Đường dẫn truy cập

Việt Nam/COVID: Chuyên gia đề xuất với thủ tướng nhiều thay đổi về phòng chống dịch


Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu nêu đề xuất về chiến lược mới đối với COVID-19, 18/10/2021.
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu nêu đề xuất về chiến lược mới đối với COVID-19, 18/10/2021.

Một bác sĩ là giám đốc 2 bệnh viện với kinh nghiệm trực tiếp về phòng chống COVID-19 vừa đưa ra kiến nghị 7 điểm với thủ tướng Việt Nam, trang Facebook chính thức của chính phủ cho biết.

Trang Thông tin Chính phủ tường thuật hôm 18/10 rằng Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cùng ngày gặp các đại diện tiêu biểu của lực lượng y tế tuyến đầu tham gia phòng chống COVID-19. Cùng tham gia cuộc gặp là Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.

Thông tin thêm về sự kiện này trên báo chí Việt Nam cho biết Thủ tướng Chính ghi nhận đóng góp của lực lượng y tế, nhờ đó, dịch đã được kiểm soát và ông nói thêm rằng hiện Việt Nam đang thực hiện “lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội”.

Ông Chính đề nghị các bác sĩ, chuyên gia y tế Việt Nam với kinh nghiệm thực tiễn của họ hãy tham mưu về những cách làm tốt để thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch”.

Theo trang Thông tin Chính phủ, phát biểu tại cuộc họp, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, người cũng là giám đốc của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Hồi sức cấp cứu Bình Dương, nêu đề xuất hàng đầu là cần “xoá bỏ các khu cách ly tập trung, các bệnh viện dã chiến”.

Bác sĩ Hiếu đã tham gia Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, trong đó có tỉnh Bình Dương, nơi xảy ra bùng phát dịch với số ca nhiễm tăng nhanh, có thời điểm tới 5.000-6.000 ca mỗi ngày.

Với kinh nghiệm của mình, vị bác sĩ cũng là một phó giáo sư nêu ý kiến rằng thay cho khu cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến, cần hình thành mạng lưới chăm sóc bệnh nhân tại nhà theo cấp phường xã.

Người nhiễm COVID-19 được tự chăm sóc, khu vực bị nhiễm có thể cách ly hẹp, nếu số lượng ca nhiễm tăng đột biến (hơn 10% số mẫu lấy ngẫu nhiên) có thể cách ly cả thôn hay cả một xí nghiệp, ông Hiếu nói.

Riêng các ca tăng nặng, bệnh nền không ổn định hay người chưa tiêm vắc-xin có thể đưa sớm vào bệnh viện điều trị, bác sĩ Hiếu gợi ý.

Đề xuất thứ hai của chuyên gia y tế này là tách đôi bệnh viện với 2 lối đi riêng biệt cho người nhiễm hoặc không nhiễm COVID-19. Để thực hiện điều này, cần phân loại bệnh nhân bằng xét nghiệm nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử (PCR).

Một đề xuất nữa liên quan đến điều trị COVID-19, theo bác sĩ Hiếu, là cần chia khu điều trị thành 3 phân khu là hồi sức cấp cứu, điều trị bệnh mức độ vừa và khu hậu COVID-19.

“Các ca đã có xét nghiệm âm tính cần chuyển ngay sang tầng hậu COVID-19 để chăm sóc điều trị như bệnh nhân thông thường”, ông Hiếu lưu ý, và nhấn mạnh rằng việc này “cần làm lâu dài không chỉ dưới hình thức tạm bợ, dã chiến”.

Ba điểm nữa trong đề xuất 7 điểm của vị phó giáo sư là cần đưa y tế tư nhân vào cuộc và thu phí trong điều trị COVID; rà soát việc tiêm vaccine; và tổ chức lại khu nhà ở cho công nhân và người lao động nhập cư, trong đó, chính quyền cần hỗ trợ cho khu nhà trọ để người nhiễm có thể ở riêng biệt, cách ly.

Điểm cuối cùng trong các đề xuất của mình, ông Hiếu nói: “Không sợ COVID-19 là cách sống mới mà chúng ta cần chấp nhận. Nếu tỷ lệ tử vong trong số người đã tiêm phòng như cúm mùa vậy sao ta phải sợ”, theo tường thuật của Thông tin Chính phủ.

Hôm 11/10, chính phủ Việt Nam ban hành một nghị quyết quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, giám đốc của 2 bệnh viện quan trọng, khẳng định trong cuộc họp với thủ tướng Việt Nam rằng “thay đổi cách khoanh vùng cách ly chính là chìa khóa thay đổi cách phòng, chống dịch”.

Ông nói thêm: “Theo tôi, cách ly khoanh vùng nhỏ nhất là chiến lược hoàn toàn đúng đắn của chính phủ” và nhận định: “Dùng khoa học và thực tiễn địa phương, quốc gia để tồn tại và phát triển với sự hiện diện của COVID-19 là hướng đi không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới ngày mai”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG