Đường dẫn truy cập

Nông dân Việt Nam dùng ong vò vẽ để diệt rầy nâu, bảo vệ ruộng lúa


Rầy nâu mỗi năm phá hoại các khoảnh ruộng lúa rộng lớn trên khắp khu vực bằng cách hút nhựa cho tới khi thân cây tàn héo và chết đi
Rầy nâu mỗi năm phá hoại các khoảnh ruộng lúa rộng lớn trên khắp khu vực bằng cách hút nhựa cho tới khi thân cây tàn héo và chết đi

Hằng năm, các tai họa do côn trùng gây ra phá hoại hàng ngàn hecta mùa màng ở Việt Nam. Thay vì xịt các loại thuốc trừ sâu độc hại, các nông gia ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đang áp dụng một phương thức khác để bảo vệ mùa màng.

Theo bài tường trình của thông tín viên Marianne Brown từ Hà Nội, các khoảnh nâu trên ruộng lúa là những dấu hiệu của sự tàn phá gây kinh hãi cho nông gia khắp vùng Đông Nam Á, dịch rầy nâu. Loài sâu rầy có cánh này mỗi năm phá hoại các khoảnh ruộng lúa rộng lớn trên khắp khu vực bằng cách hút nhựa cho tới khi thân cây tàn héo và chết đi. Ngoài, ra chúng còn truyền các loại virus gây chết cây. Đây là một vấn nạn nguy cấp tại Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ nhì trên thế giới sau Thái Lan. Nhà sinh thái học K.L. Heong cho rằng bùng phát dịch rầy nâu là do việc sử dụng không đúng cách các loại thuốc tiêu diệt sâu bọ.

Ông Heong nói: “Các nông dân xịt thuốc trừ sâu không đúng lúc và không đúng hóa chất càng kích thích thêm sự sinh sản của rầy nâu.”

Ông Heong cho biết các hóa chất này giết các loài động vật ăn rầy nâu như nhện, chứ không tiêu diệt hết trứng rầy nâu. Tới khi rầy nâu ấp trứng, không còn loài động vật nào kiểm soát chúng cả, cho nên chúng gia tăng số lượng ồ ạt.

Thế nhưng, nông gia tại một tỉnh ở miền Nam đã quyết định tẩy chay hết các loại thuốc diệt sâu rầy để áp dụng một phương pháp bảo vệ mùa màng tự nhiên hơn.

Tháng 3 vừa qua, chính quyền tỉnh An Giang yêu cầu nông dân trồng các loại hoa địa phương dọc theo bờ ruộng thay cho cỏ. Các loại hoa này phải có màu trắng hoặc màu vàng và phải có nhiều mật. Nhà sinh thái học Heong cho biết mục đích nhằm thu hút ong vò vẽ ký sinh, một loại sâu bọ gần với họ hàng nhà ong.

Con ong vò vẽ trưởng thành sẽ hút mật hoa rồi để lại trứng trong trứng rầy nâu, giết chết động vật chủ rầy nâu. Dự án này đang trong giai đoạn ban đầu nhưng đã được các nông dân ưa chuộng. Ông Heong nói một phần là do chính quyền cung cấp hoa cho nông dân miễn phí.

Ông Heong nói tiếp: “Nông dân thích phương pháp này vì họ tiết kiệm được tiền mua thuốc xịt sâu rầy mà hiện tốn khoảng từ 30 tới 50 đô la cho mỗi hecta lúa, khá tốn kém cho nông dân Việt Nam.”

Rầy nâu là tai họa lâu nay đối với nông dân Việt Nam. Giữa năm 2005 và 2006, dịch rầy nâu bùng phát đặc biệt ở vùng đồng bằng sông Mekong đã làm thiệt hại 400 ngàn tấn lúa, tương đương khoảng 1,1% sản lượng quốc gia.

Dù các nhà khoa học có cảnh báo, nhưng nông dân vẫn cứ dùng các loại hoá chất diệt sâu rầy để bảo vệ mùa màng. Các nhà phân tích quy lỗi cho các nhà bán lẻ đã dựa vào thuốc trừ sâu quá mức. Họ cho biết các cửa hàng được phép bán thuốc trừ sâu cùng với các mặt hàng khác ngay cả kẹo bánh và khuyến mãi bằng các hình thức như xổ số. Nông dân thường hỏi ý các tiệm bán lẻ không đạt tiêu chuẩn về việc nên dùng hóa chất trừ sâu loại nào. Mà kết quả, theo ông Jan Ketelaar thuộc Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc ở Bangkok, thường gây ngộ nhận cho các nông gia.

Ông Ketelaar nói: “Chừng 10 năm qua, chúng ta nhìn thấy tại Việt Nam các thị trường mở cửa và nhiều hoạt động trong lĩnh vực tư nhân, rồi ngành công nghiệp thuốc trừ sâu tràn vào khu vực và Tiểu vùng sông Mekong, tiếp thị mạnh mẽ các sản phẩm thuốc trừ sâu. Xét về mức độ nào đó, thực tế này được chính quyền địa phương bật đèn xanh, và tôi cho là có gây chút ngộ nhận cho nông dân.”

Chính phủ các nước đang hành động. Trong nỗ lực nhằm diệt trừ dịch rầy nâu bùng phát, hồi tháng 6, Thái Lan đã cấm sử dụng 2 loại thuốc trừ sâu là abamectin và cypermethrin. Tháng trước, Cục Bảo vệ Thực vật ra quy định hành chính cho tất cả các quan chức hữu trách trong Cục phải ngăn chặn nông dân sử dụng 3 loại hóa chất trên ruộng lúa.

Thành công của dự án ở An Giang còn phải chờ thời gian mới có thể đánh giá được, nhưng cơ quan này định thực hiện cuộc khảo sát tiếp theo sau chiến dịch này vào tháng 3 năm sau để thẩm định mức độ thành công của dự án. Tuy nhiên, kể từ khi dự án bắt đầu tới nay, dịch rầy nâu không bộc phát tại các khu vực áp dụng phương thức mới. Ông Ketelaar nói bước kế tiếp là phát triển phương pháp này trên toàn quốc.

Ông Ketelaar nói tiếp: “Hiện giờ dự án này vẫn còn ở quy mô nhỏ. Thách thức hiện nay là xem xem có thể nhân rộng được không và liệu các chính quyền địa phương có hiểu biết và nghiêm túc để thực hiện trên diện rộng hay không.”

Vẫn theo lời ông Ketelaar, Việt Nam nhận thấy thúc đẩy sản lượng lúa gạo là một việc phải làm để đáp ứng nhu cầu về an toàn lương thực trong nước và trên thế giới. Cùng với các nông gia địa phương, ông hy vọng phương pháp dùng ong vò vẽ ký sinh tại An Giang sẽ mang lại đáp án cho bài toán phát triển bền vững của ngành công nghiệp sản xuất lúa gạo Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG