Đường dẫn truy cập

Nhà báo công dân Lê Văn Dũng quyết không nhận tội, bị y án 5 năm tù


Ông Lê Văn Dũng tại phiên tòa sơ thẩm ở Hà Nội hôm 23/3. Nhà báo độc lập 52 tuổi bị tuyên y án 5 năm tù cùng 5 năm quản chế tại một phiên tòa phúc thẩm hôm 16/8 với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước."
Ông Lê Văn Dũng tại phiên tòa sơ thẩm ở Hà Nội hôm 23/3. Nhà báo độc lập 52 tuổi bị tuyên y án 5 năm tù cùng 5 năm quản chế tại một phiên tòa phúc thẩm hôm 16/8 với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước."

Một tòa phúc thẩm ở Hà Nội hôm 16/8 tuyên y án 5 năm tù cùng 5 năm quản chế đối với nhà báo công dân kiêm nhà bình luận xã hội Lê Văn Dũng trong vụ án “tuyên truyền chống nhà nước” mà tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) cho là “có động cơ chính trị”.

Ông Dũng, người đã dùng các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook và YouTube để phỏng vấn các dân oan và bình luận về các vấn đề xã hội, bị tòa sơ thẩm ở Hà Nội kết án hồi tháng 3 năm nay với cáo buộc theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự Việt Nam 2015, tức Điều 88 của BLHS 1999.

Khi ông Dũng, còn được biết là Dũng Vova, bị đưa ra xét xử sơ thẩm, bản cáo trạng được truyền thông trong nước trích dẫn nói rằng 5 trong số 12 video ông Dũng đăng tải trên mạng xã hội “có nội dung tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước”. Trong các đăng tải của mình, ông Dũng thường yêu cầu các cải cách tôn trọng quyền con người ở Việt Nam.

Luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho ông Dũng trong phiên tòa hôm 16/8, cho VOA biết ông Dũng không nhận tội và vẫn khẳng định “chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình chứ không chống nhà nước theo như cáo buộc của cơ quan truy tố”.

Ngay trước khi phiên tòa diễn ra, ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực Châu Á của HRW, đưa ra một tuyên bố trong đó gọi bản án của nhà cầm quyền Việt Nam giành cho ông Dũng là “giả tạo và có động cơ chính trị”.

“Việc sử dụng internet để nói về những điều bất công và yêu cầu cải cách không thể bị coi là một tội ác và bằng việc truy tố ông Dũng, Việt Nam cho thấy họ đã trở thành một nhà nước độc tài, lạm quyền”, ông Robertson nói và cho rằng bản án 5 năm tù giam được tuyên cho ông Dũng đã “thể hiện các quan chức trả đũa những công dân dám thẳng thắn nói ra suy nghĩ của mình”.

LS Mạnh cho biết những điều ông Robertson nói cũng trùng khớp với quan điểm của luật sư bào chữa tại tòa.

“Chúng tôi cũng cho rằng ông Dũng đang thực hiện các quyền tự do ngôn luận do Hiến pháp quy định”, LS Mạnh nói. “Điều luật 88 (BLHS 1999) mà (được dùng) để xét xử đối với ông Dũng hầu như phủ nhận quyền tự do ngôn luận của Hiến pháp và nó phủ nhận luôn cả quy định của ICCPR (Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị - mà Việt Nam là một thành viên)”.

Hàng loạt các tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên án việc bỏ tù ông Dũng và kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông ngay sau khi nhà báo công dân và blogger này bị tuyên án hồi tháng 3. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới lúc đó nói rằng “tội” duy nhất của ông Dũng là đã phỏng vấn những người dân.

Luật sư Hà Huy Sơn, người trong nhóm bào chữa cho ông Dũng tại phiên sơ thẩm cách đây 5 tháng, lúc đó cũng nhận định với VOA rằng bản án giành cho ông Dũng là “án oan” và “không có căn cứ để buộc tội ông Dũng theo Điều 88”.

Việt Nam luôn nói rằng họ chỉ bỏ tù những người phạm tội và khẳng định rằng không ai bị bắt giữ, xét xử chỉ vì “bày tỏ chính kiến” hay “bảo vệ nhân quyền” ở quốc gia Đông Nam Á.

Phiên tòa xử phúc thẩm ông Dũng hôm 16/8 được chính quyền tuyên bố là “công khai” nhưng theo như LS Mạnh cho biết, gia đình của ông Dũng không được vào tham dự dù vợ ông, bà Bùi Thị Huệ, trước đó đã gửi yêu cầu được vào dự phiên xử chồng mình. Tại phiên xử sơ thẩm hồi tháng 3, bà Huệ và mẹ của ông Dũng cũng không được phép tham dự phiên tòa dù được thông báo là xét xử theo thủ tục công khai. Theo LS Mạnh, việc gia đình các bị cáo không được vào dự các phiên xét xử những người bất đồng chính kiến tại tòa là khá phổ biến.

Phiên tòa xử ông Dũng diễn ra chỉ vài ngày trước một loạt phiên xử các nhà hoạt động nổi tiếng khác như Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm và Phạm Đoan Trang, đều cùng bị kết tội “tuyên truyền chống nhà nước” như ông Dũng.

LS Mạnh, người sẽ tham gia bào chữa cho họ, nói rằng phiên phúc thẩm xét xử ông Phương và bà Tâm, hai nhà hoạt động cho quyền đất đai còn được biết là “dân oan Dương Nội”, sẽ diễn ra ngày 17/8, trong khi phiên xét xử kháng cáo của bà Trang, nhà báo bất đồng chính kiến nổi danh nhất Việt Nam, sẽ diễn ra ngày 25/8.

Theo LS Mạnh, người đã gặp mặt các bị cáo hiện đang bị giam ở Trại giam số 1 (Hỏa Lò) ở Hà Nội hôm 15/8, ông Phương, bà Tâm và bà Trang đều tái khẳng định quan điểm của mình rằng họ thực hiện các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí theo hiến pháp quy định cũng như chuẩn bị tinh thần về kết quả “y án” tại các phiên phúc thẩm sắp tới.

Ông Phương và bà Tâm bị tuyên án lần lượt 10 và 6 năm tù giam tại phiên xử sơ thẩm ngày 15/12 năm ngoái trong khi bà Trang bị tòa cấp sơ thẩm tuyên 9 năm tù giam chỉ trước đó một ngày.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG