Đường dẫn truy cập

Việt Nam ghi nhận nhiệt độ cao nhất ‘trong lịch sử quan trắc’


Người dân mặc áo chống nắng khi tham gia giao thông ở TPHCM. Nhiệt độ cao nhất trong lịch sử quan trắc ở Việt Nam được ghi nhận ở mức 44,1 độ C hôm 6/5.
Người dân mặc áo chống nắng khi tham gia giao thông ở TPHCM. Nhiệt độ cao nhất trong lịch sử quan trắc ở Việt Nam được ghi nhận ở mức 44,1 độ C hôm 6/5.

Việt Nam ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay khi đợt nắng nóng trên diện rộng đầu tiên trong năm xảy ra trên nhiều khu vực cả nước trong khi chuyên gia cảnh báo sẽ có những hiện tượng thời tiết cực đoan tương tự xảy ra.

Truyền thông trong nước cho biết mức nhiệt hơn 44 độ C được ghi nhận ở Thanh Hóa hôm 6/5 – đúng ngày lập Hạ ở Việt Nam – đã phá vỡ kỷ lục nhiệt độ cao nhất ở quốc gia Đông Nam Á.

Nhiệt độ 44,1 độ C đo được ở khu vực Hồi Xuân của tỉnh miền Trung Việt Nam cao hơn cả mức nhiệt kỷ lục được ghi nhận cách đây 4 năm, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Kỷ lục cũ đo được tại Hương Khê của tỉnh Hà Tĩnh, cũng thuộc miền Trung, vào năm 2019 là 43,4 độ C.

Cơ quan dự báo khí tượng thủy văn nói rằng mức nhiệt này “cao chưa từng có trong lịch sử quan trắc của ngành khí tượng Việt Nam,” theo ZingNews.

“Đây thực sự là một kỷ lục đáng lo ngại trong xu hướng biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu,” Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, nói với AFP và cho rằng kỷ lục này sẽ còn lặp lại nhiều lần. “Nó xác nhận rằng các mô hình khí hậu cực đoan đang được chứng minh là đúng.”

Trưởng phòng Dự báo Thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam, Nguyễn Văn Hưởng, nói với Lao Động rằng sẽ còn khoảng 2 đến 3 đợt nắng nóng xảy ra trên diện rộng ở khu vực miền Bắc và miền Trung Việt Nam trong tháng 5.

Trung tâm KTTV nhận định rằng nắng nóng năm nay đến sớm và có xu hướng gay gắt hơn hẳn so với những năm trước. Theo báo Chính phủ, cơ quan này dự báo số này nắng nóng trong năm nay có thể xuất hiện nhiều hơn so với năm ngoái và nhiều khả năng sẽ còn xuất hiện những giá trị nhiệt độ cao nhất vượt kỷ lục cũ đã từng được quan trắc.

Các chuyên gia về thời tiết và chính quyền đã cảnh báo người dân nên ở trong nhà vào những thời điểm nóng nhất trong ngày.

Theo truyền thông trong nước, thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu các bộ công nghiệp và điện lực của Việt Nam "hợp tác để đối phó hiệu quả với nắng nóng, hạn hán và thiếu nước có thể xảy ra.” Các cơ quan chức năng cũng đã yêu cầu công ty cấp nước của thành phố đảm bảo rằng có đủ "nguồn cung cấp nước cho sinh hoạt" cho người dân.

Trong khi đó, trung tâm KTTV văn khu vực Nam bộ cảnh báo rằng do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao, theo Thanh Niên.

Hiện tượng thời tiết cực đoan cũng xảy ra ở các nước khác trong những năm qua. Hồi tháng 4, các quốc gia châu Á ghi nhận nhiệt độ kỷ lục.

Theo AFP, Cục khí tượng Thái Lan báo cáo mức nhiệt kỷ lục 44,6 độ C trong khi truyền thông Myanmar cho biết nước này ghi nhận mức nhiệt cao nhất trong thập kỷ là 43,8 độ C. Bangladesh cũng ghi nhận nhiệt độ cao nhất kể từ năm 1960 trong khi Ấn Độ cho biết các khu vực của đất nước này có nhiệt độ cao hơn bình thường khoảng 3-4 độ C.

Một báo cáo gần đây từ Hội đồng Liên chính phủ về biến đổi khi hậu của Liên Hợp Quốc được AFP trích dẫn cảnh báo rằng sự nóng lên toàn cầu sẽ làm gia tăng nhiều mối nguy hiểm.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG