Đường dẫn truy cập

Việt Nam sẽ ‘sớm’ tiêm chủng cho công dân Trung Quốc sau khi bị phàn nàn


Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long (thứ 2 từ phải) tiếp nhận 500.000 liều vaccine Sinopharm do Trung Quốc tặng từ Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội Hùng Ba (thứ 2 từ phải) hôm 20/6.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long (thứ 2 từ phải) tiếp nhận 500.000 liều vaccine Sinopharm do Trung Quốc tặng từ Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội Hùng Ba (thứ 2 từ phải) hôm 20/6.

Việt Nam đồng ý sớm tiêm chủng cho công dân Trung Quốc sau khi bị nước này phàn nàn rằng quốc gia Đông Nam Á không tuân thủ cam kết được thống nhất trước đó giữa hai bên về việc sử dụng vaccine chống COVID-19 do Bắc Kinh trao tặng.

Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội nói trong một tuyên bố ra hôm 25/6 rằng cơ quan đại diện ngoại giao này đang làm việc với Bộ Y tế Việt Nam trong việc “hợp tác tiêm chủng” và rằng “hai bên đã thống nhất tiêm phòng cho công dân Trung Quốc ở Việt Nam sớm nhất có thể”, theo Hoàn cầu Thời báo.

Tờ báo của cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, có tên tiếng Anh là Global Times, cho biết rằng trước đó một ngày, Đại sứ quán nước này ở Hà Nội đã “bày tỏ quan ngại” về việc Việt Nam không thực hiện việc phân phối lô vaccine mà Trung Quốc tặng theo kế hoạch đã thống nhất trước đó.

Việt Nam hôm 20/6 nhận 500.000 liều vaccine của hãng dược Sinopharm do Trung Quốc cung cấp miễn phí. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã tiếp nhận lô vaccine này tại một buổi lễ được tổ chức ngay tại sân bay Nội Bài ở Hà Nội với sự có mặt của Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba.

Bộ Y tế Việt Nam nói sẽ ưu tiên dùng vaccine mà Bắc Kinh trao tặng cho ba nhóm đối tượng, gồm các công dân Trung Quốc làm việc tại Việt Nam, người dân Việt Nam có nhu cầu học tập, làm việc, kinh doanh tại Trung Quốc, và những người dân có nhu cầu sử dụng vaccine này, đặc biệt ở các địa phương sát biên giới với Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo Hoàn cầu Thời báo, Đại sứ quán Trung Quốc đã phàn nàn với phía Việt Nam rằng kế hoạch triển khai lô vaccine này đã không đúng như thoả thuận trước đây nhằm ưu tiên cho 3 nhóm đối tượng kể trên.

Cùng đưa tin về việc này, Bloomberg trích dẫn một quan chức của sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội nói rằng “Theo sự nhất trí giữa hai bên, chính phủ Việt Nam đã nhiều lần hứa rằng vaccine do Trung Quốc viện trợ sẽ được ưu tiên cho công dân Trung Quốc, những người Việt Nam có nhu cầu sang Trung Quốc làm việc, và những người sống ở khu vực biên giới”.

Bộ Y tế Việt Nam hôm 23/6 cho biết sẽ phân bổ 500.000 liều vaccine của Trung Quốc tặng cho 9 tỉnh phía Bắc, gồm cả hai tỉnh không giáp biên là Thái Bình và Nam Định, nhưng trong đó Quảng Ninh, tỉnh giáp biên giới Trung Quốc, nhận nhiều nhất với 230.000 liều, theo VnExpress.

Hoàn cầu Thời báo, thuộc Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc, trích dẫn tuyên bố của Đại sứ quán nước này cho biết rằng “Việt Nam sau đó đã rút lại kết hoạch phân phối này”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của VOA trước thông tin mà Đại sứ quán Trung Quốc đưa ra về việc Việt Nam không thực hiện theo thoả thuận đã thống nhất giữa hai bên về việc sử dụng vaccine do Bắc Kinh trao tặng.

Người dùng mạng xã hội ở Trung Quốc đã bày tỏ tức giận về việc phân phối vaccine Sinopharm của Việt Nam, trong đó một số người chỉ trích Việt Nam đã “không giữ lời hứa”, theo Hoàn cầu Thời báo. “Việt Nam không tôn trọng cam kết ưu tiên người Trung Quốc” là chủ đề được tìm kiếm nhiều nhất hôm 25/6 trên mạng Weibo, một dịch vụ mạng xã hội của Trung Quốc giống với Twitter, theo Bloomberg.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 24/6 nói với phóng viên rằng "Việt Nam không phân biệt đối xử trong quá trình chăm sóc sức khỏe cũng như tiêm chủng giữa công dân Việt Nam và công dân nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam" sau khi được yêu cầu bình luận trước những ý kiến về việc phân biệt đối xử trong ưu tiên tiêm chủng.

Việt Nam mới chỉ tiêm chủng được ít nhất một liều vaccines COVID-19 cho chưa đầy 3 triệu trong tổng số hơn 98 triệu dân, một trong những tỷ lệ thấp nhất trong khu vực, trong khi đang chống chọi với làn sóng bùng phát dịch trong cộng đồng tồi tệ nhất từ cuối tháng 4 vừa qua.

VOA Express

XS
SM
MD
LG