Đường dẫn truy cập

Việt Nam chuẩn bị thực hiện các kế hoạch cải cách mới


Việt Nam chuẩn bị thực hiện các kế hoạch cải cách mới
Việt Nam chuẩn bị thực hiện các kế hoạch cải cách mới

Sau 4 năm nền kinh tế bị bất ổn, Việt Nam đang chuẩn bị thực hiện những biện pháp cải cách mà một số người tin là những bước tiến quan trọng nhất kể từ khi bắt đầu đổi mới kinh tế vào năm 1986.

Theo tường thuật hôm Chủ nhật của hãng thông tấn Reuters, bên cạnh sự tin tưởng đó cũng một số người giữ thái độ hoài nghi về việc các nhà hoạch định chính sách có thể vượt qua sự kháng cự đối với những sự thay đổi lớn từ các công ty quốc doanh và những nhóm lợi ích khác, kể cả những tập đoàn tư nhân có nhiều ảnh hưởng.

Nhiều tháng thảo luận đã mang lại một sự đồng thuận là Việt Nam, nơi phải đối mặt với tỉ lệ lạm phát cao nhất Á châu và nhiều vấn đề khó khăn khác, cần phải thay đổi đường lối như đã làm cách nay 25 năm với chính sách đổi mới.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nói với hãng tin Reuters rằng Việt Nam đang nghiêm túc tiến hành cải cách sau khi đã trải qua quá trình phân tích có nhiều đau đớn để tìm xem khiếm khuyết ở đâu, cần phải sửa đổi như thế nào và trong các lãnh vực nào.

Mặc dù vậy, hiện vẫn chưa chắc chắn là chính phủ sẽ theo đuổi những biện pháp cải cách đủ rộng và đủ sâu để chấn chỉnh các ngân hàng quốc doanh nợ nần chồng chất và khống chế những doanh nghiệp nhà nước hoạt động thiếu hiệu quả, chẳng hạn như Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Vinashin mà vụ vỡ nợ hồi năm ngoái đã gây nhiều bối rối cho nhà chức trách Việt Nam.

Ông Lê Đăng Doanh, người đã tư vấn về các vấn đề kinh tế cho các chính phủ Việt Nam trước đây và hiện nay, cho rằng kinh tế Việt Nam lại một lần nữa đang đứng trước ngã ba đường, và việc dứt khoát đi theo con đường cải cách giờ đây càng khó khăn hơn vì đụng chạm tới những nhóm lợi ích có nhiều thế lực đang hoạt động ở hậu trường.

Hãng thông tấn Reuters trích lời ông Cao Sĩ Kiêm, cựu thống đốc ngân hàng nhà nước và hiện là thành viên của ủy ban kinh tế quốc hội, nói rằng “Việt Nam phải thay đổi, nếu không thì rất nguy hiểm”, bởi vì “nền kinh tế sẽ bị tụt hậu và niềm tin của người dân sẽ giảm đi.”

Bài tường thuật tỉ mỉ của Reuters về việc cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam được đăng tải một ngày trước khi chỉ số chứng khoán ở Hà Nội giảm tới mức thấp kỷ lục.

Chỉ số HNX hôm thứ Hai giảm 1,81%, xuống còn 62,45 điểm. Hãng tin Reuters trích lời một chuyên gia đầu tư ở Hà Nội nói rằng mức sàn ngắn hạn có thể nằm ở khoảng 60 điểm trong tuần này.

Chuyên gia này nói thêm rằng xét về mặt tích cực thì lạm phát trong tháng 11 có thể thấp hơn tháng trước.

Nguồn: Reuters, Dan Tri

VOA Express

XS
SM
MD
LG