Đường dẫn truy cập

Công ty Việt Nam có thể được trao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 của Mỹ


Các nhân viên y tế ngồi chờ tiêm phòng vaccine chống COVID-19 ở Việt Nam. Một doanh nghiệp Việt Nam sẽ được chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine từ một nhà sản xuất của Mỹ, theo Bộ Y tế.
Các nhân viên y tế ngồi chờ tiêm phòng vaccine chống COVID-19 ở Việt Nam. Một doanh nghiệp Việt Nam sẽ được chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine từ một nhà sản xuất của Mỹ, theo Bộ Y tế.

Bộ Y tế Việt Nam nói rằng một doanh nghiệp trong nước sẽ sản xuất vaccine COVID-19 theo sau việc đàm phán được một thoả thuận chuyển giao công nghệ với một nhà sản xuất giấu tên của Mỹ.

Đây là loại vaccine dựa trên công nghệ m-RNA, Bộ Y tế cho biết trên trang web chính thức hôm 12/6.

Đưa tin về công bố của Bộ Y tế, Bloomberg cho biết Bộ này ban đầu tiết lộ công ty của Việt Nam sẽ nhận công nghệ chuyển giao từ nhà sản xuất Mỹ là Vingroup JSC nhưng sau đó đã xoá chi tiết này trong bản tin cập nhật.

Tháng trước, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã “chỉ đạo khẩn trương đàm phán mua trọn gói công nghệ tiên tiến nhất (công nghệ mRNA) để sản xuất tại Việt Nam.”

Được biết, Moderna và Pfizer dùng công nghệ mRNA trong việc sản xuất vaccine của mình. Bộ Y tế Việt Nam hôm 12/6 phê duyệt có điều kiện vaccine Pfizer cho việc sử dụng trong nước. Đây là vaccine thứ 4 mà Việt Nam phê duyệt, sau AstraZeneca của Anh, Sputnik V của Nga và Sinopharm của Trung Quốc.

Bộ Y tế cho biết nhà máy đầu tư theo chuẩn công nghệ của nhà sản xuất Hoa Kỳ để chế tạo vaccine COVID-19 từ “tinh chất mRNA” tại Việt Nam sẽ có công xuất 100-200 triệu liều mỗi năm và dự định bắt đầu sản xuất từ quý 4 năm nay hoặc quý 1 năm sau.

Loại vaccine sắp được sản xuất theo công nghệ chuyển giao từ nhà sản xuất Mỹ “chỉ cần tiêm 1 liều duy nhất 5mg” nhưng lại “có khả năng bảo vệ cao dựa trên kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2” đồng thời “có nhiệt độ bảo quản 20-80 độ C, theo Bộ Y tế. Bộ cho biết vaccine này đã kết thúc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.

Hiện tại, Mỹ đang cho sử dụng 3 loại vaccine đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép thông qua là Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson. Novavax được kỳ vọng là loại vaccine thứ 4 của Mỹ sẽ được cấp phép cho sử dụng trong nước vào mùa hè này nếu được FDA thông qua. Công ty công nghệ sinh học Novavax của Mỹ hôm 14/6 công bố vaccine chống virus corona này đạt được hiệu quả 90,4% trong giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng ở Mỹ và Mexico, theo CNN. Tuy nhiên, CNN cho biết rằng cho đến nay chỉ có Pfizer và Moderna là dùng công nghệ mRNA và vaccine Novavax sẽ khác với cả ba loại vaccine đã được cấp phép sử dụng ở Mỹ.

Việt Nam đã thoả thuận được các hợp đồng mua 170 triệu liều vaccine COVID-19, theo truyền thông trong nước. Theo thống kê của Trung tâm Nguồn Virus Corona của Đại học Johns Hopkins ở Mỹ, Việt Nam mới chỉ tiêm vaccine cho gần 1,5 triệu người, trong đó hơn 55,260 người được tiêm phòng đầy đủ, đạt 0,06% dân số. Đây được coi là một trong những tỷ lệ thấp nhất trong khu vực.

Việt Nam hiện đang phải chống trọi với đợt bùng phát thứ 4 trong cộng đồng, được cho là tồi tệ nhất kể từ khi virus corona lần đầu được phát hiện ở Việt Nam cách đây hơn 1 năm. Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã ghi nhận 10.810 người nhiễm COVID-19, với khoảng 1 nửa trong số đó là các ca nhiễm mới trong đợt bùng phát từ cuối tháng 4, và 59 trường hợp tử vong.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã cấp tốc đàm pháp việc chuyển giao công nghệ để sản xuất vaccine trong nước. Theo VTCNgười Lao Động, công ty Vabiotech của Việt Nam đang xúc tiến đàm phán với đối tác của Nhật Bản để sớm tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19. Công ty này cũng đã ký thoả thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga về việc đóng ống vaccine Sputnik V từ bán thành phẩm với quy mô 5 triệu liều mỗi tháng bắt đầu từ tháng 7 năm nay.

Tại Việt Nam, hiện đang có 2 nhà sản xuất trong nước phát triển vaccine “Made-in-Vietnam” và một trong số đó đang bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Theo Tuổi Trẻ, Việt Nam có thể “không thiếu vaccine ngừa COVID-19” từ quý 4 năm nay.

VOA Express

XS
SM
MD
LG