Đường dẫn truy cập

Việt Nam nhắm mục tiêu ‘làm chủ công nghệ sản xuất’ ít nhất 10 loại vaccine vào năm 2025


Việt Nam dự kiến có ít nhất một nhà máy sản xuất vaccine COVID-19 đi vào hoạt động vào đầu năm 2022.
Việt Nam dự kiến có ít nhất một nhà máy sản xuất vaccine COVID-19 đi vào hoạt động vào đầu năm 2022.

Việt Nam đang lên nhiều kế hoạch cùng lúc trong việc nghiên cứu, sản xuất vaccine, thuốc điều trị và các thiết bị y tế để phòng chống COVID-19, sau vài tuần mở cửa trở lại và bước vào giai đoạn mới được chính phủ gọi là “thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát dịch bệnh”.

Trong số một loạt kế hoạch đưa ra trong Quyết định số 1654/QĐ-TTg về Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu sản xuất vaccine sử dụng cho người đến năm 2030”, Việt Nam đặt mục tiêu làm chủ công nghệ sản xuất 10 loại vaccine và sản xuất được tối thiểu 3 loại vaccine vào năm 2025; làm chủ công nghệ sản xuất 15 loại vaccine và sản xuất được tối thiểu 5 loại vaccine vào năm 2030, theo trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam.

Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam quyết định hỗ trợ 100% kinh phí cho việc nghiên cứu vaccine phòng chống COVID-19, đồng thời đưa ra các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vaccine và xem đây như sản phẩm quốc gia, sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư, phát triển.

Hỗ trợ cho mục tiêu này, Thủ tướng Việt Nam cũng chỉ thị cho Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN ) thành lập Ban chủ nhiệm Chương trình giúp tư vấn và triển khai các nhiệm vụ của Chương trình, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan trong việc thực hiện.

Trong cuộc họp với Bộ KH&CN vào ngày 18/10, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Việt Nam đã có những quyết định đúng trong công tác phòng chống dịch 2 năm vừa qua, nhưng ông cũng thừa nhận có những việc chưa thật tốt “cả tầm chủ trương chính sách và thực thi”, theo tường thuật của VOV.

Chính vì vậy, người đứng đầu lãnh đạo công tác chống dịch trong thời gian qua bày tỏ mong muốn các nhà khoa học nghiên cứu đưa ra các giải pháp để giúp Chính phủ có cái nhìn tổng thể và bước chuẩn bị tốt hơn trong giai đoạn sắp tới.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam đến nay đã làm chủ công nghệ, sản xuất được nhiều loại sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị phục vụ cho công tác chống dịch. Bộ này cho biết từ giữa năm 2021, nhiều doanh nghiệp đã tham gia tiếp nhận chuyển giao sản xuất sinh phẩm, vaccine, thuốc điều trị COVID-19 và Bộ đã cấp phép sử dụng cho nhiều loại sinh phẩm xét nghiệm, thuốc.

Dự kiến vào đầu năm 2022, Việt Nam sẽ có ít nhất một nhà máy sản xuất vaccine COVID-19 đi vào hoạt động để đáp ứng yêu cầu sử dụng trong nước và có thể xuất khẩu.

Trong kế hoạch dành cho giai đoạn mới, ngoài vaccine, Việt Nam còn tập trung nghiên cứu sản xuất thuốc điều trị, hoàn thiện công nghệ máy thở oxy dòng cao và nghiên cứu các hội chứng hậu COVID-19.

Tính đến ngày 19/10, Việt Nam mới chỉ có 18,3 triệu người (25,5% dân số) từ 18 tuổi trở lên được tiêm chủng đầy đủ hai liều vaccine COVID-19. Còn số người được tiêm 1 liều là 27,4 triệu người.

VOA Express

XS
SM
MD
LG