Đường dẫn truy cập

Mỹ tham gia tài trợ khung chiến lược khí hậu cho Việt Nam


Một phần thủ đô Hà Nội bị ngập vào tháng 7/2018.
Một phần thủ đô Hà Nội bị ngập vào tháng 7/2018.

Chính phủ Hoa Kỳ cho biết vừa cùng với các đối tác Nhật Bản và Australia công bố Khung Tài chính Khí hậu Việt Nam (VCFF), theo đó sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam hướng tới mục tiêu đạt được mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 và giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính trong ngắn hạn.

Thông báo trên được Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam phát đi hôm 17/1, cho biết thêm rằng VCFF là một khuôn khổ chiến lược trong số những đối tác tham gia để thúc đẩy các dự án trong nhiều lĩnh vực nhằm giúp Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính.

Truyền thông trong nước cho hay vào ngày 12/1, tại Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ở Tokyo, nhóm 3 tổ chức tài chính do chính phủ hậu thuẫn của Nhật Bản, Mỹ và Australia đã công bố tái cam kết hỗ trợ các nỗ lực cắt giảm khí thải carbon của Việt Nam.

Tin cho hay, tuyên bố chung về Khung Tài chính Khí hậu Việt Nam (VCFF) do nhóm 3 tổ chức trong Quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng ba bên Australia-Nhật Bản-Mỹ (TIP) công bố, gồm các tổ chức tài chính Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), Tổ chức Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC), Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) và Tài trợ Xuất khẩu Australia (EFA).

Thông cáo của DFC cho biết rằng VCFF sẽ hỗ trợ các dự án bằng cách sử dụng đầy đủ các công cụ tài chính, chẳng hạn như khoản vay, bảo lãnh và đầu tư vốn cổ phần, bao gồm thông qua các trung gian tài chính như ngân hàng, tổ chức tài chính phi ngân hàng hoặc các nền tảng khác để hỗ trợ tiếp cận tài chính khí hậu cho những người chưa được phục vụ đầy đủ, và các công cụ phi tài chính, chẳng hạn như hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu khả thi…

Ngoài ra, VCFF bổ sung cho các sáng kiến khác nhằm hỗ trợ Việt Nam thực sự không phát thải khí nhà kính vào năm 2050, bao gồm Cộng đồng Châu Á Không phát thải, Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng tại Việt Nam (JETP) và Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), DFC cho biết trong thông báo.

DFC là tổ chức tài chính phát triển của chính phủ Mỹ được thành lập để huy động và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư vốn tư nhân vào phát triển kinh tế và xã hội của các quốc gia có thị trường mới nổi bằng cách cung cấp tài chính, bảo hiểm rủi ro chính trị và các công cụ tài chính khác cho các dự án phát triển.

Theo trang Mekong Asean, các đối tác của TIP đã cử một đoàn công tác chung đến Việt Nam vào tháng 10/2022 và trước đó, nhóm này cũng đã có các hội nghị trực tuyến với Ban Kinh tế Trung ương và một bộ liên quan vào tháng 1/2022 và tháng 10/2020.

Tại các cuộc họp này, các bên khẳng định sẽ hợp tác để giải quyết quá trình chuyển đổi năng lượng và nhu cầu năng lượng ngày càng tăng ở Việt Nam, bằng cách tận dụng các cơ chế tài chính của mỗi quốc gia.

Vào tháng 9 năm ngoái, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu John Kerry nói rằng Hoa Kỳ “cam kết làm việc với Nhóm G7 và các nước khác để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, đầy tham vọng và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam”.

Trong khi Hà Nội cam kết với quốc tế rằng nền kinh tế của họ sẽ trung hòa carbon vào năm 2050, giới chức Việt Nam lại bắt bớ những tiếng nói chỉ trích và những người lên tiếng nghi ngờ về cam kết này. Gần đây, việc đàn áp những nhà hoạt động vì môi trường bị cộng đồng quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ, lên tiếng phản đối.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG