương, RSF nói rằng họ muốn gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình của 40 nhà báo và blogger khác hiện đang bị giam giữ tại Việt Nam.

“Nhiều người trong số họ – bao gồm cả Lê Hữu Minh Tuấn, người bị kết án 11 năm tù vào tháng 6/2020 – có sức khỏe rất kém và có nguy cơ chịu chung số phận như ông Đương.”

Việt Nam luôn phủ nhận về cái gọi là “tù nhân lương tâm” và khẳng định rằng chỉ có những người phạm tội mới bị giam giữ.

RSF kêu gọi công đồng quốc tế “hành động để đảm bảo sự sống còn của các nhà báo khác đang bị giam giữ ở Việt Nam”. Tổ chức này xếp Việt Nam là một trong 3 nước, sau Trung Quốc và Myanmar, đứng đầu thế giới về việc bỏ tù các nhà báo.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG